Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Môi trường sống

Về nơi sông “nuốt” làng…

An Yên - 16:28, 10/11/2020

Sông Lam (Nghệ An) đang từng ngày “ngoạm” sâu vào làng khiến cuộc sống người dân ven sông không còn bình yên như trước. Trong khi đó, để di dời người dân đến khu vực an toàn vẫn đang là giải pháp chưa thể làm ngay.

Về nơi sông “nuốt” làng…
Bờ sông Lam tại xóm 1 xã Tam Sơn, Anh Sơn bị sạt lở

Sống “treo trên miệng hà bá”

Anh Sơn là một trong những địa phương tại Nghệ An đang bị sông Lam đe dọa nghiêm trọng. Hàng chục hộ dân tại nhiều xã nơi đây đang đứng trước nguy cơ mất đất ở, trôi nhà cửa do bờ sông sạt lở nặng nề.

Ông Hà Văn Tâm, xóm 2 xã Tam Sơn huyện Anh Sơn lo lắng: Sông Lam đã “ăn” vào sát nhà rồi, chỉ cách chừng 2m nữa thôi. Cứ đà này, mất nhà cửa lúc nào không biết. Theo ông Tâm, đợt mưa lũ do ảnh hưởng cơn bão số 9 cuối tháng 10/2020 khiến đất vườn của gia đình bị cuốn trôi hàng trăm m2 xuống sông Lam. Hiện nay, xung quanh nhà ở đã xuất hiện các vết nứt lớn rất nguy hiểm.

Ông Bùi Xuân Hòa, xóm 1, xã Tam Sơn huyện Anh Sơn cũng bất an không kém. Đất vườn của gia đình ông đã bị cuốn xuống sông Lam khoảng 15m. Thậm chí, một bụi tre lớn trong làng nhưng giờ đã nằm gọn dưới lòng sông. Vết lở bờ sông nay chỉ cách nhà khoảng 20 mét.

Về nơi sông “nuốt” làng… 1
Hộ nhà ông Hà Văn Tâm ở xóm 2 xã Tam Sơn, Anh Sơn bị sạt cách nhà chỉ còn 2 mét

Theo quan sát của chúng tôi, bờ sông Lam đoạn qua xã Tam Sơn, Cẩm Sơn, Hùng Sơn thuộc huyện Anh Sơn đã bị sạt lở nghiêm trọng, đe dọa an nguy đến cuộc sống hàng ngày của hàng chục hộ dân nơi đây. Có đoạn, sông Lam đã “ngoạm” vào bờ hàng chục m, cuốn trôi nhiều cây cối xuống lòng sông. Đến nay, sông Lam đã gây sạt lở nặng 2.250m, làm ảnh hưởng đến gần 70 hộ dân các xã Tam Sơn và Cẩm Sơn.

Ông Đặng Đình Luận, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Anh Sơn nêu thực tế đầy trăn trở: Có những đoạn sạt lở đã vào sát chân công trình phụ của các hộ dân. Nguy cơ mất nhà cửa, đe dọa tính mạng người dân là rất cao.

Không chỉ riêng trên địa bàn huyện Anh Sơn mà nhiều hộ dân ở huyện Thanh Chương cũng đang sống “treo trên miệng hà bá’. Theo thống kê, hiện trên địa bàn huyện này có 10 hộ dân tại các xã Phong Thịnh, Võ Liệt bị sông Lam sạt lở đe dọa.

Bà Nguyễn Thị Trinh, thôn Minh Đức, xã Võ Liệt huyện Thanh Chương cho hay: Gia đình tôi sống ở ngã 3 sông, nơi sông Rộ và sông Lam tiếp giáp nhau nên cứ đến mỗi mùa mưa bão là lại thấp thỏm không yên. Năm ngoái, sông đã “ăn” vào sát nhà tắm, sát đường đi vào cổng. Cũng theo bà Trinh, ngoài việc phản ánh lên các cấp chính quyền, gia đình bà đã bỏ tiền bạc đổ hàng chục xe đất, đá kè lại những đoạn sạt lở để đảm bảo an toàn nhưng không ‘ăn thua”.

Có mặt tại ngã ba sông, nơi tiếp giáp của sông Rộ và sông Lam đoạn qua thôn Minh Đức, xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương, chúng tôi đã ghi nhận nhiều vị trí sạt lở lấn sâu vào khu vực nhà ở từ 2-5 mét, nhiều nhà dân ở khu vực này nằm chênh vênh bên mép sông khiến họ hàng ngày luôn sống trong bất an. Hiện tại, khu vực sạt lở tại thôn Minh Đức xã Võ Liệt đã được cắm biển cảnh báo sạt lở.

Bao giờ người dân mới an cư?

Lắng nghe những băn khoăn, trăn trở của người dân, chúng tôi nhận thấy, mong mỏi của các hộ dân là sớm được hỗ trợ di chuyển đến nơi ở mới an toàn hơn để ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, theo lãnh đạo các địa phương, điều đó không thể thực hiện trong ngày một ngày hai.

Về nơi sông “nuốt” làng… 2
Sát hộ bà Nguyễn Thị Trinh ở thôn Minh Đức xã Võ Liệt Huyện Thanh Chương đã được cắm biển cảnh báo sạt lở đất bờ sông

Theo ông Bùi Xuân Lĩnh, Chủ tịch UBND xã Võ Liệt (huyện Thanh Chương), vào năm 2018, xã đã lập hồ sơ liên quan đến việc di dời nhà ở của các hộ dân khỏi vùng đất có nguy cơ sạt lở bờ sông, có 3 hộ trong đó có hộ bà Nguyễn Thị Trinh.

Ông Lĩnh nói: Xã đã lập tờ trình xin quy hoạch một vùng đất và đã được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt, đã lập quy hoạch chi tiết phân lô nhưng công tác giải phóng mặt bằng còn vướng mắc nên chưa thực hiện được.

Khi đề cập đến nguy vọng người dân được an cư để ổn định cuộc sống, lãnh đạo các địa phương đã cho biết về lâu dài phải tái định cư cho các hộ dân; còn trước mắt vẫn tổ chức tuyên truyền, di dời mỗi khi có mưa bão gây sạt lở. Nguyên nhân là do kinh phí chưa được bố trí, khu đất tái định cư chưa thể sắp xếp được.

Trao đổi với phóng viên về giải pháp, ông Hoàng Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Anh Sơn cũng chỉ mới dừng lại ở từ ‘Sẽ”. “Huyện đã tính đến chủ trương di dời tái định cư đối với các hộ dân trong khu vực có nguy cơ sạt lở cao dọc bờ sông. Ngoài ra, sẽ xem xét hỗ trợ khắc phục sạt lở bờ Sông Lam nguy cơ đến nhà ở các hộ dân sinh sống và gây sạt lở đường giao thông… Thời gian tới, huyện cũng sẽ lập các biển cảnh báo vùng có nguy cơ sạt lở và vùng ngập sâu ven sông để người dân chú ý phòng tránh”, ông Cường nói

Tin cùng chuyên mục
Hà Giang: Thực hư về thông tin hàng trăm em học sinh phải sử dụng nguồn nước sinh hoạt không bảo đảm

Hà Giang: Thực hư về thông tin hàng trăm em học sinh phải sử dụng nguồn nước sinh hoạt không bảo đảm

Nhận được phản ánh của người dân về việc lo ngại chất lượng nguồn nước sử dụng hàng ngày của các em học sinh Trường PTDT Bán trú Tiểu học và THCS Pải Lủng (xã Pải Lủng, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển đã có buổi làm việc cùng chính quyền địa phương và Ban Giám hiệu nhà trường.