Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

10 dấu ấn đối ngoại Việt Nam 2019

PV - 10:31, 03/01/2020

Năm 2019 đánh dấu nhiều sự kiện quan trọng của ngành Ngoại giao Việt Nam thể hiện rõ dấu ấn về bản lĩnh và vị thế chính trị của đất nước. Xin giới thiệu 10 dấu ấn đối ngoại Việt Nam năm 2019 do Báo Thế giới và Việt Nam bình chọn.

Ngoại giao văn hóa đem về cho đất nước và các địa phương nhiều danh hiệu quan trọng của UNESCO.
Ngoại giao văn hóa đem về cho đất nước và các địa phương nhiều danh hiệu quan trọng của UNESCO

Thông qua 17 chuyến thăm các nước và đón tiếp 20 lãnh đạo các nước thăm Việt Nam, ngoại giao cấp cao do lãnh đạo Đảng và Nhà nước tiến hành đóng vai trò định hình khuôn khổ và đưa các mối quan hệ với các nước láng giềng khu vực, đối tác lớn, các nước bạn bè truyền thống đi vào chiều sâu, trong đó có việc nâng cấp khuôn khổ quan hệ với Hà Lan và Brunei lên Đối tác toàn diện.

Việt Nam tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ 2 tại Hà Nội, đóng góp trực tiếp vào tiến trình hòa bình, hòa giải trên bán đảo Triều Tiên. Nước chủ nhà đã thể hiện được vai trò của một quốc gia có trách nhiệm, tham gia dẫn dắt, đóng góp tích cực cho hòa bình thế giới và khu vực.

Việt Nam trúng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 với số phiếu kỷ lục 192/193 trong lịch sử bầu cử tại Liên hợp quốc. Kết quả này thể hiện sự tín nhiệm và đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với đóng góp tích cực, thực chất, có trách nhiệm của Việt Nam đối với Liên hợp quốc nói chung và Hội đồng Bảo an nói riêng.

Nhóm tàu khảo sát HD-8 (Trung Quốc) rời khỏi vùng biển Việt Nam dưới sự đấu tranh kiên quyết, kiên trì chống lại các hành động xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán biển đảo của Việt Nam; trong khi Việt Nam cũng thể hiện thiện chí sẵn sàng thông qua đối thoại, trao đổi với các nước liên quan để xử lý bất đồng, đóng góp vào duy trì hòa bình, ổn định phát triển tại Biển Đông.

Việt Nam và Campuchia ký hai văn kiện pháp lý công nhận 84% thành quả phân giới cắm mốc đường biên giới trên bộ giữa hai nước; đánh dấu mốc lịch sử trong tiến trình giải quyết các vấn đề liên quan biên giới giữa hai nước sau 36 năm đàm phán, xây dựng đường biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị và hợp tác.

Việt Nam ký với EU Hiệp định Thương mại Tự do (EVFTA), Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA) và Hiệp định về thiết lập khuôn khổ tham gia của Việt Nam vào các hoạt động khủng hoảng của EU (FPA); hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), đẩy mạnh tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần mở rộng và đa dạng hóa thị trường.

Việt Nam đăng cai thành công Đại lễ Phật đản Liên Hợp quốc 2019 tại chùa Tam Chúc (Hà Nam), với sự tham gia của 1.650 đại biểu quốc tế từ 115 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có lãnh đạo các nước gồm Tổng thống Myanmar, Thủ tướng Nepal, Phó Tổng thống Ấn Độ, Chủ tịch Thượng viện Bhutan, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc. Liên minh Kỷ lục Thế giới đã công nhận hai kỷ lục mới, trong đó có Đàn lễ cầu nguyện cho hòa bình thế giới lớn nhất.

Công tác bảo hộ công dân, ngư dân, tàu thuyền Việt Nam ở nước ngoài được xử lý kịp thời, hiệu quả trong điều kiện ngày càng có nhiều vụ việc phức tạp liên quan đến công dân Việt Nam như vụ 39 nạn nhân thiệt mạng ở Anh, khách du lịch Việt Nam bị đánh bom khủng bố ở Ai Cập…

Ngoại giao văn hóa đã đem về cho đất nước và các địa phương nhiều danh hiệu quan trọng của Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên hợp quốc (UNESCO) như Hà Nội được công nhận là thành viên mạng lưới các thành phố sáng tạo, thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam được ghi danh là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Đoàn Thể thao Việt Nam thành công vang dội tại SEA Games 30 tại Philippines. Với kỷ lục 98 huy chương vàng, 85 huy chương bạc, 105 huy chương đồng, vượt xa chỉ tiêu đề ra, Đoàn Thể thao Việt Nam đã xuất sắc đứng ở vị trí thứ hai toàn đoàn. Đặc biệt, lần đầu tiên Việt Nam giành Huy chương Vàng bóng đá cả nam và nữ tại đấu trường thể thao khu vực.

Tin cùng chuyên mục
Triển khai Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045: Khẩn trương nhưng cẩn trọng vì mục tiêu lớn

Triển khai Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045: Khẩn trương nhưng cẩn trọng vì mục tiêu lớn

Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được ban hành tại Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 28/1/2022 đặt mục tiêu đến năm 2045, các xã, thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi có đủ cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân, cơ bản không còn hộ nghèo... Để hướng tới mục tiêu này, Ủy ban Dân tộc (UBDT) và các bộ, ngành, địa phương đã và đang triển khai các nhiệm vụ trong Chiến lược, trên tinh thần khẩn trương nhưng cẩn trọng.