Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

10 giải pháp giúp học sinh tiểu học học trực tuyến hiệu quả

Nga Anh (T/h) - 16:19, 07/09/2021

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 như hiện nay, học trực tuyến không còn là giải pháp tình thế. PGS.TS Trần Thành Nam khẳng định không chỉ giáo viên mà phụ huynh cũng cần có những hình thức hỗ trợ để các bạn nhỏ hào hứng với phương pháp học tập mới này.

PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa Các Khoa học Giáo dục – Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội)
PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa Các Khoa học Giáo dục – Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội)

Mới đây, tại buổi tọa đàm với chủ đề “Chuẩn bị hành trang tâm lý và kiến thức cho trẻ vào lớp 1 trong bối cảnh giáo dục trực tuyến”, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa Các Khoa học Giáo dục – Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), cho hay trong bối cảnh giáo dục đang chuyển đổi số mạnh mẽ như hiện nay, học trực tuyến sẽ sớm trở thành một hình thức học chính thức. Và khi trẻ sử dụng thành thạo hình thức học này, đây sẽ là một chỉ báo cho năng lực công dân số.

Vậy giải pháp nào để học sinh có thể thích nghi và học trực tuyến hiệu quả?

PGS.TS Trần Thành Nam đã đưa ra 10 điểm phụ huynh cần lưu ý để có những chiến lược phối hợp giữa gia đình và nhà trường chặt chẽ, giúp trẻ vượt qua trở ngại tâm lý, sẵn sàng cho việc học trực tuyến.

Thứ nhất: Tạo tâm thế học tập cho con

Đây cũng là điều quan trọng nhất, cha mẹ cần tạo con một tâm thế háo hức đối với việc học trực tuyến. Cha mẹ có thể ngồi xuống nói chuyện với con về ý nghĩa của việc đi học, chuẩn bị cho trẻ biết trước về những gì sẽ xảy ra khi học trực tuyến.

Thứ 2: Tạo một không gian học tập cố định và có quy tắc

Độ tuổi lên 6 là tuổi rất thích khám phá nên dễ bị mất tập trung, hiếu động và ồn ào. Để trẻ học trực tuyến một cách tập trung, cha mẹ cần tạo một không gian học tập cố định và có quy tắc tôn trọng trật tự khi con học. Không gian học tập phải yên tĩnh, được thu xếp gọn gàng, đầy đủ đồ dùng học tập.

Tất cả những đồ vật gây phiền nhiễu và mất tập trung như ti vi, đồ chơi, vật nuôi… cần loại bỏ hết ra khỏi tầm mắt của trẻ.

Thứ 3: Cha mẹ cũng cần xác định vai trò mình là một giáo viên/ huấn luyện viên hiện trường

Trong lớp học online, cô giáo không thể đến từng bàn học để kiểm tra và hỗ trợ học sinh. Trong khi đó, trẻ không thể thực hiện nhiều thao tác cùng lúc như không thể vừa nghe, vừa nhìn, vừa thao tác tay (do kỹ năng phối hợp thính giác – vận động hoặc thị giác - vận động vẫn đang phát triển). Do đó, cha mẹ cần điều hướng các thiết bị công nghệ, định hướng sự chú ý của con cũng như nhắc nhở và hỗ trợ kịp thời.

Thứ 4: Cho con mặc đồng phục khi ngồi học, dạy con ngồi đúng tư thế

Trẻ sẽ có tâm thế học tốt hơn nếu ăn mặc như ngày đi học thường ngày. Điều này khiến con tập trung hơn và thoát khỏi cảm giác ở nhà hoặc cảm giác hôm nay là thứ 7.

Thứ 5: Đưa ra lời khen

Để giúp con tập trung chú ý trong giờ học trực tuyến, cha mẹ có thể làm các lời nhắc nhở dễ thương dán trên màn hình máy tính ngay trước mặt. Ngoài ra, cha mẹ có thể sáng tạo và hào phóng khen thưởng để giúp con có động lực tập trung học tập.

Thứ 6: Đưa một món đồ khi con cảm thấy lo lắng

Với một số trẻ quá hiếu động, khi bị bắt phải ngồi yên tập trung vào bài học sẽ khiến các con rất bồn chồn. Cha mẹ có thể đưa cho con quả bóng stress để bóp vặn nó khi lo lắng. Điều này sẽ khiến con kiểm soát hành vi tốt hơn và ngồi yên tại chỗ.

Thứ 7: Hạn chế thời gian sử dụng màn hình của con

Trước khi bắt đầu vào năm học (với hình thức học trực tuyến), cha mẹ cần hạn chế lại thời gian sử dụng màn hình của con trong các hoạt động hàng ngày để tổng thời gian sử dụng màn hình trong ngày không làm con quá tải.

Cha mẹ có thể cùng con đưa ra nguyên tắc sử dụng mạng và thiết bị công nghệ để đảm bảo an toàn. Điều quan trọng là bố mẹ cũng phải gương mẫu tuân thủ những nguyên tắc này.

Thứ 8: Các hoạt động thể dục thể thao cần thiết

Học trực tuyến sẽ tước mất các cơ hội vận động giải tỏa căng thẳng của con như các giờ tập thể dục hoặc trò chơi đuổi bắt, các con chạy chơi trên sân,… Vì vậy, trong cuộc sống gia đình cần phải bố trí thêm các hoạt động thể chất vừa sức để con cùng tham gia như tưới cây, sắp xếp lại góc học tập, bê đồ lên giặt, quét nhà, dọn đồ chơi, chuẩn bị bàn ăn, chăm sóc thú cưng, ...

Thứ 9: Hỗ trợ tâm lý cảm xúc cho con

Vì cảm xúc của trẻ rất dễ tổn thương, cho nên sự háo hức học tập sẽ bị đè bẹp ngay lập tức với những lời phê bình, lên giọng, không được chú ý khi giơ tay muốn phát biểu. Cha mẹ cần sẵn sàng hỗ trợ tâm lý cảm xúc cho con trẻ khi vào học trực tuyến, từ nhận diện đến bình thường hóa cảm xúc và hướng dẫn con thực hiện những bài tập thư giãn phù hợp khi đối diện với các cảm xúc tiêu cực.

Thứ 10: Cha mẹ cần chủ động học hỏi và nâng cấp năng lực công nghệ

Điều này sẽ giúp con sử dụng thiết bị an toàn, tìm hiểu thêm về phương pháp sư phạm, cách quản lý cảm xúc và kỷ luật tích cực mà giáo viên vận dụng khi tương tác với con trẻ.

Cha mẹ cũng cần cập nhật những kiến thức để chăm sóc con cái đúng cách trong mùa dịch, từ việc dành thời gian cho con đủ, tạo ra cảm xúc tích cực, lên lịch trình, ứng phó với hành vi không đúng đắn của trẻ, quản lý căng thẳng trong gia đình.

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.