Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

10 năm “nâng cấp” vùng khó

PV - 10:36, 15/07/2018

Hà Nội có 5 huyện Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức, với 14 xã thuộc khu vực miền núi có đông đồng bào DTTS sinh sống. Cùng với phong trào xây dựng nông thôn mới trên toàn thành phố, trong 10 năm qua (2008-2018), khu vực này đã được Nhà nước tăng cường đầu tư, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Bài 1: Bứt phá trong phát triển kinh tế

Để tập trung nguồn lực phát triển nông thôn, đặc biệt là các xã miền núi, trong 10 năm qua, cùng với chính sách chung cho vùng DTTS và miền núi, TP. Hà Nội đã ban hành nhiều chính sách riêng để xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, nâng cao đời sống của đồng bào DTTS trên địa bàn.

Trước tháng 5/2008, Yên Bình là một xã thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 ngày 29/5/2008 của Quốc hội, Yên Bình được sáp nhập về Thủ đô, trở thành một xã của huyện Thạch Thất.

Ông Nguyễn Giáp Dần, Chủ tịch UBND xã Yên Bình nhớ lại: Trước đây, khi nhắc đến Yên Bình, nhiều người nghĩ đến một địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa, giao thông ở đây hầu hết còn là đường đất, đi lại khó khăn; có 41% là người dân tộc Mường, chủ yếu làm nông nghiệp; thu nhập bình quân đầu người chỉ được 12 triệu đồng/người/năm.

DTTS Cùng với cơ sở hạ tầng được đầu tư, những giá trị văn hóa của đồng bào DTTS của Thủ đô cũng được gìn giữ, phát huy.
(Trong ảnh: Đội cồng chiêng của đồng bào Mường xã Phú Mãn, huyện Quốc Oai)

Từ khi sáp nhập về huyện Thạch Thất, được sự quan tâm của Trung ương và trực tiếp là TP. Hà Nội, cơ sở hạ tầng của xã đã có chuyển biến tích cực. Giai đoạn 2008-2017, xã Yên Bình được đầu tư hơn 200 tỷ đồng cho 22 công trình: trường học, trạm y tế, giao thông, thủy lợi, nhà văn hóa... Các công trình đến nay đã hoàn thành và đưa vào sử dụng hiệu quả.

“Nhờ nguồn lực đầu tư của Trung ương, của Thành phố, diện mạo nông thôn Yên Bình đã chuyển biến rất rõ nét, đời sống nhân dân được nâng lên. Đến cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn 2,06%; thu nhập bình quân đầu người đạt 42 triệu đồng/người/năm”, ông Dần phấn khởi chia sẻ.

Cùng với Yên Bình, các xã thuộc vùng DTTS và miền núi của Thủ đô đã có những bứt phá mạnh mẽ trong phát triển kinh tế. Đến nay, nhiều xã đã “cán đích” Chương trình xây dựng Nông thôn mới, như: Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung (huyện Thạch Thất); Phú Mãn, Đông Xuân (huyện Quốc Oai)... Riêng xã Ba Vì (huyện Ba Vì), trước năm 2016 còn là xã đặc biệt khó khăn, đến nay cũng đã đạt 12 tiêu chí nông thôn mới…

Đặc biệt, hết năm 2016, TP. Hà Nội không còn thôn, xã ĐBKK (theo Quyết định của Chính phủ về thôn ĐBKK, xã khu vực III, II, I thuộc vùng DTTS miền núi giai đoạn 2016-2020). Kết quả này đã đạt và vượt mức chỉ tiêu Thành phố đặt ra.

Theo Trưởng Ban Dân tộc Thành phố Nguyễn Tất Vinh, có được thành tựu đó là nhờ sự quan tâm, ưu tiên nguồn lực đầu tư từ Trung ương đến Thành phố. Trong 10 năm qua, hàng nghìn tỷ đồng đã được bố trí để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội khu vực này.

Chỉ tính giai đoạn 2013-2015, thực hiện Kế hoạch số 166 của UBND TP. Hà Nội, vùng đồng bào DTTS và miền núi của Thủ đô đã được đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống,... Còn giai đoạn 2016-2020, UBND Thành phố ban hành Kế hoạch số 138 nhằm tiếp tục phát triển toàn diện kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi với tổng kinh phí dự kiến 2.324 tỷ đồng.

Bên cạnh thực hiện các cơ chế chính sách đặc thù, Thành phố cũng chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các chính sách của Trung ương như hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số theo các Quyết định số 1592 ngày 12/10/2009, Quyết định số 551 ngày 04/4/2013, Quyết định số 755 ngày 20/5/2013 và Quyết định số 54 ngày 04/12/2012 của Chính phủ...

Cùng với sự bứt phá trong phát triển kinh tế, đời sống tinh thần của đồng bào DTTS của Thủ đô cũng đã được nâng lên rõ rệt; nhiều giá trị văn hóa truyền thống được gìn giữ, phát huy. Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh nội dung này trong số báo tiếp theo.

Sau 10 năm, kết cấu hạ tầng cơ sở vùng DTTS và miền núi Thủ đô đã được đầu tư hoàn thiện. Hiện, 100% xã có đường ô tô đến trụ sở UBND xã, trên 60% đường trục thôn được bê tông hóa; trên 60% kênh mương được kiên cố hóa; 100% số hộ dân được sử dụng điện sinh hoạt; 100% số xã đã có điểm bưu điện, 100% các thôn có đường dây điện thoại, mạng lưới Internet đến từng thôn.

 KHÁNH THƯ