Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chính sách dân tộc

Khánh Hòa: Thực hiện chính sách giao khoán bảo vệ rừng – “Lợi cả đôi đường”

T.Nhân-H.Trường - 05:59, 24/04/2024

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Khánh Hòa đang tích cực triển khai Tiểu dự án 1 của Dự án 3 (Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị). Tỉnh Khánh Hoà tích cực chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương triển khai Dự án. Việc giao khoán bảo vệ rừng mang lại “lợi ích kép” khi các đơn vị có thêm nhân lực để giữ rừng, còn người dân nhận khoán có thêm thu nhập.

Lực lượng chức năng phối hợp cùng với người dân nhận giao khoán tuần tra bảo vệ rừng
Lực lượng chức năng phối hợp cùng với người dân nhận giao khoán tuần tra bảo vệ rừng

Tích cực tuyên truyền chính sách giao khoán bảo vệ rừng

Thời gian đầu mới triển khai chính sách giao khoán bảo vệ rừng tại các địa phương, đơn vị chủ rừng gặp nhiều khó khăn, không có hộ dân nào nhận khoán bảo vệ rừng. Nguyên nhân là do diện tích rừng tự nhiên đủ điều kiện giao khoán tại các xã, thị trấn manh mún, đan xen giữa các loại diện tích rừng phòng hộ và rừng sản xuất nên khó khăn cho công tác khảo sát, thiết kế lập hồ sơ giao khoán. Trong khi đó, diện tích rừng tự nhiên đủ điều kiện giao khoán cho người dân đa phần ở đồi núi cao, xa khu dân cư, đường đi lại khó khăn; người dân sợ trách nhiệm trong công tác quản lý bảo vệ rừng; định mức nhận khoán thấp… nên không mặn mà tham gia.

Các địa phương phải tổ chức tuyên truyền, vận động nhiều lần, các hộ mới đăng ký nhận khoán bảo vệ rừng. Đến năm 2023, có 56 hộ dân ở 2 huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh ký kết hợp đồng nhận khoán bảo vệ rừng. Năm 2024, qua nỗ lực triển khai của các đơn vị, địa phương, số hộ nhận khoán bảo vệ rừng đã tăng lên. 

Ngoài các hộ ở 2 huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh tiếp tục nhận khoán diện tích rừng tự nhiên do UBND cấp xã quản lý, nhiều đơn vị chủ rừng nhà nước cũng đã ký kết hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng với các hộ dân.

Cụ thể như: Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Khánh Hòa giao khoán hơn 525ha cho 20 hộ dân xã Ninh Tây (thị xã Ninh Hòa); Công ty TNHH Một thành viên Lâm sản Khánh Hòa giao khoán bảo vệ 540ha cho 20 hộ dân 2 xã Giang Ly và Sơn Thái (huyện Khánh Vĩnh); Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Trầm Hương giao khoán bảo vệ 750ha cho 25 hộ dân 3 xã: Khánh Đông, Khánh Hiệp, Khánh Trung (Khánh Vĩnh).

Lực lượng chức năng tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân về bảo vệ rừng
Lực lượng chức năng tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân về bảo vệ rừng

Ông Nguyễn Duy Quang, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Khánh Hoà cho biết: Chính sách giao khoán bảo vệ rừng cho các hộ dân trên địa bàn tỉnh được thực hiện theo tiểu dự án 1, Dự án 3 của Chương trình MTQG 1719. Bên cạnh tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho các hộ dân, chính sách này còn góp phần tăng cường hỗ trợ cho công tác quản lý bảo vệ rừng của các địa phương, đơn vị được tốt hơn.

Để công tác giao khoán bảo vệ rừng đạt hiệu quả, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành nhiều văn bản đôn đốc các đơn vị tuyên truyền, hướng dẫn và tăng cường hỗ trợ những hộ gia đình nhận khoán bảo vệ rừng thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng được giao khoán theo quy định. Sở cũng thường xuyên kiểm tra, đánh giá kết quả giao khoán bảo vệ rừng của từng đơn vị, địa phương.

Nhiều hộ dân nhận giao khoán bảo vệ rừng

Theo ông Nguyễn Danh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Khánh Hoà, hiện toàn tỉnh đã có 335 hộ gia đình đăng ký nhận khoán bảo vệ rừng. Trong đó, huyện Khánh Sơn có 18 hộ đăng ký bảo vệ hơn 230 ha; huyện Khánh Vĩnh có 38 hộ đăng ký bảo vệ gần 955ha; Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Trầm Hương có 25 hộ đăng ký bảo vệ 750ha; Công ty TNHH Một thành viên Lâm sản Khánh Hòa có 18 hộ đăng ký bảo vệ 540ha; Ban Quản lý Rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa có 216 hộ đăng ký bảo vệ gần 6.480ha và Ban Quản lý Rừng phòng hộ Bắc Khánh Hòa có 20 hộ đăng ký bảo vệ hơn 525ha. 

Dự kiến trong năm 2024, diện tích giao khoán bảo vệ rừng cũng tương tự, kinh phí hỗ trợ cho các hộ dân nhận khoán bảo vệ rừng gần 3,8 tỷ đồng.

Tại huyện Khánh Vĩnh, từ cuối năm 2023, hơn 954ha rừng tự nhiên thuộc quản lý của 5 xã: Khánh Nam, Khánh Phú, Khánh Thượng, Liên Sang và Sơn Thái cũng đã được giao cho 38 hộ dân ở các địa phương bảo vệ. Tại huyện Khánh Sơn, 18 hộ ĐBDTTS nghèo đã nhận khoán bảo vệ hơn 230ha rừng tự nhiên của thị trấn Tô Hạp và các xã: Thành Sơn, Ba Cụm Nam.

Việc nhận giao khoán không chỉ giúp người dân có thêm thu nhập mà còn hỗ trợ ngành chức năng trong việc bảo vệ rừng
Việc nhận giao khoán không chỉ giúp người dân có thêm thu nhập mà còn hỗ trợ ngành chức năng trong việc bảo vệ rừng

Ông Vũ Quang Lãm, Phó Chủ tịch UBND xã Thành Sơn cho biết: Từ tháng 11/2023, UBND xã đã ký kết hợp đồng giao khoán bảo vệ gần 189ha rừng tự nhiên do xã quản lý cho 11 hộ ĐBDTTS trên địa bàn. Sau khi ký kết hợp đồng, các hộ dân đã bắt tay ngay vào việc tuần tra, kịp thời phát hiện các hành vi gây thiệt hại đến tài nguyên rừng. Các hộ nhận khoán đều là đồng bào DTTS nghèo, nguồn thu nhập 400.000 đồng/ha/năm góp phần giúp các hộ có thêm thu nhập.

Ông Bo Bo Thành Phố ở thôn Tà Giang 2, xã Thành Sơn, huyện Khánh Sơn chia sẻ: Cuối năm 2023, ông nhận khoán bảo vệ 14,04ha diện tích rừng tự nhiên tại lô 1, khoảnh 3, tiểu khu 267 do UBND xã quản lý. "Gia đình mình là hộ cận nghèo, thu nhập chủ yếu dựa vào rẫy chuối 0,4ha, làm thuê nên khi Nhà nước có chủ trương giao khoán bảo vệ rừng, với mức 400.000 đồng/ha/năm, tôi đã đăng ký nhận khoán bảo vệ. Trong quá trình tuần tra, bảo vệ rừng, tôi còn được địa phương hướng dẫn, hỗ trợ để thực hiện tốt hơn", ông Bo Bo Thành Phố cho hay. 

Tin cùng chuyên mục
Các huyện biên giới Thanh Hóa: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về các thôn, bản đặc biệt khó khăn

Các huyện biên giới Thanh Hóa: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về các thôn, bản đặc biệt khó khăn

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719), các huyện biên giới Thanh Hóa đang đẩy mạnh nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục kiến thức pháp luật và trợ giúp pháp lý cho Nhân dân, tập trung hướng về các thôn, bản đặc biệt khó khăn, nhằm nâng cao nhận thức về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với vùng DTTS.