Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sự kiện - Bình luận

30/4/1975 - Khát vọng hòa bình của những con người Việt Nam

PV - 19:00, 30/04/2021

11h30 ngày 30/4/1975, khi lá cờ cách mạng tung bay trên thành lũy cuối cùng của chính quyền Sài Gòn cũng là lúc non sông nối liền một dải, nhà nhà chung niềm vui đoàn tụ.

Niềm vui thống nhất đất nước

Khát vọng thống nhất đất nước, khát vọng hòa bình là mong mỏi lớn nhất của người dân Việt Nam khi đất nước bị chia cắt. Chính vì vậy, khi cánh cửa Dinh Độc lập bị húc đổ, lá cờ cách mạng bay trên thành lũy cuối cùng của chính quyền Sài Gòn và đặc biệt là lời tuyên bố "TP Sài Gòn đã được giải phóng hoàn toàn" trên đài phát thanh đã khiến mọi niềm vui vỡ òa.

30/4/1975 - Khát vọng hòa bình của những con người Việt Nam
30/4/1975 - Khát vọng hòa bình của những con người Việt Nam 1

Nụ cười, nước mắt chan chứa niềm vui, những cái ôm, cái nắm tay thật chặt giữa người dân Sài Gòn và các chiến sĩ cách mạng đã xóa nhòa ranh giới giữa hai miền chiến tuyến và chỉ còn lại những người con Việt Nam hòa chung niềm vui đất nước hòa bình.

30/4/1975 - Khát vọng hòa bình của những con người Việt Nam 2

Bức ảnh "Hai người lính" - Khát khao hòa bình giữa lòng chiến sự

Lý giải về sự hòa hợp nhanh chóng của những con người đã ở hai bên chiến tuyến, các cựu chiến sĩ quân giải phóng cho rằng đó là do khát vọng về độc lập, thống nhất dân tộc cao hơn, mạnh mẽ hơn sự hận thù. Không phải đợi đến ngày 30/4/1975 điều này mới được bộc lộ ra.

30/4/1975 - Khát vọng hòa bình của những con người Việt Nam 3

Bức ảnh "Hai người lính" - một người là lính Việt Nam Cộng hòa và một người là lính quân Giải phóng được chụp năm 1973 tại chiến trường Quảng Trị của phóng viên chiến trường Chu Chí Thành. Cả hai người đã khoác vai thân thiết chụp ảnh với nhau ngay khi tiếng súng vừa ngớt.

Tác giả bức ảnh từng cho biết, ông có dự cảm ngày thống nhất đất nước đang đến rất gần khi chứng kiến hai người lính bên vùng chiến tuyến thực sự không muốn bắn giết lẫn nhau hay nói cách khác là họ cùng chung khát vọng thống nhất đất nước. Khát vọng ấy được thể hiện rõ nhất trong những gia đình của người miền Nam lúc bấy giờ khi những người con có chung bố mẹ nhưng đi lính hai bên, người mẹ luôn phải sống trong cảnh nơm nớp lo sợ ngày nào đó các con sẽ chạm mặt trên chiến trường.

Lá thư "Gửi những người đang sống"

Đất nước đã hòa bình được 46 năm từ ngày 30/4 lịch sử. Cái giá của sự bình yên mà chúng ta có được hôm nay là sự hi sinh xương máu của biết bao nhiêu anh hùng liệt sỹ, từ những người có danh tính rõ ràng đến hàng nghìn ngôi mộ vô danh. Hơn ai hết, các bác, các chú, các anh là những người hiểu rõ thế nào là sự hi sinh, cống hiến cho Tổ quốc, cho đồng bào.

30/4/1975 - Khát vọng hòa bình của những con người Việt Nam 4

Điều này cũng được cảm nhận sâu sắc qua bức thư của 3 liệt sỹ, những người đã nằm xuống tại cánh rừng nguyên sinh nơi thượng nguồn sông Đồng Nai. Trước khi biết mình sắp ra đi, 3 chiến sĩ thuộc trung đoàn Bình Giã đã lần lượt viết thư tay gửi thế hệ sau, những người đang sống.

"Thời gian không chờ chúng tôi nữa. Chúng tôi cảm thấy gần đến giờ phải từ giã cõi đời này rồi. Trước khi ra đi, thư phải được bảo quản cẩn thận để tránh thời gian mưa nắng phũ phàng. Thư phải về với tay những người đang sống".

Tâm nguyện mang thông điệp hòa bình của người lính mũ nồi xanh

Đất nước đã tự do như mong muốn của các bác, các chú, các anh đã ngã xuống. "Việc sống đúng với ý nghĩa của sự tự do quý giá ấy sẽ càng làm cho những cái chết trở nên ý nghĩa hơn" - lời dặn dò sâu sắc và chân thành này đã trở thành mạch nguồn cảm hứng cho tất cả chúng ta, những người đang sống, đang hưởng thành quả của tự do, hòa bình.

Ảnh: Báo Phụ nữ Việt Nam
Ảnh: Báo Phụ nữ Việt Nam

Với các bạn trẻ thanh niên Việt Nam sẵn sàng lên đường gìn giữ hòa bình của thế giới thì việc sống ý nghĩa, trách nhiệm với tuổi trẻ trở thành một nguồn động lực vượt qua nhiều khó khăn và thử thách. Họ - một thế hệ trẻ ở một đất nước đã trải qua nhiều biến cố chiến tranh với bao thế hệ sẵn sàng lên đường với mục tiêu bảo vệ Tổ quốc thì việc xuất hiện ở những nơi bất ổn của thế giới như gửi đi một thông điệp mạnh mẽ về hòa bình.

Lại một thế hệ tiếp nối con đường của cha ông, những người đã cầm súng hi sinh vì hòa bình, độc lập, tự do của dân tộc. Chính tình yêu Tổ quốc đậm sâu đã khiến các chiến sĩ cách mạng chiến đấu quên mình và các bác, các chú, các anh cũng mong những người còn sống cũng sẽ lao động quên mình để xây dựng đất nước ngày một ấm no, hạnh phúc.

Cứ mỗi lần đến dịp lễ 30/4, chúng ta cùng nhìn lại những trang sử hào hùng của dân tộc. Có mất mát, có đau thương nhưng cũng có những chiến thắng vang dội để rồi người Việt Nam của chúng ta cùng nhau chung tay xây dựng đất nước như trách nhiệm của những người còn sống đối với những hi sinh, mất mát to lớn của cha ông đi trước.