Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thời sự

75 năm Quốc hội Việt Nam: Xứng đáng là cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân

PV - 09:50, 06/01/2021

Ra đời trong khói lửa của cuộc đấu tranh cách mạng, Quốc hội vừa là thành quả, vừa là biểu tượng cao quý nhất của độc lập dân tộc, của thống nhất đất nước, thể hiện ý chí và khát vọng ngàn đời của Nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các thành viên của Chính phủ tuyên thệ nhậm chức tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa I (2/3/1946). Ảnh: Tư liệu/TTXVN
Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các thành viên của Chính phủ tuyên thệ nhậm chức tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa I (2/3/1946). Ảnh: Tư liệu/TTXVN

Hội tụ đại biểu khắp mọi miền đất nước, đại diện các ngành, các giới, các giai cấp, tầng lớp, các thành phần dân tộc, tôn giáo... Quốc hội mang trong mình sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, hiện thân của ý chí kiên cường và nghị lực phi thường không gì lay chuyển nổi của dân tộc Việt Nam.

Thành quả, biểu tượng cao quý nhất của độc lập dân tộc

Ngày 5/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có lời kêu gọi cử tri cả nước đi bầu cử đại biểu Quốc hội đầu tiên "... Ngày mai là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà Nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình...".

Hưởng ứng lời hiệu triệu thiêng liêng đó, ngày 6/1/1946, với tinh thần yêu nước nồng nàn và khí thế hào hùng của Cách mạng Tháng Tám, tất cả công dân Việt Nam trên khắp mọi miền của Tổ quốc, không phân biệt nam nữ, giàu nghèo, dân tộc, tôn giáo, chính kiến..., từ 18 tuổi trở lên, đã nô nức tham gia bầu cử, bất chấp sự phá hoại điên cuồng của các thế lực xâm lược và chống đối.

Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên đã thắng lợi vang dội trên phạm vi cả nước, đánh dấu bước phát triển nhảy vọt về thể chế dân chủ của nước ta. Người dân Việt Nam từ thân phận nô lệ, lầm than đã tự vươn mình trở thành chủ nhân của một nước tự do, độc lập, khẳng định với thế giới rằng: nhân dân Việt Nam quyết tâm bảo vệ nền độc lập chủ quyền và thực sự có đủ khả năng để tự quyết định vận mệnh lịch sử của mình, tự lựa chọn và xây dựng chế độ mới. Cuộc Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946 đã đi vào lịch sử nước nhà như một mốc son chói lọi. Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử khẳng định sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trước tình thế "ngàn cân treo sợi tóc".

Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được Quốc hội khoá I, kỳ họp thứ Hai (28/10 – 9/11/1946) bầu ra. Ảnh: Tư liệu TTXVN
Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được Quốc hội khoá I, kỳ họp thứ Hai (28/10 – 9/11/1946) bầu ra. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Xứng đáng là cơ quan đại diện cho ý và nguyện vọng của Nhân dân

Trải qua 75 năm hình thành và phát triển, Quốc hội Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, ngày càng thực hiện tốt hơn chức năng là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, thay mặt Nhân dân thực hiện các quyền lập hiến, lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Về lập hiến, với vai trò lịch sử của mình, Quốc hội khoá I đã thông qua Hiến pháp năm 1946 - Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam độc lập. Đánh giá về ý nghĩa của sự kiện này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói "... Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới nước Việt Nam đã độc lập... dân tộc Việt Nam đã có đủ mọi quyền tự do...". Đây là một bản Hiến pháp dân chủ, tiến bộ, là đạo luật cơ bản đầu tiên đặt nền móng cho việc xây dựng thể chế nhà nước cách mạng trong thời đại mới.

Tiếp đó, trong thời kỳ kháng chiến cứu nước vô cùng ác liệt, với tinh thần tất cả cho tuyền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, Quốc hội đã ban hành Hiến pháp 1959 tạo nền tảng pháp lý cho việc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh thống nhất nước nhà.

Sau đại thắng Mùa xuân năm 1975, khi non sông đã thu về một mối, ngày 15/4/1976, cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội khoá VI được tiến hành trong cả nước và đã thu được thắng lợi rực rỡ. Từ đây, chúng ta có một Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất, huy động sức mạnh của toàn dân tộc vào quá trình khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Kế thừa, phát triển Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, Quốc hội tiếp tục ban hành Hiến pháp 1980 - Hiến pháp của thời kỳ cả nước thống nhất cùng đi lên chủ nghĩa xã hội. Và Hiến pháp 1992 - Hiến pháp của thời kỳ đổi mới toàn diện đất nước, đánh dấu một mốc phát triển quan trọng của cách mạng Việt Nam.

Ngày 28/11/2013, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, Hiến Pháp 2013 đã được Quốc hội thông qua. Lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến Việt Nam, cụm từ “Nhân dân” được viết hoa để khẳng định và đề cao vai trò có tính quyết định của Nhân dân trong lịch sử dựng nước và giữ nước. Đây cũng là bản Hiến pháp được chuẩn bị công phu, chắt lọc, tiếp thu được nhiều ý kiến đóng góp xây dựng của Nhân dân, của các vị đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học, phản ánh được ý chí, nguyện vọng của Nhân dân; đảm bảo chính trị, pháp lý vững chắc cho dân tộc ta, Nhân dân ta và Nhà nước ta vượt qua những thách thức, khó khăn, vững bước tiến lên trong thời kỳ mới - thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế.

Về lập pháp, trong những năm qua, hoạt động lập pháp luôn được Quốc hội được đặc biệt quan tâm, nhằm xây dựng và từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, mở rộng quan hệ đối ngoại, bảo đảm việc thực hiện quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân. Đồng thời củng cố, hoàn thiện bộ máy nhà nước; góp phần quan trọng vào công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, thúc đẩy tiến bộ xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, tích cực, chủ động hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế, mở rộng giao lưu và hợp tác quốc tế.

Cùng với đó, hoạt động giám sát cũng đạt được những kết quả tích cực, ngày càng sát với thực tiễn, lựa chọn được những vấn đề nổi trội, bức thiết trong xã hội. Nhiều kiến nghị qua giám sát được tiếp thu, khắc phục, đã góp phần thúc đẩy việc thực hiện Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. Phương thức tiến hành giám sát đã có cải tiến nhằm nâng cao chất lượng.

Thêm một dấu ấn đổi mới trong những năm gần đây của Quốc hội là hoạt động chất vấn với tinh thần rất dân chủ. Những đổi mới trong hoạt động chất vấn tại kỳ họp Quốc hội đã góp phần làm cho sinh hoạt của Quốc hội trở nên sôi động, thiết thực, được Nhân dân hoan nghênh, đồng tình và ủng hộ. Tại các kỳ họp của Quốc hội khoá XIV, có thể thấy những cuộc chất vấn, tranh luận trên Nghị trường rất sôi nổi, nội dung tranh luận rất rõ ràng, không chỉ đại biểu tranh luận với các thành viên Chính phủ mà các đại biểu Quốc hội tranh luận với nhau. Tranh luận để tìm tiếng nói chung, tìm ra quyết sách đúng để đưa đất nước phát triển.

Quốc hội cũng đã thực hiện ngày càng có hiệu quả hơn chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Các Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế -xã hội 5 năm và hàng năm, chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách nhà nước, các công trình quan trọng quốc gia, chính sách dân tộc, an ninh, quốc phòng, đối ngoại... đã góp phần vào việc duy trì sự ổn định và phát triển đất nước.

Ngoài ra, Quốc hội Việt Nam cũng hoàn thành tốt những nhiệm vụ quốc tế. Với tư cách là thành viên chính thức của Tổ chức liên nghị viện ASEAN (AIPO) và sau này là Liên minh nghị viện ASEAN (AIPA), Quốc hội Việt Nam luôn thể hiện trách nhiệm, chủ động và tích cực đóng góp xây dựng AIPO/AIPA không ngừng lớn mạnh.

Đặc biệt, Quốc hội Việt Nam đã ghi dấu ấn sâu đậm bằng việc 3 lần tổ chức thành công kỳ họp Đại hội đồng AIPO 23 (năm 2002), Đại hội đồng AIPA 31 (năm 2010) và mới đây nhất là Đại hội đồng AIPA 41 (năm 2020). Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đầy khó khăn, với chủ đề “Ngoại giao Nghị viện vì một Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng”, lần đầu tiên trong lịch sử, Đại hội đồng AIPA được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Điều này cho thấy quyết tâm và nỗ lực của Quốc hội nước chủ nhà Việt Nam và các nghị viện thành viên AIPA khắc phục khó khăn, củng cố đoàn kết và hợp tác trên tinh thần “gắn kết và chủ động thích ứng”. Việc tổ chức thành công Đại hội đồng AIPA 41 dưới hình thức trực tuyến đã góp phần khẳng định năng lực và nâng cao vị thế của Quốc hội Việt Nam trên trường quốc tế.

Toàn cảnh phiên khai mạc Kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN
Toàn cảnh phiên khai mạc Kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Không ngừng đổi mới về tổ chức và phương thức hoạt động

Từ thực tế 75 năm hoạt động của Quốc hội Việt Nam có thể khẳng định, Quốc hội luôn là hiện thân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Quốc hội của dân, do dân, vì dân. Cử tri trực tiếp bầu ra đại biểu Quốc hội và có quyền bãi miễn đại biểu đó. Quốc hội cũng là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, luôn luôn đại diện cho ý chí và nguyện vọng của Nhân dân, gắn bó mật thiết với nhân dân.

Quốc hội không ngừng được đổi mới về tổ chức và phương thức hoạt động, không ngừng kiện toàn và tăng cường các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội, đáp ứng đòi hỏi của sự phát triển ngày càng cao của đất nước. Vai trò của Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội ngày càng được phát huy tốt hơn. Đặc biệt việc tăng số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách đã góp phần quan trọng nâng cao rõ rệt chất lượng hoạt động của Quốc hội.

Quốc hội luôn tăng cường mối quan hệ công tác với các cơ quan hữu quan, gắn bó chặt chẽ và chủ động phối hợp với Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội; đồng thời, đề cao trách nhiệm của các cơ quan này trong quan hệ phối hợp với Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội. Mặt khác, để hoạt động của Quốc hội thể hiện được ý chí, nguyện vọng của toàn dân, gắn bó với thực tiễn cuộc sống. Quốc hội và đại biểu Quốc hội đã tăng cường mối quan hệ với nhân dân thông qua việc tiếp xúc với cử tri, lắng nghe ý kiến và phản ánh tâm tư, nguyện vọng của cử tri trên các diễn đàn Quốc hội.

Quốc hội không ngừng phát huy dân chủ trong sinh hoạt của Quốc hội, gắn liền với quá trình đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng. Dân chủ vừa là mục tiêu, vừa là động lực của cách mạng. Phát huy dân chủ là để thực hiện tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, khai thác tốt hơn nữa tiềm năng sáng tạo và tính chủ động của từng cơ quan, của từng đại biểu Quốc hội. Dân chủ chỉ được phát huy đầy đủ và đúng hướng khi vai trò lãnh đạo của Đảng được tăng cường, khi nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng được đổi mới đúng đắn.

Với đường lối đổi mới đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan trong hệ thống chính trị; sự hợp tác và giúp đỡ của bạn bè quốc tế; sự ủng hộ và giám sát của Nhân dân, Quốc hội Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng hào hùng của dân tộc, xứng đáng là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, góp phần to lớn vào thành tựu chung của công cuộc đổi mới, nâng cao vai trò, vị thế của nước ta trên trường quốc tế./.