Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thể thao - Giải trí

Âm nhạc truyền thống chống dịch COVID-19

PV - 17:28, 31/08/2021

Những bài dân ca truyền thống đã được đặt lời mới, như một sự khích lệ tinh thần của mọi người dân Việt Nam trong công cuộc chống lại đại dịch. Những ngày qua, cùng với âm nhạc hiện đại, các tác giả âm nhạc truyền thống cũng mang những lời ca, tiếng hát bước vào cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.

Những làn điệu Then về Covid-19 được các thành viên Câu lạc bộ hát Then xã Lăng Can (Lâm Bình, Tuyên Quang) biểu diễn
Những làn điệu Then về Covid-19 được các thành viên Câu lạc bộ hát Then xã Lăng Can (Lâm Bình, Tuyên Quang) biểu diễn

Hiện nay có rất nhiều bài hát, điệu nhảy ra đời nhằm cổ vũ tinh thần chống dịch của người dân. Đó là bài hát theo dòng nhạc hiện đại, điệu nhảy sôi động. Bên cạnh đó, có nhiều tác giả đã đặt lời mới cho các làn điệu dân ca truyền thống, tạo sự gần gũi, góp phần tuyên truyền đẩy lùi dịch bệnh COVID-19. Những làn điệu dân ca vừa nhẹ nhàng, da diết, vừa lắng đọng, giàu cảm xúc, nhanh chóng ghi dấu đậm nét trong lòng người nghe. Điển hình như các bài hát: Hát chèo “Chiếc khẩu trang nghĩa tình” của Hoàng Thị Dư, hát xẩm “Tiêu diệt Corona” của Nguyễn Quang Long, “Thiết tha lời Then chống dịch” và “Mười thương chống dịch” của Mai Văn Lạng...

Vừa qua, bài Trống cơm chống COVID-19 do tác giả Khúc Đạo Minh viết lời mới đã gây ấn tượng sâu sắc đến người nghe. Bài hát dựa theo làn điệu dân ca Bắc Bộ, vừa quen thuộc lại vừa có giai điệu tươi vui, trẻ trung. Điều này rất phù hợp với việc lan tỏa tinh thần lạc quan để người nghe bớt căng thẳng trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp hiện nay: "Mọi người cố gắng lắng nghe/Không nên tiếp xúc/Hãy tránh xa Corona/Hãy tránh xa Corona/Bạn này tên là Covid/Bạn này thân hình bé xíu/Phát tán bệnh... bệnh... bệnh dịch lây lây ra khắp nơi...”.

Trên trang cá nhân, chàng ca sỹ người Mỹ Kyo York đã chuyển lời bài hát Trống cơm sang phiên bản tiếng Anh nói về dịch COVID-19. MV này đã thu về gần 100.000 lượt xem cùng hàng trăm phản hồi tích cực. Thông qua sản phẩm thú vị này, tác giả muốn kêu gọi: “Hãy chung tay, chung sức, chung lòng đẩy lùi được đại dịch để quay về với công việc và cuộc sống”.

Một sản phẩm mới được viết trên nền điệu Ví dặm “Giận thì giận mà thương thì thương” đó là “Việt Nam kết đoàn chống dịch COVID” do soạn giả Nguyễn Trọng Tâm viết lời. MV được quay khá đơn giản với các nghệ sỹ Thanh Phong, Trang Thanh, Đình Minh, Hương Ly, Đoàn nghệ thuật UNESCO di sản dân ca xứ Nghệ trình bày. Ngay khi ra mắt MV này đã được công chúng đón nhận nồng nhiệt. Với giai điệu Ví dặm ngọt ngào, sâu lắng, ca khúc đã chạm đến trái tim người nghe với ca từ gần gũi: “Nào ta hãy nhớ nhắc nha /Thực hiện cách ly trong toàn xã hội/Chỉ mấy ngày thôi có chi mà vội/Cứ ngồi yên khoan hãy ra đường...”.

Bắt nhịp với đời sống sáng tác khá sôi động, nhiều tác giả Tuyên Quang cũng đặt lời mới cho dân ca Then. Tiêu biểu như “COVID lịch sử”, “Đẩy lùi COVID đi xa” của Hà Thị Mỵ, xã Trung Trực (Yên Sơn); “Tuyên Quang chống dịch” của Vương Huyền Nhung, hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh; “Lời Then đuổi giặc Encovy” của Lý Ngoan, xã Lăng Can (Lâm Bình)...

Bà Hà Thị Mỵ, Câu lạc bộ hát Then xã Trung Trực (Yên Sơn) là người thường đặt lời mới cho Then cổ. Vừa qua bà viết lời để tuyên truyền phòng dịch bệnh COVID-19, bà sáng tác bài Then “COVID lịch sử”, “Đẩy lùi COVID đi xa”. Bà Mỵ chia sẻ, hiện nay có rất nhiều bài hát, điệu nhảy tuyên truyền chống dịch nhưng ca từ khá hiện đại, ít phù hợp với đồng bào các dân tộc nơi đây. Do vậy, bà tự đặt lời mới và quay video gửi lên trang mạng xã hội để đông đảo người dân đón xem. Các tác phẩm tuyên truyền cần gần gũi, lời ca nhẹ nhàng, dễ hiểu, đặc biệt khai thác tối đa chất liệu Then Tày. Các bài hát là lời nhắn nhủ mọi người hãy chung sức chung lòng cùng với Đảng, Chính phủ phòng chống dịch bệnh: COVID-19 là con vi rút hiểm nguy... ới la/Nó đến từ đâu chẳng ai biết được mà/Ta chỉ biết rằng cần đẩy lùi nó ra xa/Rửa tay, đeo khẩu trang thường xuyên... ới la...”...

Ngay khi Tuyên Quang có ca bệnh đầu tiên nhiễm COVID-19, tác giả Vương Huyền Nhung, hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh đã đặt lời mới dựa trên giai điệu Then cổ quen thuộc: “Trời đang Xuân, lá hoa muôn màu/Cả thành Tuyên sống trong bình yên/Bỗng dưng đổi thay/Bỗng dưng yên ắng/Cả nước lại vào chiến dịch Corona”. Chị Huyền Nhung chia sẻ, với tựa đề “Tuyên Quang chống dịch”, lời Then nhẹ nhàng, vui tươi, tác phẩm nhằm cổ vũ tinh thần chống dịch, tin tưởng vào đội ngũ cán bộ, y bác sỹ, chiến sỹ... ngày đêm hết mình bảo vệ sức khỏe cho người dân trên quê hương Tuyên Quang. Bài Then cũng nhấn mạnh, chính tinh thần đoàn kết, sự quyết tâm sẽ chống lại được dịch bệnh nguy hiểm này: “Hỡi ai...!hãy giữ gìn... cho xã hội... cho mình/Cùng khai báo y tế/Nếu chẳng may vướng vào/Cách ly ngay không ngại/ à...à...a...a...a/Quyết tâm chống dịch/ Người Tuyên Quang anh hùng”.

Ngay sau khi tác phẩm hoàn thiện, Đài Phát thanh - Truyền hình Tuyên Quang mời tác giả đến biểu diễn và thu âm để gửi đến khán giả, tuyên truyền, động viên kịp thời người người, nhà nhà chung tay phòng chống COVID-19.

Những ca khúc phòng, chống dịch ra đời vào thời điểm này hết sức ý nghĩa, vừa thu hút sự chú ý của cộng đồng, vừa góp phần lan tỏa những thông điệp đúng đắn bằng giai điệu dễ nhớ, dễ thuộc. Âm nhạc truyền thống đang thể hiện sự gần gũi, mang hơi thở cuộc sống, trong đó có việc chung tay cùng cả xã hội đẩy lùi dịch bệnh.

Tin cùng chuyên mục
Hơn 13 nghìn vận động viên tham gia Giải Marathon Quốc tế Di sản Hạ Long năm 2024

Hơn 13 nghìn vận động viên tham gia Giải Marathon Quốc tế Di sản Hạ Long năm 2024

Chiều ngày 16/11, tại TP. Hạ Long (Quảng Ninh) đã diễn ra Lễ khai mạc Giải Marathon Quốc tế Di Sản Hạ Long 2024. Hơn 13 nghìn vận động viên (VĐV), trong đó có hơn 1 nghìn 3 trăm VĐV quốc tế đến từ 55 quốc gia đã sẵn sàng tham gia giải chạy vào ngày 03/11/2024. Đây là mùa giải thứ 10 kể từ khi Giải Marathon Quốc tế Di Sản Hạ Long được tổ chức tại Việt Nam.