Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

An cư cho học sinh đến lớp

PV - 11:26, 03/07/2018

Công tác vận động, duy trì sĩ số học sinh đến lớp trên những bản làng vùng cao vẫn luôn gặp muôn vàn khó khăn, đặc biệt là học sinh mầm non. Việc làm nhà ở cho phụ huynh, học sinh ngay tại trường là cách làm sáng tạo của Trường Mầm non xã Trà Nam, huyện Nam Trà My (Quảng Nam) để vận động học sinh đến lớp.

Giờ học của học sinh Mầm non điểm trường Man Di, xã Trà Nam. Giờ học của học sinh Mầm non điểm trường Man Di, xã Trà Nam.

 

Con đường từ Trung tâm huyện Nam Trà My đến xã Trà Nam dài hơn 20km dù được dải nhựa, nhưng đã xuống cấp nghiêm trọng. Đi dọc bản làng vùng cao này, chúng tôi thấy được gian khó đang còn hiện hữu nơi đây. Theo lời của ông Nguyễn Thành Phương, Chủ tịch UBND xã Trà Nam, thì xã có gần 100% dân số là dân tộc Xơ-đăng, tỷ lệ hộ nghèo gần 50%, 2/3 dân số chưa được sử dụng điện lưới quốc gia. Thế nhưng, sự nghiệp giáo dục nơi đây đang có bước phát triển tích cực. Đặc biệt là, cấp học mầm non.

Ngôi trường Mầm non xã Trà Nam khang trang, sạch đẹp nằm trên sườn núi. Đon đả đón tiếp chúng tôi, cô giáo Lê Thị Hồng Thanh, Hiệu trưởng nhà trường khoe: đây là ngôi trường mới được xây dựng. Trường có gần 200 em học sinh, với 1 điểm trường chính và 9 điểm trường lẻ cách xa nhau vài giờ đi bộ.

Vài năm trước, nhiều điểm trường làm bằng cây rừng, tre, vách nứa, nền đất bụi. Trẻ em đến lớp, hầu hết thiếu thốn quần áo, giày dép, không có đồ dùng học tập…;

Cùng với ngân sách của huyện, Ban Giám hiệu đã tranh thủ sự ủng hộ của các nhà hảo tâm, với hàng chục tỷ đồng để xây dựng, tu sửa lớp học và mua sắm cơ sở vật chất.

Cá nhân cô giáo Thanh tích cực, chị vận động bà con nhân dân trong toàn xã góp hàng ngàn ngày công để vận chuyển nguyên vật liệu, sửa sang lớp học, làm nhà ở cho phụ huynh. Cho đến nay, đã có 60% trường được bán kiên cố, các điểm còn lại được làm bằng gỗ lợp tôn, nền gạch men và có sân chơi, nhà vệ sinh đảm bảo. Đến nay, 40% điểm trường được hỗ trợ, giúp đỡ phụ huynh nhà xa ở lại trường chăm trẻ.

Với đặc thù của địa phương, khi nhà ở của học sinh quá xa, thì việc làm nhà ở cho phụ huynh, học sinh là cách làm sáng tạo. Theo chân chị Thanh đến điểm trường Tak Ta-Mang Liệt, chúng tôi vui mừng khi hơn 20 em nhỏ trong những bộ đồng phục sạch sẽ đang được cô giáo Huỳnh Viết Phương dạy múa, hát.

Nằm bên cạnh lớp học khang trang là ngôi nhà gỗ-chỗ ở cho phụ huynh và các em học sinh. Trong ngôi nhà gỗ, hàng chục phụ huynh đang chuẩn bị cơm trưa. Khuôn mặt khắc khổ, trên tay bồng bế đứa trẻ khoảng gần 1 tuổi, bà Hồ Thị Hoa, bà nội của em Hồ Thái Tuyền hồ hởi khoe: “Gia đình tôi ở thôn 4, Nóc Mang Liệt 3, đi bộ đến lớp mất vài giờ đồng hồ. Từ ngày có nhà ở cho phụ huynh và học sinh, tôi đưa cháu đi học và ở lại trường, thứ 6 mới trở về nhà. Vừa ở lại trường, tôi vừa trông đứa em của Tuyền cho bố mẹ cháu đi làm rẫy”.

Ngôi nhà gỗ, nơi ở của phụ huynh tại điểm trường Tak Ta-Mang Liệt. Ngôi nhà gỗ, nơi ở của phụ huynh tại điểm trường Tak Ta-Mang Liệt.

 

Gia đình bà Hoa thuộc diện hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn. Kể về cuộc sống của gia đình, bà Hoa đượm buồn: “Các con tôi quanh năm làm rẫy, trồng lúa, trồng chuối, trồng keo mà cuộc sống không đủ ăn. Thế hệ chúng tôi sinh ra, lớn lên trong gian khó, không biết chữ. Nếu không có sự quan tâm của Nhà nước và các cô giáo ở đây, thì con, cháu chúng tôi không thể đến trường. Đến trường các cháu được ăn no, ăn ngon, lớn lên khỏe mạnh, được học múa hát, học chữ. Còn niềm vui nào hơn”.

Rời điểm trường Tak Ta- Mang Liệt, chúng tôi đến thăm điểm trường Man Dí. Tại đây, 30 em nhỏ đang giờ ăn trưa. Cũng giống điểm trường Tak Ta-Mang Liệt, ngôi nhà gỗ bên cạnh lớp học là nơi ở của phụ huynh và các em học sinh. Cô giáo Dương Thị Hồng Vy cho biết, cô sinh ra và lớn lên ở huyện Bắc Trà My. Sau khi tốt nghiệp ngành Sư phạm, cô lên công tác tại xã Trà Nam, Nam Trà My. Nói về mô hình nhà ở cho phụ huynh và học sinh ở xa, cô Vy bộc bạch: “Không nhiều địa phương làm được như thế này. Nhờ cách làm này, chúng tôi vận động được 100% trẻ em đến tuổi đi học đều được đến trường”.

Có thể thấy, phần lớn nhà ở của các em học sinh ở các điểm trường này đều ở xa, đi bộ mất vài giờ đồng hồ. Việc làm nhà ở cho phụ huynh, học sinh là cách làm sáng tạo, có ý nghĩa nhân văn. Đặc biệt, tại điểm trường này, các bậc phụ huynh và các em học sinh đến lớp không phải đóng góp bất kỳ một khoản tiền nào, từ ăn ở, sinh hoạt. “Đến xà phòng, khăn mặt, kem đánh răng… phụ huynh cũng được trang bị đầy đủ”, Hiệu trưởng Trường mần non xã Trà Nam Lê Thị Hồng Thanh nói vui.

Rời Trà Nam, chúng tôi còn nhớ như in hình ảnh các em nhỏ ê a học chữ và bữa cơm có thịt đầy ắp yêu thương. Cùng với sự quan tâm của Nhà nước, thì những cách làm hay, sáng tạo của từng địa phương để tất cả trẻ em đều được đến trường, thắp sáng ước mơ trên những bản làng… đặc biệt quan trọng.

Thanh Huyền

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.