Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

An Giang: Tập trung dạy nghề, giải quyết việc làm cho lao động hồi hương

Song Vy - Hồng Diễm - 20:57, 06/01/2022

Trong lần bùng phát dịch bệnh Covid- 19 lần thứ tư, An Giang có đến 65 nghìn lao động hồi hương, vấn đề giải quyết việc làm luôn trong tình thế cấp bách. Vì thế ngay sau khi trở lại trạng thái bình thường mới, tỉnh đang tập trung mở các lớp đào tạo nghề ngắn ngày, để người lao động (NLĐ) nhanh chóng tìm được việc làm ổn định đời sống, thu nhập.

Người lao động đăng kí tham gia các lớp đào tạo nghề ngắn hạn
Người lao động đăng kí tham gia các lớp đào tạo nghề ngắn hạn

Dấu ấn giúp NLĐ trên địa bàn tỉnh An Giang vượt khó, được đánh dấu qua các lớp học nghề miễn phí, kết nối việc làm, thời gian qua của các cấp chính quyền địa phương; các tổ chức chính trị, nghề nghiệp trên địa bàn. Điển hình như Chương trình đổi mới đào tạo nghề Việt Nam do Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) tài trợ, Nhà Văn hóa Lao động An Giang (Liên đoàn Lao động tỉnh An Giang) tổ chức... đang hỗ trợ người lao động an tâm ở lại quê hương.

Theo Chương trình này, trước mắt, học viên được tập trung học các nghề đang có nhu cầu tuyển dụng, như: Lắp đặt điện nhà, điện lạnh gia dụng, điện thân xe... Học viên tham gia lớp học đã được tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin phòng Covid -19 sau 14 ngày.

Nhà Văn hóa Lao động An Giang trang bị cho các học viên đồ bảo hộ lao động, khẩu trang và các công cụ, dụng cụ thực hành riêng, nhằm đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. Mỗi lớp học từ 16 - 25 học viên, đào tạo tối đa trong 6 tuần và vận động ít nhất 10% học viên nữ/lớp.

Với phương thức dạy học gắn với thực hành và dành 70% thời lượng cho phần thực hành, cộng với việc trang bị đầy đủ các thiết bị, dụng cụ..., lớp học không chỉ mang đến cho người lao động kiến thức mới, mà còn truyền đạt kỹ năng thực hành vững vàng. Vì thế, học viên có thể dễ dàng tìm được công việc mới, có đơn hàng ngay sau khi tốt nghiệp.

Theo Liên đoàn Lao động tỉnh An Giang, mỗi học viên tham gia khóa đào tạo theo Chương trình sẽ được hỗ trợ theo chế độ gồm: Tiền ăn (80.000 đồng/người/ngày), tiền xăng đi lại (500.000 đồng/người/khóa/1 tháng), học bổng (nam 2 triệu đồng/học viên; nữ 2,5 triệu đồng/học viên) và cấp chứng chỉ sau khi hoàn thành khóa học.

Mỗi khóa học chỉ khoảng 30% lý thuyết và 70% là thực hành là điều kiện thuận lợi để học viên cứng tay nghề hơn sau khi hoàn thành khóa học
Mỗi khóa học chỉ khoảng 30% lý thuyết và 70% là thực hành là điều kiện thuận lợi để học viên cứng tay nghề hơn sau khi hoàn thành khóa học

Ông Nguyễn Hữu Trí, Phó Giám đốc Nhà Văn hóa Lao động An Giang cho biết: Sau đào tạo, nhà trường phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), Trung tâm Giới thiệu việc làm, công ty để tổng hợp các cơ hội nghề nghiệp phù hợp theo từng nghề đào tạo. Danh sách học viên tốt nghiệp còn được chia sẻ cho Trung tâm Giới thiệu việc làm, công ty và tư vấn học viên tự khởi nghiệp, để NLĐ có thể tiếp cận công việc mới một cách thuận lợi và sớm nhất.

Chính vì thế, Chương trình không chỉ thu hút NLĐ tại chỗ, mà còn giữ chân nhiều lao động hồi hương về quê tránh dịch. Theo kế hoạch, Chương trình sẽ duy trì đến năm 2023. Sau đó, căn cứ vào nhu cầu thực tiễn và hiệu quả thực hiện, các bên sẽ bàn bạc các bước tiếp theo một cách thích ứng. Trước mắt trong năm 2021, phối hợp tổ chức 6 lớp dạy nghề với 120 học viên.

Chị Nguyễn Thị Thanh Thúy (huyện Chợ Mới), từng là công nhân may ở TP. Hồ Chí Minh, do ảnh hưởng của dịch bệnh, không thể trụ lại thành phố nên chị theo dòng hồi hương trở về quê nhà. Qua lần hoạn nạn này, chị không có ý định trở lại TP. Hồ Chí Minh nên quyết định theo học nghề, lắp điện nhà tại điểm dạy xã Mỹ Khánh.

Chị Thúy chia sẻ: “Sau khi học xong, có cái nghề, tôi sẽ ở lại quê lập nghiệp. Ở quê dù không dư giả gì nhiều nhưng cũng sống được, không cần phải nơm nớp lo sợ bất trắc xảy ra như lúc trước ở thành phố nữa”.

Chia sẻ về những giải pháp hỗ trợ NLĐ hồi hương, ông Châu Văn Ly, Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh cho biết: Qua rà soát An Giang có khoảng 65 nghìn lao động trở về địa phương. Thời gian qua, Sở đã triển khai xong việc rà soát trình độ, tay nghề của số lao động trở về địa phương, nắm được số lao động tự do và người có trình độ tay nghề để triển khai nhiều giải pháp để khôi phục thị trường, tạo việc làm cho NLĐ.

Cụ thể với số lượng lao động muốn quay trở lại TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai làm việc,…tỉnh có kế hoạch hỗ trợ kịp thời về tiêm vắc xin đủ liều, tạo điều kiện cho di chuyển. Còn người lao động muốn ở lại địa phương làm việc, tỉnh đã có chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, kết nối doanh nghiệp giới thiệu việc làm. Đồng thời, vận động doanh nghiệp có thêm những chính sách phúc lợi cho NLĐ để giữ chân họ ở lại địa phương làm việc lâu dài.

Tin cùng chuyên mục
Thượng Nông, ngày trở về

Thượng Nông, ngày trở về

Tôi là người mắc nợ nhiều lắm, Nà Hang (Tuyên Quang). Dù chỉ một đôi lần đến rồi đi, mà sao kỷ niệm cứ theo tôi, dằng dặc tháng năm trường. Trở lại Thượng Nông lần này, với tôi là tìm về ân nghĩa, nhớ về một thời tuổi trẻ.