Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Kinh nghiệm thực hiện chuyển đổi nghề cho đồng bào DTTS ở Thanh Hóa

Vân Khánh- CĐ - 06:07, 19/12/2021

Sau 5 năm thực hiện, tỉnh Thanh Hóa đã đạt và vượt nhiều chỉ tiêu của Nghị quyết số 52/NQ-CP, ngày 15/6/2016 của Chính phủ đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các DTTS giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030 (NQ 52). Trong đó, chỉ tiêu đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động DTTS đạt kết quả ấn tượng, có thể xem là kinh nghiệm để các địa phương quan tâm tham khảo.

Thông qua các lớp đào tạo nghề nông nghiệp, nhiều gia đình DTTS ở Thanh Hóa đã xây dựng được mô hình kinh tế đem lại thu nhập ổn định. (Trong ảnh: Mô hình trồng cam giúp rất nhiều gia đình đồng bào Mông ở các huyện Quan Sơn, Quan Hóa, Mường Lát thoát nghèo)
Thông qua các lớp đào tạo nghề nông nghiệp, nhiều gia đình DTTS ở Thanh Hóa đã xây dựng được mô hình kinh tế đem lại thu nhập ổn định. (Trong ảnh: Mô hình trồng cam giúp rất nhiều gia đình đồng bào Mông ở các huyện Quan Sơn, Quan Hóa, Mường Lát thoát nghèo)

Tạo sinh kế từ chuyển đổi nghề

Năm 2018, anh Hà Văn Dậu, xã Thành Sơn (huyện Bá Thước) đăng ký học lớp kỹ thuật chế biến món ăn do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) – Giáo dục thường xuyên (GDTX) huyện liên kết với Trường Trung cấp nghề Thương mại và Du lịch Thanh Hóa đào tạo. Sau 3 năm miệt mài học tập, anh Dậu đã tốt nghiệp và đi làm tại một khu du lịch với mức lương khởi điểm hơn 7 triệu đồng/tháng.

Anh Dậu cho biết, anh sinh ra và lớn lên ở xã nghèo, bố mẹ làm nông nghiệp, quanh năm lam lũ nhưng cuộc sống vẫn khó khăn. Lớn lên anh quyết tâm đi học kiếm lấy cái nghề để lo cuộc sống sau này.

“Sau khi ra trường, tôi đã đi làm, có thu nhập ổn định lo cho bản thân và giúp đỡ bố mẹ”, anh Dậu chia sẻ.

Anh Dậu là một trong hàng chục nghìn lao động người DTTS trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa trong độ tuổi lao động được đào tạo chương trình giáo dục nghề nghiệp. Theo số liệu của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) tỉnh Thanh Hóa, sau 5 năm thực hiện NQ 52, toàn tỉnh đã thực hiện đào tạo nghề các cấp trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và dưới 03 tháng cho 49.836 học sinh, sinh viên người DTTS.

Ngoài ra, thực hiện Đề án 1956, toàn tỉnh cũng đã hỗ trợ đào tạo nghề cho 6.502 lao động nông thôn là người DTTS. Kết quả này đã nâng tỷ lệ người DTTS trong độ tuổi lao động được đào tạo chương trình GDNN đạt 53%, vượt chỉ tiêu NQ 52 (chỉ tiêu là 43%)

Cùng với đào tạo nghề, công tác giải quyết việc làm được các sở, ngành, địa phương quan tâm triển khai. Chỉ riêng Trung tâm Dịch vụ việc làm thuộc Sở LĐTB&XH đã tổ chức 204 phiên giao dịch việc làm (trong đó có 08 phiên tại các huyện miền núi) với 151.827 người tham gia, số người được tuyển dụng trực tiếp tại sàn là 32.813 người…

Những hoạt động này đã góp phần nâng tỷ lệ người DTTS trong độ tuổi lao động được cung cấp thông tin thị trường đạt 50%, vượt chỉ tiêu của NQ 52 (chỉ tiêu là 35%), qua đó giải quyết bài toán việc làm cho lao động. Giai đoạn 2016 - 2020, tại 11 huyện miền núi đã tạo việc làm cho 82.437 lao động; tính riêng Đề án 1956, trong 6.502 lao động nông thôn được hỗ trợ đào tạo nghề theo thì có 4.800 người được bố trí việc làm sau khi tham gia các khóa học nghề.

Đào tạo nghề là một trong những giải pháp cơ bản để giải quyết việc làm, cải thiện sinh kế và đời sống của đồng bào DTTS. (Trong ảnh: Lễ khai giảng năm học 2020-2021 của Trường Trun g cấp nghề miền núi Thanh Hoá - Ảnh TL)
Đào tạo nghề là một trong những giải pháp cơ bản để giải quyết việc làm, cải thiện sinh kế và đời sống của đồng bào DTTS. (Trong ảnh: Lễ khai giảng năm học 2020-2021 của Trường Trung cấp nghề miền núi Thanh Hoá - Ảnh TL)

Linh hoạt chính sách

Theo bà Vũ Thị Hương, Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Thanh Hóa, chính sách đào tạo nghề là một trong những giải pháp cơ bản, thiết thực để giải quyết việc làm, cải thiện sinh kế và đời sống của đồng bào DTTS, từ đó thúc đẩy công tác giảm nghèo ở khu vực miền núi của tỉnh. Cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực miền núi của tỉnh chỉ còn 5,7%, giảm 20,09% so với đầu năm 2016.

Để có được kết quả này, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai nhiều chương trình, đề án, chính sách về lao động, việc làm, phát triển nguồn nhân lực các DTTS. Đáng chú ý như: Đề án mở rộng, nâng cấp khu nhà ở nội trú cho học sinh trường THCS và THPT các huyện miền núi cao tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020; Đề án xây dựng điểm điển hình giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn các huyện nghèo tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016 - 2020; Đề án “Ổn định đời sống và phát triển kinh tế - xã hội đồng bào Khơ Mú tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020”; Đề án “Ổn định, sản xuất, đời sống và phát triển kinh tế - xã hội các bản đồng bào Mông, huyện Quan Sơn"...

Theo bà Vũ Thị Hương, từ các chương trình, đề án này, lao động khu vực miền núi ngoài việc được hưởng chính sách hỗ trợ về GDNN nói chung còn được hưởng các chính sách hỗ trợ đặc thù khác. Có thể kể đến là chính sách hỗ trợ học bổng, các khoản kinh phí mua đồ dùng cá nhân, hỗ trợ trong dịp tết Nguyên đán và hỗ trợ đi lại đối với học sinh, sinh viên học cao đẳng, trung cấp; Chính sách hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng đối với lao động nông thôn, trong đó ưu tiên người DTTS, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; Chính sách miễn, giảm học phí đối với học sinh, sinh viên học tại các cơ sở GDNN là người DTTS thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và người DTTS ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn…

Cùng với việc hỗ trợ người lao động học nghề, chuyển đổi sinh kế, tỉnh Thanh Hóa đã quan tâm bố trí kinh phí để đầu tư các cơ sở GDNN. Trong đó, Trường Trung cấp nghề Miền núi được hỗ trợ đầu tư mua sắm trang thiết bị đào tạo do kinh phí Trung ương hỗ trợ là 6 tỷ đồng (thuộc Dự án “Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp”) và 8,2 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ để mở rộng Khu ký túc xá đáp ứng nhu cầu nội trú cho học sinh miền núi; 

3 cơ sở GDNN được hỗ trợ đầu tư mua sắm trang thiết bị đào tạo từ nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, gồm: Trường Trung cấp nghề Thạch Thành (3 tỷ đồng), Trung tâm GDNN - GDTX huyện Như Xuân (2 tỷ đồng) và huyện Như Thanh (2 tỷ đồng)…

Trường Trung cấp nghề Miền núi Thanh Hóa được đầu tư khang trang để đáp ứng nhu cầu đào tạo nghề cho lao động. (Ảnh TL)
Trường Trung cấp nghề Miền núi Thanh Hóa được đầu tư khang trang để đáp ứng nhu cầu đào tạo nghề cho lao động. (Ảnh TL)

Theo bà Hương, trong đào tạo nghề cho lao động nói chung và lao động DTTS nói riêng, địa phương nào có sự chỉ đạo quyết liệt của cấp uỷ, chính quyền, huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị, phân công rõ ràng về trách nhiệm của các cơ quan và phối hợp chặt chẽ trong thực hiện thì ở đó công tác đào tạo nghề đạt hiệu quả. 

Ngoài ra, công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề, hướng nghiệp phải được quan tâm đúng mức; cán bộ làm công tác tuyên truyền phải am hiểu chính sách, nắm được thông tin đầy đủ về định hướng phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu lao động của địa phương và khả năng giải quyết việc làm, thu nhập của từng nghề sau đào tạo mới tư vấn được cho người lao động hiểu rõ, nhận thức đúng về đào tạo nghề để họ chủ động đăng ký nghề cần học.

Cùng với đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động, việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu vực miền núi được Thanh Hóa đặc biệt quan tâm. Theo số liệu của Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2016 – 2020, tổng vốn đầu tư xây dựng ở khu vực miền núi đạt trên 80 ngàn tỉ đồng. Đến nay, 100% số xã miền núi có đường ôtô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bêtông hóa; 92% các thôn, bản có đường ôtô đến trung tâm xã được cứng hóa; 91% hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh…

Tin cùng chuyên mục
Cần tăng thuế thuốc lá để giảm lượng tiêu thụ tại Việt Nam

Cần tăng thuế thuốc lá để giảm lượng tiêu thụ tại Việt Nam

Ngày 21/11, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng chống tác hại thuốc lá cho phóng viên, biên tập viên báo, đài; các cán bộ, công chức, viên chức của Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố.