Tịnh Biên và Tri Tôn là hai huyện miền núi có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Ðể cải thiện cuộc sống đồng bào vùng cao thích ứng với biến đổi khí hậu (BÐKH), khắc phục việc thiếu nước của đồng bào vào mùa khô hạn, từ năm 2018 đến năm 2020, tỉnh An Giang đã xây dựng thêm 5 hồ thủy lợi và 3 trạm bơm điện tại hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên, với tổng kinh phí hơn 360 tỷ đồng. Công trình bảo đảm mức tưới là 75%; mức bảo đảm tiêu là 90%.
Việc giữ được nguồn nước sẽ cung cấp nước sinh hoạt, phục vụ phòng, chống cháy rừng hơn 1.200ha; sản xuất nông nghiệp trong mùa khô và điều tiết lũ trong mùa mưa thuận lợi hơn. Các công trình đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt, sản xuất cho 80 nghìn hộ dân vùng Bảy Núi; khi chủ động nguồn nước, nông dân an tâm sản xuất, từ đó sẽ nâng cao thu nhập.
Ông Trần Hiếu Thuận, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tịnh Biên cho biết: Hiện nay, huyện đã tổ chức vận hành các công trình để tích trữ nước phục vụ tốt cho sản xuất và phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện nạo vét kênh mương, bảo đảm nước phục vụ sản xuất và dân sinh. Với sự chủ động trong các phương án ứng phó, huyện Tịnh Biên đang nỗ lực bảo đảm hoạt động sản xuất của người dân trong cao điểm mùa khô 2020.
Còn ở Tri Tôn, hiện toàn huyện có 4 hồ chứa nước đã đưa vào hoạt động, trong đó có 3 hồ chứa nước lớn do Trung ương đầu tư xây dựng trong chương trình ứng phó với BÐKH gồm: Hồ Soài So và hồ Soài Check (xã Núi Tô), hồ Ô Thum (xã Ô Lâm), hồ Ô Tà Sóc (xã Lương Phi). Các hồ thủy lợi này có khả năng phục vụ tưới tiêu cho khoảng 1.000 ha đất nông nghiệp.
Ðến nay, các hồ chứa nước trên vùng cao giúp nông dân chuyển từ sản xuất một vụ năng suất thấp sang sản xuất hai đến ba vụ/năm, cho năng suất cao hơn. Nhờ vậy, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS từng bước được nâng cao, góp phần xóa đói, giảm nghèo, ổn định cuộc sống.
Anh Chau Út, ngụ Xã Ô Lâm (huyện Tri Tôn) chia sẻ: "Những năm trước, bà con làm nông nghiệp cực lắm, bởi vào mùa khô thiếu nước tưới nên có làm cũng không hiệu quả. Từ khi có hồ chứa nước Ô Thum, đã cung cấp nước sinh hoạt và phục vụ việc trồng nương rẫy, đời sống bớt khó khăn hơn".
Theo ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, các hồ thủy lợi thuộc 2 huyện vùng núi Tri Tôn và Tịnh Biên, được đầu tư từ chương trình xây dựng hệ thống thủy lợi vùng cao thích ứng với BÐKH nhằm phục vụ tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Việc hoàn thiện các công trình thủy lợi vùng núi còn giúp địa phương chủ động kiểm soát, bảo đảm cung cấp đủ nước ngọt cho sản xuất nông nghiệp, qua đó góp phần phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng cũng như sắp xếp, bố trí lại dân cư nhằm ứng phó BÐKH.