Đầu tháng 9/2021, xuất phát từ lời kêu gọi của biên đạo Tuyết Minh về việc cần thiết phải có "những tác phẩm nghệ thuật xứng tầm với sự hy sinh gian khổ của lực lượng tuyến đầu, ngợi ca tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của dân tộc, lan tỏa nỗ lực "chống dịch như chống giặc" của Việt Nam" và đem đến "liều vắc-xin tinh thần bằng nghệ thuật, giúp công chúng giãn cách mà không xa cách", hơn 20 biên đạo cùng gần 150 nghệ sĩ múa cả nước đã hợp sức lại thực hiện tác phẩm. Tổ khúc múa "Ánh sáng tâm hồn" do NSND Phạm Anh Phương chỉ đạo nghệ thuật, biên đạo múa Nguyễn Tuyết Minh viết kịch bản và tổng đạo diễn.
Các nghệ sĩ tham gia là những gương mặt sáng giá ở nhiều thể loại như múa đương đại, ballet, jazz, hiphop, tiêu biểu phải kể đến biên đạo Alexander Tú, Sùng A Lùng, Xuân Chiến, các tài năng nhảy múa trẻ tuổi: Nguyễn Ðình Bảo Bảo, Quang Anh, Minh Hiền, Minh Tú, Khang Ninh, Kim Tuyền, Phương KD, Vũ Khánh, Xuân Thảo, Ðình Lộc, Trung X...
Trong bối cảnh nghệ thuật biểu diễn trực tiếp bị "đóng băng" vì ảnh hưởng dịch, việc được tham gia sáng tạo, biểu diễn, dùng ngôn ngữ nghệ thuật góp sức cho công cuộc phòng, chống Covid -19 đối với họ không chỉ là niềm hạnh phúc mà còn là cơ hội để thể hiện trách nhiệm xã hội cũng như tấm lòng, tình cảm của cộng đồng nghệ sĩ múa đối với những người đã hết lòng cống hiến cho thành quả chống dịch bằng nhiều cách khác nhau.
Với thời lượng hơn 40 phút, bằng ngôn ngữ chủ đạo là ballet và múa đương đại, tổ khúc múa "Ánh sáng tâm hồn" đưa người xem đi qua bảy cảnh diễn lớn tương đương bảy phân đoạn múa độc lập chứa đựng những sự biến, kịch tính khác nhau. Sau phần mở đầu thể hiện mối quan hệ giữa con người với môi trường thiên nhiên để phần nào cho thấy nguyên nhân của thiên tai, dịch bệnh, vở múa mở ra không gian của cuộc chiến trong tâm dịch khẩn trương và kịch tính, nơi các y sĩ, bác sĩ căng mình chiến đấu, giành giật sự sống cho người bệnh với bao lo lắng trước những nguy hiểm, phức tạp khó lường của dịch bệnh.
Người xem được chứng kiến những khoảnh khắc xúc động trong giây phút nghỉ ngơi hiếm hoi của họ. Những động viên, chia sẻ từ gia đình, người yêu, người thân, bạn bè đã nhân lên sức mạnh, trở thành động lực để họ quyết tâm vượt qua khó khăn, thực hiện trách nhiệm cao cả của người chiến sĩ áo trắng với "Mệnh lệnh từ trái tim". Bên cạnh họ là những chiến sĩ công an, bộ đội và những người tình nguyện ngày đêm bám chốt phòng dịch giúp người dân. Nhiều hoạt cảnh đã tái hiện không gian đời thực bao vất vả, hiểm nguy trong công cuộc cứu trợ, hỗ trợ tạo nên những lá chắn an toàn, khoanh vùng, dập dịch trong cộng đồng.
Ấn tượng và đầy cảm xúc là đại cảnh "Ấm lòng trong đại dịch" thể hiện sức mạnh đoàn kết, tinh thần cộng đồng "lá lành đùm lá rách" với những tấm lòng thiện nguyện, từ cửa hàng 0 đồng, suất ăn tình nghĩa, thanh niên tình nguyện, về ý thức tuân thủ các quy định phòng, chống dịch, tiêm chủng vắc-xin...
Cũng từ đó, chúng ta thêm hiểu và tin tưởng vào chiến thắng phía trước, soi rọi ở mỗi người "Ánh sáng tâm hồn", đồng hành cùng những bệnh nhân đã và đang dũng cảm chiến đấu với dịch bệnh bên cạnh sự giúp sức của bác sĩ. Vở diễn kết lại bằng hình ảnh lá cờ Tổ quốc tung bay đón chào ngày mới, ghi dấu sự chiến thắng của đất nước và con người Việt Nam trong cuộc chiến cam go chống lại dịch bệnh…
Ðược kết nối bởi những giai điệu quen thuộc trong tác phẩm Swan Lake của nhà soạn nhạc Tchaikovsky, tác phẩm càng dễ chạm tới những cảm xúc lắng đọng nhất nơi người xem khi chuyển tải những hình ảnh, thông điệp giàu giá trị nhân văn.
Theo dõi một vở diễn quy mô được thực hiện ở nhiều bối cảnh quay trong studio và ngoài trời tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, chuyển tải một khối lượng nội dung đồ sộ bằng ngôn ngữ múa đơn, múa đôi, múa tập thể lên tới hàng chục người, khó ai có thể hình dung đây là kết quả của quá trình lao động nghệ thuật chủ yếu được kết nối qua mạng.
Biên đạo múa Tuyết Minh chia sẻ: Với kịch bản múa thông thường, tác giả thường nghiêng về yếu tố văn học, tạo cảm xúc đồng sáng tạo trong các khâu thiết kế, ánh sáng, phục trang, đạo cụ..., song với vở múa đặc biệt như "Ánh sáng tâm hồn", trong bối cảnh các nghệ sĩ không thể gặp nhau để trao đổi, thống nhất, cho nên kịch bản đòi hỏi chính xác tới từng khoảnh khắc để người diễn hiểu ngay các lớp, tuyến, biết mình cần làm gì, khi nào nhân vật xuất hiện, ngôn ngữ múa, bộc lộ tính cách ra sao…
Yêu cầu chuyên môn về thị giác đối với tác phẩm biểu diễn trực tuyến cũng khác với trực tiếp trên sân khấu hình hộp, trong đó ngôn ngữ động tác phải kết cấu chặt chẽ với bối cảnh, tiết tấu nhanh, ý đồ phải rõ ràng.
Trong khâu tập luyện, ngay từ đầu, các nghệ sĩ được chia vào các cảnh khác nhau theo sở trường, thế mạnh của từng người. Tổng đạo diễn làm việc với từng nhóm biên đạo để thống nhất ý tưởng, tổ hợp động tác, kết nối qua Google Meet để chỉnh động tác theo âm nhạc. Sau đó, các nhóm nhỏ hơn được thành lập để từng biên đạo có thể điều chỉnh động tác cho các diễn viên tập luyện tại nhà. Kế đến là khâu vẽ đội hình và trước khi quay, các nghệ sĩ chỉ có một buổi gặp nhau để khớp…
Biên đạo Trung X chia sẻ: Ðể thực hiện vở múa với quy mô hàng trăm người thật sự là thử thách lớn với cả ekip. Cách làm việc từ xa này đòi hỏi các nghệ sĩ phải đưa sự tập trung, tưởng tượng hình khối, vị trí của mình lên mức tối đa, không chỉ với các động tác đòi hỏi sự đồng đều mà còn với các phân đoạn mang tính tương tác. Ðây là dịp để các nghệ sĩ được trọn vẹn với tinh thần cống hiến, cảm nhận sự đồng nhất trong một tập thể lớn với mục đích vì cộng đồng. Biên đạo múa Tuyết Minh cho biết, thời gian tới, nếu điều kiện cho phép, tổ khúc múa "Ánh sáng tâm hồn" sẽ được biểu diễn trực tiếp để phục vụ công chúng với sự tham gia của dàn nhạc giao hưởng...