Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Môi trường sống

Bà Rịa-Vũng Tàu: Báo động tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải

PV - 11:39, 29/01/2019

Nhiều năm qua, tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, tình trạng ô nhiễm môi trường từ rác thải là vấn đề nóng, tồn tại dai dẳng nhưng vẫn chưa được khắc phục triệt để. Theo Sở Tài nguyên-Môi trường (TN-MT), mỗi ngày toàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phát sinh khoảng 761 tấn rác thải sinh hoạt, trong đó tỷ lệ thu gom chỉ đạt khoảng 90%…

Người dân “vô tư” xả rác

Đi dọc bãi biển Hải Hà (huyện Long Điền) đập vào mắt chúng tôi là cảnh rác thải sinh hoạt được xả vô tội vạ và những dòng nước đen ngòm, bốc mùi hôi thối. Theo người dân địa phương, đã 20 năm qua, bãi biển Hải Hà (dài hơn 2km thuộc khu phố Hải Hà, thị trấn Long Hải) như một cái ao tù đọng nước thải (người dân quen gọi khu vực này là ao Hải Hà). Tác nhân chính gây ô nhiễm ở khu phố Hải Hà là trên 50 trại sơ chế, phân loại cá trong khu vực. Các trại phân loại cá này đều chưa có hệ thống xử lý nước thải và thu gom rác thải.

Người dân “vô tư” xả rác ra kênh rạch. Người dân “vô tư” xả rác ra kênh rạch.

Sinh sống ở đây từ hơn 20 năm, ông Kim PRựm cho biết: “Nhiều lúc ao nhuộm đỏ bởi nước thải ra từ các trại cá và các loại rác thải. Cực khổ nhất là lúc nước cạn, nước thải không thoát đi được, mùi hôi của rác và nước thải càng nồng nặc hơn. Chúng tôi đành phải suốt ngày đóng cửa để hạn chế mùi hôi. Người dân đã nhiều lần phản ánh đến chính quyền địa phương, nhưng đến nay tình trạng này vẫn chưa được khắc phục”.

Không chỉ các khu vực ven biển, trên kênh, tình trạng rác thải vứt bừa bãi cũng diễn ra khá phổ biến tại khu vực ven biển trên địa bàn thị trấn Phước Hải (huyện Đất Đỏ), trong đó tập trung tại vị trí mà dự án du lịch đã nhiều năm không triển khai, không có rào chắn và quản lý. Điển hình như tại Dự án sân golf và dịch vụ Hương Sen (thuộc khu phố Hải Sơn, thị trấn Phước Hải). Mỗi dịp cuối tuần, nơi đây tập trung khá nhiều khách du lịch tự do ăn uống rồi xả rác ra môi trường. Rác không chỉ để bừa bãi trên tuyến đường ven biển mà bên trong khu vực này cũng la liệt các túi ni lông, vỏ nhựa, đồ ăn thừa…

Khó khăn trong khắc phục điểm nóng

Để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, tháng 3/2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đã ban hành Chỉ thị số 27-CT/TU nhằm yêu cầu các cấp chính quyền và toàn thể người dân phải vào cuộc để bảo vệ môi trường. Dù vậy, nhận thức bảo vệ môi trường sống, môi trường biển của người dân vẫn chưa có sự thay đổi rõ nét.

Ông Đặng Sơn Hải, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, qua rà soát, Sở đã xác định hàng chục điểm nóng về ô nhiễm môi trường nghiêm trọng như: Khu vực chế biến hải sản tại phường 10, 11, 12 (TP. Vũng Tàu); khu xử lý chất thải tập trung 100ha Tóc Tiên, khu chế biến hải sản xã Tân Hải (huyện Tân Thành); các nhà máy luyện thép trong Khu công nghiệp (huyện Tân Thành); phân xưởng nhuộm của Công ty TNHH MeiSheng Textiles (huyện Châu Đức); bãi rác tạm ở suối Nhật Bổn (huyện Côn Đảo)…

Theo ông Đặng Sơn Hải, các dự án khắc phục ô nhiễm môi trường chưa được triển khai nguyên nhân chính là do chưa có kinh phí. Việc di dời các cơ sở chăn nuôi và các cơ sở chế biến hải sản vào tập trung chưa thực hiện bởi các khu sản xuất tập trung này chưa hoàn thành. Ngoài ra, còn có các nguyên nhân khác như ý thức trách nhiệm của một số cấp ủy, chính quyền, doanh nghiệp và người dân về bảo vệ môi trường còn hạn chế; công tác quản lý nhà nước về môi trường chưa chặt chẽ, trách nhiệm dẫn đến tình trạng ô nhiễm ở các điểm nóng ngày càng “nóng” hơn.

Để khắc phục vấn nạn ô nhiễm môi trường, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã phê duyệt đề án xử lý ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2020 nhằm khắc phục chất lượng môi trường tại một số khu vực đang bị ô nhiễm. Trong đó, có 19 dự án ưu tiên thực hiện trong giai đoạn này gồm: Dự án đầu tư nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt tại huyện Côn Đảo với công suất xử lý 20 tấn/ngày; Dự án cải tạo kênh Bến Đình; Dự án đầu tư hạ tầng 2 khu chế biến hải sản tập trung tại huyện Long Điền và TP. Vũng Tàu để di dời các cơ sở chế biến hải sản… Tổng kinh phí thực hiện đề án khoảng 8.255,28 tỷ đồng.

Hy vọng rằng, khi các dự án này được triển khai đồng bộ và hiệu quả, thêm vào đó, ý thức bảo vệ của môi trường của mỗi người dân được nâng lên sẽ góp phần làm cho môi trường sống, môi trường biển ở Bà Rịa-Vũng Tàu ngày càng xanh-sạch-đẹp.

BẰNG GIANG

Tin cùng chuyên mục