Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tin tức

Bà Rịa - Vũng Tàu: Nâng cao chất lượng sống vùng đồng bào DTTS

Lê Vũ - 15:09, 16/11/2020

Sau 5 năm triển khai thực hiện Đề án phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) cho đồng bào DTTS (giai đoạn II, từ 2016 - 2020) theo Nghị quyết số 48/2016/NQ-HĐND tỉnh, đời sống của đồng bào các DTTS tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có nhiều chuyển biến đáng mừng.

Ông Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao Bằng khen cho các tập thể đạt thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết 48/2016/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về Đề án phát triển KT-XH cho đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh, giai đoạn II (2016-2020)
Ông Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao Bằng khen cho các tập thể đạt thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết 48/2016/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về Đề án phát triển KT-XH cho đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh, giai đoạn II (2016-2020)

Theo Ban Dân tộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, toàn tỉnh có 28 DTTS, với 7.434 hộ, 31.722 khẩu, chiếm gần 3% dân số toàn tỉnh. Trong 5 năm qua, đời sống đồng bào DTTS đã có nhiều đổi thay tích cực nhờ sự hỗ trợ hiệu quả từ các chương trình, chính sách của Nhà nước và nỗ lực vươn lên của chính đồng bào. 

Để tạo điều kiện phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS, tỉnh đã chú trọng đầu tư về kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt, phát triển sản xuất, trao đổi hàng hóa. Theo đó, UBND tỉnh bố trí hơn 176,6 tỷ đồng để thực hiện đầu tư 73 công trình trên địa bàn 4 huyện, thị xã vùng đồng bào DTTS (gồm huyện Xuyên Mộc, Châu Đức, Đất Đỏ và thị xã. Phú Mỹ). Đến nay đã xây dựng và đưa vào sử dụng 47 công trình; 16 công trình đang hoàn thiện, còn lại 10 công trình tiếp tục được đầu tư trong năm 2021.

Ông Đỗ Đình Quốc, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết, sau 5 năm thực hiện Đề án phát triển KT-XH cho đồng bào DTTS giai đoạn II (2016 - 2020) trên địa bàn tỉnh, nhiều mục tiêu đặt ra đã cơ bản đạt được, làm thay đổi rõ nét diện mạo vùng nông thôn. Cụ thể, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm; các công trình điện trung, hạ thế được đầu tư bảo đảm điện sinh hoạt cho vùng đồng bào DTTS, nâng tỷ lệ hộ sử dụng điện sinh hoạt đạt 99,75%; các công trình cấp nước sinh hoạt được đầu tư đã giải quyết nhu cầu nước sạch sinh hoạt cho những vùng thiếu nước vào mùa khô, nâng tỷ lệ hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99,8%, trong đó 75% hộ sử dụng nước máy...

Tỉnh cũng quan tâm triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ sản xuất; hỗ trợ về vốn vay ưu đãi… để đồng bào mua con giống, làm chuồng trại, mua thức ăn chăn nuôi để phát triển kinh tế gia đình. Các ngành chức năng cũng chú trọng chuyển giao khoa học - kỹ thuật (KH-KT) giúp đồng bào phát triển sản xuất hiệu quả… Nhờ đó, đến nay đồng bào các DTTS đã biết áp dụng các tiến bộ KH-KT vào chăn nuôi, sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều hộ đã chủ động vay thêm tiền từ nhiều nguồn khác nhau để đầu tư chuồng trại, mua thêm con giống phát triển sản xuất, đẩy lùi đói nghèo...

Bên cạnh đó, các thiết chế văn hóa vùng đồng bào DTTS cũng được tỉnh quan tâm xây dựng, các lễ hội văn hóa, sinh hoạt cộng đồng được duy trì, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của các dân tộc

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, tại Hội nghị Tổng kết 5 năm thực hiện Đề án phát triển KT-XH cho đồng bào DTTS (giai đoạn II, 2016 - 2020) của tỉnh, ông Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Ban Dân tộc, các sở, ban, ngành có liên quan và UBND các huyện, thành phố, thị xã tiếp tục khắc phục những khó khăn, tồn tại; đồng thời chủ động phối hợp chặt chẽ, tham mưu lãnh đạo tỉnh chỉ đạo tổ chức, triển khai thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc, trong đó có nhiệm vụ xây dựng Đề án Tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, các ngành, các cấp cũng cần chú trọng công tác đào tạo nghề phù hợp với trình độ học vấn, gắn với nhu cầu của thị trường lao động… để tiếp tục nâng cao chất lượng sống vùng đồng bào DTTS.