Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Bá Thước (Thanh Hóa): Phát huy tiềm năng địa phương, tăng thu nhập cho đồng bào DTTS và miền núi

Quỳnh Trâm - 08:06, 09/04/2024

Với tiềm năng sẵn có về cảnh quan thiên nhiên, văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số (DTTS), những năm qua, huyện Bá Thước (Thanh Hóa) đã chọn hướng đi phát huy tiềm năng địa phương, nhằm tạo ra việc làm, nâng cao thu nhập, giảm nghèo cho người dân.

Thế mạnh cảnh quan đã thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng ở Bá Thước (ảnh Lê Thanh)
Thế mạnh cảnh quan đã thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng ở Bá Thước (ảnh Lê Thanh)

Từ thế mạnh cảnh quan đến phát triển du lịch cộng đồng

Điển hình như huyện miền núi Bá Thước đã có hướng đi đúng đắn và hiệu quả trong việc phát huy những thế mạnh có sẵn có của địa phương, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống cho người dân.

Ngay từ khi thành lập Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, nhiều giải pháp bảo vệ rừng gắn với phát triển đời sống, nâng cao thu nhập cho người dân được đề ra, trong đó có việc quy hoạch, phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. 

"Chập chững" từ những bước đi đầu tiên với sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp, các ngành, giờ đây, Bá Thước đã trở thành “cánh chim đầu đàn” trong phát triển du lịch cộng đồng của tỉnh Thanh Hóa.

Minh chứng như, Khu Du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Đây là một trong số ít những khu du lịch trên địa bàn toàn tỉnh thường xuyên “kín phòng” vào các dịp lễ, tết... Ngay cả thời điểm nhiều khu du lịch nổi tiếng của xứ Thanh bước vào “kỳ nghỉ đông”, thì Pù Luông vẫn sôi nổi đón khách.

Tính đến nay, trên địa bàn huyện Bá Thước có khoảng hơn 80 cơ sở lưu trú; trong đó số cơ sở lưu trú dạng homestay, khu nghỉ dưỡng tại Khu Du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông tập trung chủ yếu ở các xã Thành Lâm, Thành Sơn, Cổ Lũng; nhiều hộ liên doanh, liên kết với các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp bên ngoài đến đầu tư thực hiện nhiều dự án du lịch nghỉ dưỡng quy mô. 

Số lượt khách và doanh thu từ du lịch không ngừng tăng qua các năm. Năm 2022, hoạt động du lịch tăng trưởng mạnh trở lại sau ảnh hưởng của dịch COVID-19, du lịch Bá Thước đón 82.646 lượt khách, vượt 122% so với năm trước, cao nhất từ trước đến nay (khách quốc tế là 5.447 lượt, khách trong nước là 77.199 lượt). 

Từ đầu năm 2023 đến nay, du lịch Bá Thước đón 50.054 lượt khách (8.451 lượt khách nước ngoài), lượng khách trung bình khoảng trên 1.500 lượt/ngày đêm; doanh thu ước đạt trên 85 tỷ đồng...

Gìn giữ các giá trị văn hóa bản địa trong phát triển du lịch (Ảnh Lê Thanh)
Gìn giữ các giá trị văn hóa bản địa trong phát triển du lịch (Ảnh Lê Thanh)

Ông Lê Văn Sự, Phó trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bá Thước cho hay: Xuyên suốt lộ trình xây dựng và phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, huyện Bá Thước luôn xác định vị trí, vai trò động lực của ngành du lịch thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác.

Ông Sự nhìn nhận, bản chất của ngành du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa cao và nội dung văn hóa sâu sắc, đem lại hiệu quả nhiều mặt về kinh tế, văn hóa - xã hội, chính trị, đối ngoại và an ninh - quốc phòng. Do đó, huyện chủ động xây dựng, phối hợp với các cấp, các ngành có liên quan thực hiện các nội dung, chương trình nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; nhân rộng các mô hình, tổ chức, cá nhân tiêu biểu về phát triển du lịch ở địa phương; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức và kiến thức về phát triển du lịch trong xã hội.

Trên cơ sở thế mạnh tiềm năng sẵn có về tự nhiên, khí hậu, văn hóa, huyện cũng đã làm tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch về phát triển du lịch; đầu tư kết cấu hạ tầng phát triển du lịch nhằm phát triển cả về quy mô và chất lượng hoạt động du lịch. Nhiều mô hình homestay do một số hộ gia đình bản địa đầu tư ở khu du lịch Pù Luông có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm, điển hình như: Hộ gia đình ông Hà Văn Sĩ, ông Hà Văn Dũng (bản Hiêu, xã Cổ Lũng), ông Hà Văn Giáp, Hà Văn Lịch, Hà Văn Thược (bản Đôn, xã Thành Lâm), ông Lò Văn Nam (bản Kho Mường, xã Thành Sơn)...

Giữ gìn nghề truyền thống gắn với tạo việc làm cho lao động

Cùng với đó, các sản phẩm du lịch của huyện không ngừng được làm mới, đa dạng, phong phú hơn nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách.

Gắn với phát triển du lịch cộng đồng, huyện Bá Thước cũng chú trọng gìn giữ và phát huy nghề dệt thổ cẩm. Các mặt hàng dệt thổ cẩm đang trở thành sản phẩm lưu niệm độc đáo, phục vụ nhu cầu của khách du lịch trong và ngoài nước khi đến Bá Thước nói chung và khu du lịch Pù Luông nói riêng.

Huyện Bá Thước luôn xác định phương châm xây dựng thương hiệu phát triển du lịch bền vững (Ảnh Lê Thanh)
Huyện Bá Thước luôn xác định phương châm xây dựng thương hiệu phát triển du lịch bền vững (Ảnh Lê Thanh)

Những năm gần đây, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa phối hợp với huyện Bá Thước, tổ chức tập huấn về phương pháp bảo tồn, phát huy nghề thêu, dệt hoa văn trên trang phục truyền thống cho hàng trăm học viên tại các xã Ban Công, Thành Lâm, Thành Sơn, Cổ Lũng, Lũng Niêm, Lũng Cao...

 Ngoài ra, từ nguồn kinh phí của đề án "Bảo tồn phát triển nghề, làng nghề truyền thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số Thanh Hóa giai đoạn 2016-2020", huyện Bá Thước hỗ trợ phục hồi khung dệt cho hàng chục hộ gia đình; hỗ trợ người dân giới thiệu và quảng bá các sản phẩm thổ cẩm qua các hội chợ, các kênh thương mại...

Đến nay, nghề dệt thổ cẩm truyền thống của huyện Bá Thước đã được khôi phục và phát triển mạnh mẽ với trên 120 hộ và gần 300 người trực tiếp tham gia làm nghề. Ngoài dệt các loại áo quần, vật dụng phục vụ sinh hoạt, chị em đã sáng tạo thêm nhiều sản phẩm mới như: túi xách, giày, dép, thú nhồi bông và những vật lưu niệm nhỏ để phục vụ khách du lịch. Thời gian tới, ngoài xúc tiến thành lập làng nghề truyền thống, huyện Bá Thước cũng đang xây dựng hồ sơ đề xuất công nhận thổ cẩm là sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Nhờ nỗ lực của chính quyền các cấp và tâm huyết của các nghệ nhân, nghề dệt thổ cẩm tại huyện Bá Thước đang được bảo tồn và phát huy có hiệu quả. Nghề truyền thống này đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, đồng thời gìn giữ và phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS huyện Bá Thước.

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường giám sát để có kết quả điều tra chính xác nhất

Tăng cường giám sát để có kết quả điều tra chính xác nhất

Là một trong những huyện có địa bàn rộng nhất tỉnh Lào Cai với 21 xã thị trấn; tuy nhiên, huyện Bát Xát là địa phương đầu tiên của tỉnh hoàn thành việc điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS năm 2024. Để có kết quả chính xác nhất, ngành Dân tộc địa phương đã tăng cường giám sát đối với các tổ điều tra trong quá trình triển khai thu thập thông tin.