Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Thanh Hóa: Xây dựng thương hiệu và tìm đầu ra cho nông sản miền núi

Quỳnh Trâm - 14:33, 04/03/2024

Những năm qua, các huyện miền núi Thanh Hóa đã và đang nỗ lực xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm đặc trưng của địa phương, đồng thời nỗ lực tìm thị trường đầu ra cho nông sản. Giải pháp này nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của các vùng miền, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao đưa ra thị trường, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho bà con vùng DTTS miền núi.

Nỗ lực xây dựng thương hiệu

Thông qua chương trình mỗi xã một sản phẩm, ở khu vực miền núi Thanh Hóa hiện nay có gần 100 sản phẩm được công nhận OCOP, đây là minh chứng cho nỗ lực của người dân và chính quyền các địa phương. 

Các huyện miền núi Thanh Hóa đã và đang nỗ lực xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm đặc trưng của địa phương
Các huyện miền núi Thanh Hóa đã và đang nỗ lực xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm đặc trưng của địa phương

Là một trong những đơn vị đầu tiên của huyện Quan Hóa đăng ký tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm, năm 2020, Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Mường Ca Da, thành viên của Tổ Hợp tác bánh nhãn truyền thống Hồi Xuân, đã có sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao là bánh nhãn Mường Ca Da.

Đây là một trong những món ẩm thực truyền thống được người dân huyện Quan Hóa duy trì hơn 50 năm qua. Trước đây chủ yếu người dân sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, thị trường tiêu thụ còn bó hẹp trong khu vực nội tỉnh. Từ khi được công nhận là sản phẩm OCOP, ngoài việc chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, đổi mới mẫu mã, bao bì, tập trung quảng bá, giới thiệu sản phẩm, bánh nhãn Mường Ca Da đã tạo được uy tín và thương hiệu của mình. Hiện nay, bánh nhãn Mường Ca Da đã mở rộng thị trường tiêu thụ tới nhiều tỉnh thành trong cả nước.

Hiệu quả ban đầu từ tham gia Chương trình OCOP, tạo động lực để các địa phương của huyện Quan Hóa tiếp tục đặng ký và xây dựng sản phẩm đạt chuẩn OCOP. Trong những năm tiếp theo, huyện có thêm nhiều sản phẩm được công nhận OCOP gồm: măng khô, thịt bò sấy, chè tán ma, măng chua Piềng Cú.

Để tiếp tục phát triển các sản phẩm OCOP, huyện Quan Hóa đã chỉ đạo các phòng ban chuyên môn rà soát lại tiềm năng, lợi thế ở mỗi địa phương; tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân mạnh dạn phát triển các sản phẩm chất lượng cao của thôn, bản, hướng đến xây dựng sản phẩm OCOP. 

Việc khuyến khích các hộ dân, doanh nghiệp đầu tư phát triển nhiều sản phẩm OCOP không chỉ góp phần khai thác thế mạnh của mỗi vùng, làm phong phú nguồn hàng hóa bản địa, mà còn là hướng đi mới trong việc tạo sinh kế bền vững cho bà con vùng cao.

Quan Hóa vận động người dân mạnh dạn phát triển các sản phẩm chất lượng cao của thôn, bản, hướng đến xây dựng sản phẩm OCOP
Quan Hóa vận động người dân mạnh dạn phát triển các sản phẩm chất lượng cao của thôn, bản, hướng đến xây dựng sản phẩm OCOP

Cũng là một trong những huyện miền núi đi đầu trong thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm, trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện Như Xuân đã không ngừng tuyên truyền, hỗ trợ người dân tích cực khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương để đăng ký thực hiện Chương trình.

Từ diện tích đất vườn đồi sẵn có, cùng thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp, nhiều hộ dân và các hợp tác xã lựa chọn đầu tư phát triển mô hình trồng cây ăn quả, nuôi ong.Từ đây, các hợp tác xã đã xây dựng những sản phẩm OCOP như: mật ong Hoa rừng Đức Lương, hay sản phẩm mật ong lên men...

 Bên cạnh đó, các sản phẩm từ các làng nghề truyền thống trước kia tưởng chừng đã mai một, nay nhờ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, đã được khôi phục và phát triển trở lại. Các làng nghề đi vào hoạt động, không chỉ góp phần gìn giữ nghề truyền thống của cha ông, mà còn tạo ra được những sản phẩm đặc trưng của mỗi địa phương, mỗi dân tộc trên vùng đất Như Xuân. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương.

Trong các sản phẩm OCOP của huyện Như Xuân, thì  "Cam đường canh Như Xuân" và Cam xã Đoài Như Xuân", được xem là cây giảm nghèo, làm giàu của người dân địa phương. Hiện toàn xã Xuân Hòa, huyện Như Xuân có gần 200 ha đất nông nghiệp trồng cây ăn quả có múi theo tiêu chuẩn VietGAP, đáp ứng đủ tiêu chí xếp hạng sản phẩm OCOP.

Cam đường canh Như Xuân và cam xã Đoài Như Xuân khi tham gia sản phẩm OCOP được xem là cây giảm nghèo, làm giàu của người dân địa phương
Cam đường canh Như Xuân và cam xã Đoài Như Xuân khi tham gia sản phẩm OCOP được xem là cây giảm nghèo, làm giàu của người dân địa phương

Đưa sản phẩm ra thị trường

Câu chuyện tìm đầu ra cho các sản phẩm OCOP hiện nay cũng đang được các ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa hết sức quan tâm. Tỉnh Thanh Hóa đã tích cực tổ chức các chương trình hội trợ kết nối cung cầu, giới thiệu quảng bá các sản phẩm OCOP, đặc biệt là nông sản miền núi đến với khách hàng. Từ đó, mở ra nhiều cơ hội tìm kiếm thị trường cho các sản phẩm.

Theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa, mục tiêu của Chương trình OCOP nhằm giúp các doanh nghiệp, cơ sở, hộ gia đình có cơ hội liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, mở rộng quy mô sản xuất, tăng giá trị. 

Để nâng cao giá trị sản phẩm OCOP, Thanh Hóa đã đẩy mạnh áp dụng công nghệ, chuyển đổi số trong quá trình triển khai Chương trình. Trong đó, hiệu quả nhất chính là khâu đưa sản phẩm OCOP ra thị trường tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử.

Để nâng cao giá trị sản phẩm OCOP, hiệu quả nhất chính là khâu đưa sản phẩm OCOP ra thị trường tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử và tham gia trưng bày sản phẩm.
Để nâng cao giá trị sản phẩm OCOP, hiệu quả nhất chính là khâu đưa sản phẩm OCOP ra thị trường tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử và tham gia trưng bày sản phẩm.

Để hỗ trợ các chủ thể đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm qua sàn thương mại điện tử và nền tảng số, các sở, ban, ngành của tỉnh đã và đang tiếp tục cập nhật, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm tiềm năng, có lợi thế của các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh trên chuyên trang thông tin điện tử giới thiệu nông sản Thanh Hóa "Đồng hành cùng người Việt nâng tầm nông sản Việt" tại địa chỉ: chuyendoiso.thanhhoa.gov.vn.

Đặc biệt, ngành Nông nghiệp tỉnh đã đẩy mạnh phối hợp với các ngành như Công thương, Thông tin và Truyền thông để đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, đưa các sản phẩm OCOP lên các sàn giao dịch thương mại điện tử. Cùng với đó, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại và đặc biệt là các chủ thể OCOP cài đặt, sử dụng phần mềm nhằm chuẩn hóa quy trình sản xuất, giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, minh bạch thông tin, mã hóa, dán tem QR truy xuất nguồn gốc, thúc đẩy tiêu thụ, nâng cao giá trị nông sản.

Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP được triển khai, đã mang đến "làn gió mới" thúc đẩy sản xuất nông lâm nghiệp ở nhiều vùng miền, khu vực phát triển theo hướng hiệu quả, bền vững. Nét nổi bật là, việc lựa chọn các sản phẩm tham gia chương trình OCOP đều bám sát nhu cầu của thị trường và tiềm năng, thế mạnh sẵn có của mỗi địa phương. Nhiều sản phẩm đặc sản, đặc trưng của vùng miền trước kia chủ yếu chỉ sản xuất theo phương thức nhỏ lẻ, ít được quan tâm xây dựng thương hiệu. Khi tham gia chương trình OCOP, người dân đã có sự đổi mới trong tư duy, chuyển từ sản xuất quy mô nhỏ sang phát triển tập trung, quy mô lớn, biết áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng, xây dựng thành sản phẩm hàng hóa.