Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Người có uy tín với cộng đồng

Bắc Giang: Người có uy tín nỗ lực giữ gìn văn hóa truyền thống

Trí Phương - 17:28, 07/11/2023

Theo quyết định phê duyệt danh sách Người có uy tín trong đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2023-2027, toàn tỉnh có 522 Người có uy tín thuộc nhiều thành phần, dân tộc khác nhau. Đội ngũ những Người có uy tín trong đồng bào DTTS đều là những điển hình, ưu tú trên các lĩnh vực, trong đó có nhiều Người có uy tín là nghệ nhân văn hóa, có nhiều đóng góp cho công tác bảo tồn, truyền dạy, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc tại cộng đồng.

Người có uy tín- Nghệ nhân Ưu tú Bàn Văn Cường gìn giữ cuốn sách cổ của người Dao ở Bắc Giang
Người có uy tín- Nghệ nhân Ưu tú Bàn Văn Cường gìn giữ cuốn sách cổ của người Dao ở Bắc Giang

Người có uy tín tâm huyết truyền dạy chữ Nôm Dao

Hơn 15 năm qua, Người có uy tín Bàn Văn Cường, thôn Thanh Chung, thị trấn Tây Yên Tử vẫn miệt mài "giữ lửa”, truyền dạy ngôn ngữ dân tộc Dao cho các thế hệ trẻ. Ông đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú do đã có những cống hiến xuất sắc trong gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể (lĩnh vực bảo tồn tiếng nói, chữ viết tỉnh Bắc Giang).

Nghỉ hưu từ năm 2007, ông Cường đã chủ động, tích cực trong việc sưu tầm những cuốn sách cổ của người Dao. Khi tham gia "Đề án bảo tồn và phát triển tri thức bản địa các DTTS Việt Nam" thuộc Trung tâm vì Sự phát triển bền vững miền núi, ông được sở hữu "Bộ sách dạy và học chữ Dao Việt Nam". Đây là bộ sách cổ, viết bằng chữ Hán – Nôm, đã có từ hàng trăm năm, được người Dao chấp thuận, sử dụng trong sinh hoạt gia đình, cộng đồng và xã hội, thể hiện một phần bản sắc văn hóa và lịch sử phát triển của dân tộc Dao ở Việt Nam.

Ông Cường tâm niệm: “Người Dao thì phải biết tiếng Dao mới thấy yêu và cảm nhận được giá trị văn hóa truyền thống lớn lao của dân tộc”. Nhờ có chữ viết mà người Dao còn lưu giữ được nhiều thông tin về nguồn gốc tổ tiên, dòng họ, gia đình, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục tập quán, lễ Tết... Từ suy nghĩ đó, ông tâm huyết mở lớp dạy chữ Nôm- Dao đầu tiên miễn phí ở trong thôn. Từ thời điểm mở lớp học đầu tiên đến nay đã 15 năm, đã có thêm 10 lớp học chữ Nôm - Dao được mở, do ông Cường trực tiếp đứng lớp. Ông Cường chia sẻ, vui nhất là mỗi ngày lên lớp thấy số học viên tăng lên so với ngày hôm trước. Ông chia sẻ: “Tôi có lương hưu cũng đủ chi tiêu nên chỉ có tâm nguyện làm sao truyền dạy được chữ của dân tộc mình cho thế hệ trẻ. Được tận mắt nhìn thấy lớp lớp con cháu còn nói được tiếng Dao, giữ được bản sắc văn hóa của dân tộc mình, như vậy là tôi cảm thấy vui rồi”.

Lớp học tiếng Sán Chay của ông Đàm Văn Tình, thôn Đồng Bây, xã An Lạc, huyện Sơn Động
Lớp học tiếng Sán Chay của ông Đàm Văn Tình, thôn Đồng Bây, xã An Lạc, huyện Sơn Động

Cũng với tâm huyết như ông Bàn Văn Cường, nhiều năm qua, Người có uy tín Đàm Văn Tình, người Sán Chay, thôn Đồng Bây, xã An Lạc, huyện Sơn Động đã âm thầm dày công biên soạn tài liệu truyền dạy tiếng dân tộc Sán Chí, Cao Lan. Ông đứng ra tổ chức nhiều lớp truyền dạy tiếng Sán Chí, Cao Lan tại thôn mình. Hiện nay, thôn Đồng Bây đang duy trì được 2 lớp truyền dạy tiếng Sán Chí (cũng có thể gọi là Sán Chỉ) và Cao Lan; mỗi lớp gần 20 học viên, học vào buổi sáng Chủ Nhật hằng tuần, chủ yếu là các cháu đang học THCS.

Cháu Đặng Thị Huyền bày tỏ niềm vui khi được tham gia lớp học của ông Tình: “Cháu cũng đang học lớp dạy tiếng Sán Chỉ, hầu như học vào cuối tuần nên cũng rất tiện. Tham gia lớp học như thế này, chúng cháu thêm hiểu, thêm yêu về dân tộc mình hơn”.

Thành lập câu lạc bộ để bảo tồn văn hóa

Không chỉ mở các lớp truyền dạy, nhiều Người có uy tín cũng thành lập câu lạc bộ nhằm khôi phục và phát triển làn điệu dân ca, đẩy mạnh việc sử dụng ngôn ngữ, trang phục văn hóa truyền thống của dân tộc. Người có uy tín Lưu Đình Tiến, xã Vô Tranh huyện Lục Nam là một ví dụ. Ông đã cố gắng gìn giữ bản sắc văn hóa người Sán Dìu qua tiếng hát Soọng cô. "Câu lạc bộ Soọng cô xã Vô Tranh" được thành lập vào năm 2009, lúc đầu có hơn 10 thành viên là những người lớn tuổi, lão thành. Đến nay, Câu lạc bộ có 35 hội viên trong đó có cả thành viên trẻ tuổi, các cháu học sinh. Ông Tiến chia sẻ, hiện nay tài liệu truyền dạy tiếng dân tộc còn chưa có, nhiều người còn chưa quan tâm tới việc truyền dạy trong gia đình... Chính vì vậy, việc bảo tồn tiếng DTTS trên địa bàn còn nhiều khó khăn.

Người có uy tín Lưu Đình Tiến (người cầm micro) cùng hội viên người cao tuổi xã Vô Tranh hát Soọng cô
Người có uy tín Lưu Đình Tiến (người cầm micro) cùng hội viên người cao tuổi xã Vô Tranh hát Soọng cô

Trao đổi với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, ông Vi Thanh Quyền, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang cho biết, trước nguy cơ mai một tiếng DTTS trên địa bàn, nhiều Người có uy tín đã có ý thức cao trong việc giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc nói chung, giữ gìn ngôn ngữ các dân tộc nói riêng. “Trong những năm qua, với nhiều hoạt động cụ thể như mở lớp truyền dạy tiếng dân tộc, cung cấp thêm tài liệu dạy, vận động thành lập các CLB..., đội ngũ Người có uy tín trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã có vai trò tích cực và có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn tiếng nói của đồng bào DTTS", ông Quyền nhấn mạnh.

Nhận thức rõ vị trí, vai trò của việc bảo tồn ngôn ngữ các DTTS, cũng như tiếp nhận các kiến nghị của những Người có uy tín trong đồng bào DTTS về bảo tồn tiếng dân tộc, Ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang đã đề xuất việc xây dựng Đề án “Bảo tồn, phát huy tiếng DTTS trên địa bàn tỉnh Bắc Giang”. Mới đây (ngày 25/10/2023), Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang vừa có quyết định phê duyệt "Đề án Bảo tồn, phát huy tiếng DTTS trên địa bàn tỉnh Bắc Giang”. Theo đó, Đề án tập trung nghiên cứu bảo tồn, phát huy ngôn ngữ - tiếng nói của 6 thành phần DTTS chiếm số đông, sinh sống ổn định thành cộng đồng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang là: Nùng, Tày, Sán Dìu, Hoa, Sán Chay (Cao Lan, Sán Chí) và Dao. Trọng tâm là 73 xã vùng đồng bào DTTS và miền núi tại các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế và Lạng Giang.

Các em nhỏ người Sán Dìu được nghệ nhân truyền dạy hát hát Soọng cô
Các em nhỏ người Sán Dìu được nghệ nhân truyền dạy hát hát Soọng cô

Việc triển khai Đề án “Bảo tồn, phát huy tiếng DTTS trên địa bàn tỉnh Bắc Giang” là một trong những nội dung của Dự án 6, Chương trình MTQG 1719, giai đoạn I (2021-2025) đang triển khai trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Đây cũng là niềm mong mỏi và cơ hội để những Người có uy tín như ông Cường, ông Tiến phát huy vai trò, tâm huyết, trách nhiệm của mình trong việc bảo tồn, truyền dạy, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, trong đó có chữ viết Nôm- Dao.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Phát huy vai trò của Người có uy tín, già làng trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật ở vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Phát huy vai trò của Người có uy tín, già làng trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật ở vùng đồng bào DTTS

Không chỉ là tấm gương mẫu mực trong làm kinh tế giỏi, là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân, trong thời gian qua, lực lượng già làng, trưởng thôn, Người có uy tín ở Quảng Nam đã góp phần không nhỏ trong việc đẩy lùi các hủ tục, tệ nạn, tình trạng tảo hôn ở vùng đồng bào DTTS và miền núi. Nhờ đó, nhận thức của người dân ngày càng được nâng lên, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền của tỉnh.