Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chính sách dân tộc

Bài toán an cư cho đồng bào DTTS

PV - 10:24, 11/09/2019

Nhiều năm qua, chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất đã được triển khai để hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) an cư, lập nghiệp. Mặc dù các cấp, các ngành đã rất nỗ lực triển khai, ngân sách cũng đã bố trí nguồn lực không hề nhỏ nhưng tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất đang có chiều hướng gia tăng. Vì sao vậy?

Bài 1: Tái định cư rồi lại… tái định cư!

Với địa hình đồi núi dốc, kết cấu đất yếu, việc tái định cư (TĐC) cho người dân miền núi dường như không có hồi kết. Chỉ cần một trận lũ hoặc sạt lở đất thì không chỉ tài sản trên đất mà ngay cả đất ở, đất sản xuất của người dân cũng không còn.

Mong manh những khu TĐC

Sau trận lũ lịch sử do ảnh hưởng của cơn bão số 9 năm 2009, 139 hộ dân sinh sống tại những vùng nguy hiểm ở xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) đã được bố trí TĐC về thôn Tu Thó, xã Tê Xăng. Về nơi ở mới, mỗi hộ được cấp 400m2 đất ở và đất vườn, được hỗ trợ 16 triệu đồng để xây nhà, 5 triệu đồng để di dời.

Nhưng sau gần 10 năm định cư, 139 hộ dân ở thôn Tu Thó lại đang chuẩn bị cho một cuộc di dời về nơi ở khác vì nơi đây đang bị sạt lở nghiêm trọng. Do ảnh hưởng của mưa bão, thôn Tu Thó đã xuất hiện rất nhiều điểm có nguy cơ sạt lở cao; trên nhiều tuyến đường đã xuất hiện các điểm sụt lún nguy hiểm. Trong năm 2018, sạt lở đất đã làm sập, vùi lấp 6 căn nhà ở thôn.

Thôn Tu Thó, xã Tê Xăng (Tu Mơ Rông, Kon Tum) đang chuẩn bị TĐC lần 2. (Ảnh tư liệu) Thôn Tu Thó, xã Tê Xăng (Tu Mơ Rông, Kon Tum) đang chuẩn bị TĐC lần 2. (Ảnh tư liệu)

Tương tự thôn Tu Thó, xã Tê Xăng, trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông hiện có nhiều thôn, làng khác cũng từng được TĐC, nhưng hiện đang phải lên kế hoạch TĐC chỗ khác vì sạt lở, sụt lún. Như làng Tu Mơ Rông (xã Tu Mơ Rông)-điểm TĐC cho 42 hộ dân từ năm 2010. Theo khảo sát của UBND xã, hiện trong làng đã có hơn 30 nền nhà dân và nền Trạm Y tế xã bị sụt, nứt toác; Quốc lộ 40B chạy qua địa bàn đã xuất hiện các vết nứt và sụt lún, có nơi bị sụt lún đến 50cm...

Theo ông Vương Văn Mười, Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, năm 2010, UBND tỉnh đã bố trí gần 230 tỷ đồng để TĐC cho 1.322 hộ với 5.909 khẩu. Nhưng hiện nay trên địa bàn có gần 200 hộ, với 616 nhân khẩu từng được bố trí TĐC trước đó đang cần phải di dời, TĐC khẩn cấp.

Mới đây, UBND tỉnh Kon Tum đã phê duyệt dự án TĐC cho các hộ dân thuộc diện phải di dời khẩn cấp ở huyện Tu Mơ Rông, với kinh phí thực hiện gần 70 tỷ đồng. Trong đó, 139 hộ dân ở thôn Tu Thó (xã Tê Xăng) sẽ được bố trí nơi ở mới với diện tích 17,9ha; 42 hộ dân ở xã Tu Mơ Rông với diện tích 4,7ha,…

Đất có rồi mất

Không riêng trên địa bàn Kon Tum mà ở nhiều địa phương miền núi, việc liên tục phải thực hiện bố trí TĐC cho các hộ dân sinh sống ở vùng nguy hiểm là vấn đề nan giải đối với chính quyền các cấp. Địa hình đồi núi dốc, kết cấu đất yếu nên việc bố trí mặt bằng TĐC ổn định, lâu dài rất khó khăn.

Như tại huyện Mường Lát (tỉnh Thanh Hóa), Dự án TĐC Na Chừa trên địa bàn xã Mường Chanh được khởi công tháng 10/2018, đã bố trí TĐC cho 66 hộ dân. Sau đợt mưa lũ đầu tháng 8/2019, ở khu TĐC Na Chừa đã có nhiều điểm sạt lở, sụt lún nghiêm trọng và chưa có dấu hiệu dừng lại. Vì thế, 66 hộ dân ở khu TĐC Na Chừa đang từng ngày đối mặt với nguy cơ tài sản trên đất và ngay cả đất ở, đất sản xuất sẽ bị vùi lấp bất cứ lúc nào.

Không chỉ ở các khu TĐC mà ngay cả ở những điểm dân cư sinh sống lâu đời, nguy cơ mất đất ở, đất sản xuất cũng luôn thường trực trước diễn biến ngày càng phức tạp của khí hậu. Như ở bản Sa Ná (xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa), hàng chục năm nay, 74 hộ dân đã định cư dọc hai bên dòng suối Son.

Nhưng trận lũ lịch sử ngày 3/8/2019 đã cuốn trôi nhà cửa, đất ở, đất sản xuất của nhiều gia đình ở Sa Ná. Sau lũ, chính quyền địa phương đã phải khẩn cấp triển khai khảo sát, tạo mặt bằng trên diện tích 5,1ha ở địa điểm mới để di dời, TĐC cho 51/74 hộ ở bản Sa Ná đã bị mất đất, mất nhà.

Thực tế này đã lý giải vì sao việc hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS sinh sống ở địa bàn miền núi lại gian nan đến như vậy. Và thực tế, tình trạng đồng bào DTTS thiếu đất ở, đất sản xuất đang có chiều hướng gia tăng. Cùng với những tác động tiêu cực do thiên tai gây ra thì nguyên nhân của tình trạng này một phần là do lãng phí trong sử dụng quỹ đất chính sách. Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh nội dung này trong số báo tiếp theo.

Số liệu được đưa ra tại Phiên giải trình chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS do Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tổ chức ngày 30/8/2019 cho thấy, giai đoạn 2012-2018, các địa phương vùng DTTS và miền núi đã giải quyết được đất ở cho 14.125 hộ, đất sản xuất cho 78.775 hộ. Nhưng so với năm 2012 thì cuối năm 2018, cả nước có 58.123 hộ thiếu đất ở (tăng 18.108 hộ) và 303.578 hộ thiếu đất sản xuất (tăng 36.448 hộ).

SỸ HÀO

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Theo chân Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ - Sùng Mí De (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi tới thôn Sủa Cán Tỷ làm công tác chuẩn bị cho Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân. Trong lúc chuyện trò cùng trưởng thôn Vàng Chứ Lềnh về sự đổi thay của thôn bản, ông ngỏ lời mời tôi lên thăm nhà của Lù Mí Thánh – Một trong 3 hộ dân của thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố trong năm 2023.