Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Gặp lại ở Phìn Sư

Vũ Mừng - 11 giờ trước

Tôi lên Phìn Sư, thăm lại gia đình Min Seo Thế, dân tộc Cơ Lao, vào một buổi sớm mùa hè. Mùa này, nước trời ào ạt đổ về từ các khe núi, chảy rậm rịch suốt ngày đêm vào các ô ruộng bậc thang của huyện Hoàng Su Phì (cũ) nay là thôn Phìn Sư, xã Tân Tiến. Phía xa xa, Seo Thế phăm phăm sải bước, hai tay nắm chặt đốc cày, khéo léo điều khiển con trâu phía trước theo đường cong như mảnh trăng lưỡi liềm của thửa ruộng. Một mình Thế, một con trâu, một thửa ruộng mà thấy cả mùa vàng đã bắt đầu nảy nở dưới chân đỉnh Tây Côn Lĩnh.

Sự hỗ trợ từ chủ trương, chính sách như cánh cửa mở lối cho một cặp vợ chồng trẻ vươn lên thoát nghèo
Sự hỗ trợ từ chủ trương, chính sách như cánh cửa mở lối cho một cặp vợ chồng trẻ vươn lên thoát nghèo

Chuyện của năm cũ

Lần đầu tiên tôi gặp Thế vào cuối năm 2023. Khi ấy, Seo Thế là một trong những hộ nghèo của Phìn Sư được hỗ trợ trâu sinh sản để phát triển kinh tế từ nguồn vốn của Tiểu Dự án 1 – Dự án 9, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Sinh năm 1992, Thế lập gia đình năm 2014. Năm 2016, vợ chồng Thế sinh đứa con đầu lòng là Min Seo Vận, hiện đang học tại trường bán trú dưới trung tâm xã; năm 2022 sinh cháu Min Thị Vấn. Trong lần gặp trước, tâm sự với tôi, Thế bảo, vợ chồng chỉ có mấy khoảnh nương nhỏ làm vốn. Các con hay ốm nên vợ Thế đành phải ở nhà, mọi chi tiêu phải trông chờ vào khoản tiền Thế làm thuê ở các công trình xây dựng, nhưng công việc bấp bênh, tháng nào nhận được nhiều cũng chưa đầy 4 triệu đồng.

“Sau trận mưa lớn, đất đá đổ sụp vào căn nhà vốn đã tuềnh toàng của em. Nhiều ngày liền, em cùng vợ con phải trú trong lán dựng tạm. Đêm nằm nghe gió thổi ầm ầm trên tấm bạt, em khóc. Em nghĩ những thứ bao nhiêu năm tích góp giờ này mất hết rồi...”, Thế nói.

Và tới ngày nhận trâu về, Min Seo Thế mới tin có một ngày trong sân nhà mình lại có thứ tài sản to đến vậy! Miệng chẳng nói, nhưng lòng thì rộn ràng như lúa trên nương gặp mưa đầu vụ. Thế nghĩ, rồi đây đôi trâu sẽ sinh ra một cặp nghé, sinh ra những bộ quần áo mới cho hai đứa con, sinh ra gian bếp vững chãi hơn cho vợ và cái nghèo sẽ “tụt” dần xuống chân dốc. Ước mong mà biết bao mùa mây phủ anh chưa làm được giờ đã sắp thành sự thật!

Tôi ngồi nghe tiếng Min Seo Thế bàn với vợ chuyện làm kinh tế mà lòng ấm hơn cả bếp lửa hồng. Giọng anh hồ hởi, ngày mai phải xẻ thêm mấy tấm ván, rồi xuống chợ mua thêm mấy tấm bạt để thưng lại chuồng trâu cho ấm, phòng khi có thêm mấy đợt rét đại hàn… Hai con trâu mà Seo Thế được đón nhận từ sự hỗ trợ của chủ trương, chính sách hệt như cánh cửa mở lối cho một cặp vợ chồng trẻ vươn lên thoát nghèo!

Khung cảnh thôn Phìn Sư, xã Túng Sán, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang (nay là xã Tân Tiến, tỉnh Tuyên Quang
Khung cảnh thôn Phìn Sư, xã Túng Sán, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang (nay là xã Tân Tiến, tỉnh Tuyên Quang)

Niềm vui ngày mới

Lần này gặp lại, Seo Thế nhiệt thành kể về quãng thời gian đã qua: Đôi trâu chẳng những giúp em làm ruộng của nhà, mà còn nhận làm thuê thêm ruộng của các hộ trong thôn. Em nhận trâu từ tháng 11, tới tháng 3/2024, khi bông lau dưới khe nở trắng như mây sà xuống mái nhà thì được đón thêm một cặp nghé con. Bán cặp nghé ấy, hai vợ chồng dành tiền mua thêm mấy con dê, con lợn, nuôi nhốt gọn trong chuồng. Lần trước anh lên thăm, gian bếp còn xiêu vẹo, mái dột mưa luồn, giờ vợ chồng em đã sửa lại, ấm lửa hơn rồi...

Đường - vợ Thế, sinh năm 1995, giờ cũng không còn chỉ quanh quẩn gùi củi, gùi nước như trước. Cuối năm 2024, nhóm cộng đồng bảo tồn nghề thêu thổ cẩm và may trang phục truyền thống dân tộc Cơ Lao thôn Tà Chải, xã Túng Sán được thành lập, vợ Thế cũng xin nhập nhóm, mong giữ nghề cũ, may thêm váy áo cho con và nhận làm thêm sản phẩm để có việc làm lâu dài.

Seo Thế cũng không còn là hộ nghèo nữa. Thế cười, nghèo mấy đời, cha mẹ không thoát được, giờ mình bước ra khỏi danh sách ấy, coi như cho con có một con đường mới, đỡ phải gùi theo cái tiếng nghèo như hòn đá buộc lưng. Ở Phìn Sư xa xôi đến kiệt cùng này, một con trâu, một cặp nghé, vài con dê… tưởng chừng nhỏ bé nhưng lại góp phần níu chặt mái nhà người Cơ Lao đứng vững giữa những mùa gió ngược.

Vẫn là Seo Thế, vẫn là Phìn Sư đó thôi mà khung cảnh và con người nơi đây đã khác hẳn với lần đầu tiên tôi tới. Tất cả những điều mắt thấy, tai nghe hôm nay đều khiến người ta dễ liên tưởng đến một tương lai gần có nhiều ấm no, sung túc. Lúc này, ngoài bờ rào đá, mấy con chim vàng anh lích rích đậu trên cành mận rồi lại chuyền sang cành chè. Bên trong chuồng, hai con trâu cùng đàn dê “giục” cỏ, chốc chốc lại dụi đầu vào vách gỗ kêu lộc cộc. Chú chim vàng anh giật mình, cả đàn bay vút lên cao...

Thời điểm chưa sáp nhập, xã Túng Sán nằm cách trung tâm huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang 22km, với 8 thôn, trong đó Phìn Sư là vùng đất sinh sống lâu đời của 54 hộ đồng bào dân tộc Cơ Lao với 274 nhân khẩu.

Phần lớn người dân vẫn chỉ biết canh tác, chăn nuôi theo tập quán, sự được mất của mùa màng đều được quyết định bởi… trời! Thiếu tính chuyên canh tập trung nên cây trồng, vật nuôi đều không thể trở thành hàng hoá. Thế nên, bài toán để đưa Phìn Sư thoát nghèo khiến chính quyền các cấp của huyện Hoàng Su Phì trăn trở suốt nhiều năm qua!

Những năm gần đây, nhờ nguồn lực hỗ trợ từ các Chương trình MTQG: Nông thôn mới; Giảm nghèo bền vững và Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) mà đời sống văn hoá, tinh thần, kinh tế của người Cơ Lao ở Phìn Sư có nhiều chuyển biến tích cực.

Tin cùng chuyên mục
Về nơi hoa nở trên tay

Về nơi hoa nở trên tay

Những ngày cuối tháng 7, dưới cái nắng cháy giòn, chúng tôi từ Bến Giằng ngược lên xã biên giới Đắc Pring (TP. Đà Nẵng). Chiều buông xuống, không gian núi rừng như lắng lại trong tiếng lách cách của khung dệt. Ở góc làng nhỏ, những người phụ nữ Ve vẫn bền bỉ ngồi bên khung cửi, dệt nên những tấm thổ cẩm như cách gìn giữ linh hồn của cộng đồng mình giữa đại ngàn Trường Sơn.