Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Pháp luật

Bản không bia, rượu

PV - 11:13, 22/02/2019

Ở nhiều nơi, đặc biệt là vùng nông thôn miền núi, việc uống quá nhiều rượu đã ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống kinh tế-xã hội cũng như an ninh trật tự thôn bản. Ở xã Khun Há, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, đồng bào dân tộc Mông đã quyết tâm bỏ rượu bằng cách vận động nhau không uống rượu, bia, xây dựng bản văn hóa, bản không rượu, bia. Nhờ đó, các vấn đề về bạo lực gia đình, an ninh trật tự, gây rối trật tự công cộng..., tại địa phương lâu nay gần như không xảy ra.

Cuộc sống bình yên ở bản Lao Chải 2, xã Khun Há. Cuộc sống bình yên ở bản Lao Chải 2, xã Khun Há.

Bản Lao Chải 2, xã Khun Há có 62 hộ với 374 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Mông. Những năm gần đây, được cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động về việc xây dựng bản văn hóa, bà con Nhân dân đã cùng nhau góp công, góp tiền để xây dựng đường giao thông nội bản; trồng hoa, cây cảnh tạo cảnh quan, vệ sinh môi trường..., đồng thời bảo ban, giáo dục, khuyên dạy con cháu không sử dụng rượu, bia trong sinh hoạt, ăn uống hằng ngày.

Anh Cứ A Sáu ở bản Lao Chải 2, xã Khun Há cho biết: Nhiều năm qua, bản Lao Chải 2 đã trở thành bản không uống rượu. Kể cả vào những dịp lễ tết, khi gia đình có đám cưới, đám tang, đám giỗ, thậm chí nhà có công việc nhờ anh em, bạn bè đến làm giúp thì cũng không uống rượu.

“Không uống rượu là mình đã tiết kiệm được một khoản tiền bỏ ra từ việc mua rượu; không uống rượu, mình có nhiều thời gian đi trồng thảo quả, trồng lúa, chăn nuôi lợn, gà..., để phát triển kinh tế gia đình, nhờ vậy trong bản đã có nhiều hộ thoát nghèo”, anh Sáu tâm sự.

Trước đây, hộ gia đình anh Cứ A Tráng ở bản Lao Chải 2 thuộc diện hộ nghèo trong xã. Nhờ chăm chỉ làm ăn, đến thời điểm này gia đình anh đã thoát nghèo. Có được kết quả đó một phần cũng nhờ bản thân anh Tráng, các thành viên trong gia đình không uống rượu, kể cả khi lễ tết, giỗ chạp…

Không uống rượu, bia, bà con giữ gìn được sức khỏe, tập trung phát triển kinh tế gia đình. Không uống rượu, bia, bà con giữ gìn được sức khỏe, tập trung phát triển kinh tế gia đình.

“Mình vừa làm xong ngôi nhà cấp 4 rộng gần 100m2 để vợ con ở cho nó yên tâm, không sợ mưa gió nữa. Nhờ việc không uống rượu, tập trung vào phát triển kinh tế mà gia đình, mình đã có tiền để xây nhà và cho con cái đi học. Trong gia đình, mình luôn khuyên bảo mọi người không nên uống rượu. Để con cháu nghe theo, trước tiên mình phải làm gương, mình làm tốt thì con mới làm tốt, mới học theo”, anh Tráng cho biết.

Nhờ việc không uống rượu, bia mà bà con dân tộc Mông ở bản Lao Chải 2 có thời gian đi làm nương, tập trung với công việc chăn nuôi, phát triển kinh tế hơn. Qua đó, điều kiện kinh tế của nhiều hộ dân trong bản ngày càng phát triển, nhiều hộ không những xây được nhà, mua sắm các đồ dùng đắt tiền như xe máy, tivi, tủ lạnh..., mà còn có tiền gửi ngân hàng, cho con cái đi học... Trong 3 năm trở lại đây, bản Lao Chải 2 có hơn 20 hộ thoát khỏi danh sách hộ nghèo.

Ông Cứ A Sở, Chủ tịch UBND xã Khun Há cho biết: Cả xã Khun Há có 15 bản thì có 3 bản là bà con không sử dụng rượu, bia trong sinh hoạt hằng ngày. Việc bà con không sử dụng rượu, bia mang lại rất nhiều hiệu quả trong việc phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Không bị ma men, không còn tình trạng bạo lực gia đình hay gây rối trật tự công cộng tại địa phương; không rượu bia, sức khỏe của người dân cũng được tăng lên, bà con tập trung vào phát triển kinh tế, từng bước cải thiện nâng cao chất lượng cuộc sống cả vật chất và tinh thần.

“Từ kết quả thực hiện chủ trương không sử dụng rượu, bia trong sinh hoạt, ăn uống hằng ngày, chúng tôi cho rằng, đây là một chủ trương đúng, phù hợp, trở thành nét văn hóa đẹp của địa phương, cần duy trì và phát huy. Trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này đến các bản khác để bà con nhận thức được tác của rượu, bia. Qua đó, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của bà con, giảm tệ nạn xã hội liên quan đến rượu, bia xảy ra trên địa bàn”, Chủ tịch xã Cứ A Sở nhấn mạnh.

TRỌNG BẢO

Tin cùng chuyên mục
Các huyện biên giới Thanh Hóa: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về các thôn, bản đặc biệt khó khăn

Các huyện biên giới Thanh Hóa: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về các thôn, bản đặc biệt khó khăn

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719), các huyện biên giới Thanh Hóa đang đẩy mạnh nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục kiến thức pháp luật và trợ giúp pháp lý cho Nhân dân, tập trung hướng về các thôn, bản đặc biệt khó khăn, nhằm nâng cao nhận thức về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với vùng DTTS.