Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Bản sắc văn hóa Linh hồn của du lịch vùng cao

PV - 10:23, 27/01/2018

Vài năm trở lại đây, nắm bắt được nhu cầu thăm quan trải nghiệm du lịch cộng đồng ngày càng cao của khách du lịch trong nước và quốc tế, nhiều bản làng, hộ gia đình người DTTS ở vùng cao đã mở dịch vụ lưu trú (homestay) tại nhà.

Theo đó, các đội văn nghệ của bản làng cũng được hình thành, phát triển để phục vụ nhu cầu thưởng thức văn hóa tinh thần của du khách. Những đêm diễn của bà con được trả “cát-xê” (thù lao) từ vài trăm ngàn tới vài triệu đồng. Khoản “cát-xê” này là phần thưởng quý giá tạo động lực để đồng bào tiếp tục bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Đến thăm quan, trải nghiệm du lịch cộng đồng tại bản Cát Cát, xã San Sả Hồ, huyện Sa Pa, Lào Cai vào một ngày nghỉ cuối tuần, chúng tôi đã được thưởng thức nhiều tiết mục múa dân gian đặc sắc do Đội văn nghệ bản Cát Cát biểu diễn.

Trong không gian ngôi nhà biểu diễn văn hóa-nghệ thuật rộng khoảng 30m2, nằm cạnh thác nước Cát Cát, các nhóm du khách quốc tế, du khách Việt được thưởng thức âm thanh réo rắt trầm bổng, những điệu múa dân gian vui nhộn của các chàng trai cô gái người Mông với các tiết mục như “Phiên chợ vùng cao”, “Xuống chợ tìm bạn”, “Múa xòe Tây Bắc”, “Sa Pa nơi gặp gỡ của đất trời”, Điệu múa gọi mùa” của người Dao đỏ; “Điệu xòe thương nhau”...

Một tiết mục múa của đội văn nghệ bản Cát Cát phục vụ du khách đến thăm quan tại bản. Một tiết mục múa của đội văn nghệ bản Cát Cát phục vụ du khách đến thăm quan tại bản.

 

Anh Niels Feelews, một du khách đến từ Hà Lan sau khi thưởng thức xong chương trình biểu diễn văn nghệ đã tỏ ra rất thích thú. Anh mở ví lấy ra một tờ 500.000 đồng “thưởng nóng” cho Đội văn nghệ và vui vẻ chia sẻ cảm xúc: “Các bạn vùng cao ở Việt Nam múa rất đẹp.

Tôi rất thích xem điệu múa ô, múa khèn, nghe độc tấu sáo Mông. Đi du lịch ở vùng cao, chúng tôi được ăn các món ăn dân tộc, được ngủ tại nhà dân, được xem người dân múa hát, đó là những trải nghiệm tuyệt vời. Tôi rất yêu đất nước của các bạn!”.

Đội văn nghệ bản Tả Van Giáy biểu diễn điệu múa quạt phục vụ khách du lịch. Đội văn nghệ bản Tả Van Giáy biểu diễn điệu múa quạt phục vụ khách du lịch.

 

Khai thác văn hóa của người dân bản địa để phát triển du lịch cộng đồng hiện đang là một thế mạnh của Sa Pa nói chung, bản Cát Cát nói riêng. Theo tin từ Phòng Văn hóa huyện Sa Pa cho thấy, toàn huyện Sa Pa hiện có 61 làng bản của người Mông thì có tới 16 bản đã thành lập các Đội văn nghệ phục vụ khách du lịch, thu hút khoảng 200 nam, nữ diễn viên không chuyên tham gia.

Chàng trai người Mông múa khèn đợi bạn tình. T.L Chàng trai người Mông múa khèn đợi bạn tình. T.L

 

Một số Đội văn nghệ ở Lao Chải, thị trấn Sa Pa, San Sả Hồ không chỉ biểu diễn ở làng mà còn trở thành Đội văn nghệ không chuyên của các khách sạn như Victoria, Châu Long, Hàm Rồng… Mỗi buổi biểu diễn phục vụ du khách quốc tế tại các nhà hàng, khách sạn ở thị trấn Sa Pa, các Đội văn nghệ thường được trả cat-xê từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng/buổi diễn. Chia bình quân đầu người, mỗi diễn viên cũng có thù lao từ 200.000-300.000 đồng/đêm diễn.

Riêng Đội văn nghệ bản Cát Cát từ năm 2007 đến nay, đã đi vào hoạt động theo hướng chuyên nghiệp. Dưới sự quản lý của Công ty TNHH Một thành viên Du lịch Cát Cát, các diễn viên trong Đội văn nghệ đều được Công ty trả lương đều đặn hằng tháng, mức lương trung bình từ 4 triệu đồng đến 7 triệu đồng/người/tháng.

Ông Lê Trung Kiên, Phó Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Cát Cát cho biết, lương để chi trả cho Đội văn nghệ được Công ty trích từ nguồn thu bán vé cho du khách khi qua cổng vào thăm quan bản Cát Cát. Và cat-xê cho mỗi ca diễn của Đội văn nghệ đã được Công ty tính chung trong giá vé qua cổng với 50.000 đồng/vé người lớn; 30.000 đồng/vé trẻ em.

Cũng theo ông Kiên thông tin, Đội văn nghệ bản Cát Cát hiện có 16 diễn viên (10 nam, 6 nữ) đều là người DTTS ở bản Cát Cát và các bản lân cận trên địa bàn huyện Sa Pa. Các diễn viên trong Đội văn nghệ đều được đào tạo qua các trường nghệ thuật. Một số diễn viên người Mông, Dao, Tày… được Công ty tuyển vào năm 2007, số còn lại đều là diễn viên quần chúng tại địa phương, được Công ty gửi vào các trường nghệ thuật đào tạo để rồi các em lại trở về phục vụ biểu diễn tại bản Cát Cát.

Hiện nay, ngoài tiền lương cứng hằng tháng, Công ty còn kết nối với các nhà hàng, khách sạn ở Sa Pa để bố trí lịch biểu diễn khi khách du lịch có nhu cầu thưởng thức văn nghệ. Cát xê khách du lịch trả cho Đội văn nghệ trong mỗi đêm diễn, các diễn viên sẽ tự chia nhau để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Em Sùng Thị Pâu, thành viên Đội văn nghệ, nhà ở bản Cát Cát cho biết: “Ngoài tiền lương, mỗi buổi tối đi múa ở nhà hàng, khách sạn, chúng em cũng có thu nhập thêm từ 200-300 ngàn đồng”.

Còn tại bản Tả Van Giáy, xã Tả Van, huyện Sa Pa, Đội văn nghệ dân gian của bản gồm 50 thành viên là các chị em dân tộc Giáy trong bản. Các chị là những “thợ vườn”, “thợ ruộng” ban ngày, nhưng ban đêm, trước các đoàn du khách đến nghỉ homestay tại bản, các chị trở thành những cô gái yểu điệu trong điệu múa Then, nhí nhảnh trong điệu múa Khèn, tình tứ trong điệu hát giao duyên...

Chị Hoàng Thị Loan, Đội trưởng Đội văn nghệ xã Tả Van chia sẻ: “Mặc dù nhà của chị em đều cách xa nhau nhưng khi khách du lịch có nhu cầu xem văn nghệ là mọi người sẵn sàng đến biểu diễn văn nghệ. Đội văn nghệ cũng thường xuyên được du khách tặng thưởng tiền, tùy từng hôm diễn. Số tiền chia ra cũng phần nào hỗ trợ tạo điều kiện cho chị em tham gia thường xuyên.

NGỌC ÁNH

Tin cùng chuyên mục
Đặt tên âm và lên đèn – Nghi thức quan trọng trong lễ Cấp sắc của người Dao

Đặt tên âm và lên đèn – Nghi thức quan trọng trong lễ Cấp sắc của người Dao

Lễ Cấp sắc là nghi lễ thể hiện nhân sinh quan, tín ngưỡng, văn hóa của người Dao. Trong đó, “đặt tên âm và lên đèn” là một trong những nghi thức rất quan trọng, khi đó người thụ lễ được đặt pháp danh (tên âm). Sau khi trải qua nghi lễ này, người đàn ông Dao được công nhận là con cháu Bàn Vương, được trao quyền làm thầy, được cấp âm binh và được thờ cúng tổ tiên.