Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bánh chưng làng Xốm: Lòng thành hạt gạo tiến Vua

PV - 11:30, 22/02/2018

Đối với người dân làng Xốm, xã Hùng Lô, thành phố Việt Trì (Phú Thọ) làm bánh chưng không chỉ là nghề mưu sinh mà quan trọng hơn là niềm tự hào về một nghề truyền thống gắn liền với sự tích “Bánh chưng, bánh dày” nơi đất Tổ. Đón Tết Mậu Tuất 2018, người làm nghề nơi đây thêm niềm vui mới, khi làng Xốm được UBND tỉnh Phú Thọ công nhận là làng nghề truyền thống.

Làng Xốm, tên gọi hành chính chính thức là khu dân cư 14, xã Hùng Lô, có trên 300 hộ, trong đó có khoảng 200 hộ làm nghề gói bánh chưng. Ngày thường, các hộ làm nghề trong làng vẫn đều đặn làm bánh để cung cấp cho hệ thống siêu thị và các điểm bán lẻ trên địa bàn thành phố. Còn những ngày giáp Tết cổ truyền, làng Xốm nhộn nhịp hơn, từ ngoài ngõ vào sân, trong nhà bạt ngàn màu xanh của lá dong, màu trắng của gạo. Người già, người trẻ hối hả rửa lá, vo gạo, gói bánh.

Người dân Hùng Lô tất bật với việc gói bánh chưng. Người dân Hùng Lô tất bật với việc gói bánh chưng.

 

Theo anh Nguyễn Văn Ninh, một người chuyên làm nghề trong làng, ngày thường thì mỗi ngày chỉ làm khoảng 140 chiếc bánh giao cho các đại lý và quầy hàng ở chợ. Nhưng đến Tết Nguyên đán, số lượng bánh tăng lên gấp 2 đến 3 lần mà không đủ cung cấp. “Nếu như ngày thường mỗi gia đình trong làng nghề chỉ gói từ 40 đến 80kg gạo để bán ở các chợ trên địa bàn thành phố, thì ngày Tết số lượng gạo mỗi nhà lên đến 4 hay 5 tạ gạo/ngày”.

Theo anh Ninh, đối với người dân làng Xốm, làm bánh chưng không chỉ là nghề mưu sinh mà quan trọng hơn là niềm tự hào về một nghề truyền thống gắn liền với sự tích “Bánh chưng, bánh dày” nơi đất Tổ.

Anh Ninh bảo, bánh chưng xanh của Lang Liêu gắn với lịch sử Việt Nam trong việc chọn người trị vì đất nước. Vì trân trọng ý nghĩa đó nên trong Tết Nguyên đán nghìn đời nay, nhà nhà đều có bánh chưng. “Ở Phú Thọ, ngoài việc rước kiệu từ Hùng Lô về Khu di tích lịch sử Đền Hùng hàng năm, người dân còn vinh dự được làm bánh chưng, bánh dày dâng Vua Hùng”..

Được biết, gia đình anh Nguyễn Văn Ninh là một trong những gia đình gói bánh chưng truyền thống lâu đời nhất ở làng Xốm. Bản thân anh Ninh đã có 2 năm được chọn làm bánh chưng dâng Vua Hùng.

“Năm thứ nhất gia đình làm 10.000 chiếc, năm thứ hai làm 18.000 chiếc bánh chưng để xếp thành chiếc bánh chưng khổng lồ. Đây là kỷ niệm đáng nhớ nhất trong hơn 30 năm làm bánh của mình. Mỗi ngày đều gói bánh chưng, nhưng cứ mỗi độ tết đến, xuân về thì cảm giác gói bánh chưng lại lâng lâng khó tả”, anh Ninh cho biết.

Một điều dễ nhận thấy là, bánh chưng Làng Xốm nổi tiếng thơm ngon do được làm cầu kỳ từ khâu chọn lá, chọn gạo, chọn đậu. Cụ Nguyễn Thị Lâm, hơn 80 tuổi, người có kinh nghiệm gói bánh chưng lâu năm ở Làng Xốm cho biết: muốn cho bánh chưng ngon,việc chọn số lượng lá phải xem thời tiết.

“Nếu thời tiết thuận, lạnh thì chỉ cần vừa lá, thông thường gói bộ cần 6 lá. Nếu trời nồm hoặc nóng thì phải làm nhiều lá, như vậy bánh sẽ được bảo quản lâu hơn. Trước khi gói bánh chỉ cần vo sạch gạo trước một giờ để ráo chứ không nên ngâm gạo qua đêm. Đặc biệt, bánh phải được gói bằng tay. Bí quyết để luộc bánh là cứ sau khoảng 1 giờ lại pha thêm một ít nước lã vào nồi đang sôi”, cụ Lâm chia sẻ.

Niềm vui của người dân làng Xốm trong Xuân này được nhân lên gấp bội khi làng vừa được tỉnh công nhận làng nghề. Hơn nữa, làng được chọn để làm sản phẩm bánh chưng phục vụ ngành du lịch của tỉnh. Đây sẽ là cơ hội để sản phẩm bánh chưng Hùng Lô được đông đảo người dân trong và ngoài nước biết đến mỗi khi về thăm đất Tổ vua Hùng.

NGỌC TUẤN

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Theo chân Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ - Sùng Mí De (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi tới thôn Sủa Cán Tỷ làm công tác chuẩn bị cho Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân. Trong lúc chuyện trò cùng trưởng thôn Vàng Chứ Lềnh về sự đổi thay của thôn bản, ông ngỏ lời mời tôi lên thăm nhà của Lù Mí Thánh – Một trong 3 hộ dân của thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố trong năm 2023.