Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Bánh xén từ góc bếp đến ước mơ xuất khẩu

PV - 11:11, 06/02/2018

i đã từng đến với thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên hẳn sẽ không thể quên mùi vị đặc trưng từ món bánh xén (khẩu xén) cổ truyền của dân tộc Thái, nhất là mỗi dịp Tết đến Xuân về. Thật tự hào hơn, khi chiếc bánh xén đã không chỉ bó buộc trong mỗi gian bếp từng hộ gia đình mà vươn ra đến chợ, bán cho khách du lịch. Đồng bào nơi đây còn đang ấp ủ ước mơ đưa chiếc bánh xén ra các tỉnh, thành khác thậm chí “vượt biên” ra nước ngoài.

Loại bánh chỉ có ở Mường Lay

Chúng tôi đến thăm vùng tái định cư tại thị xã Mường Lay vào những ngày cuối năm. Trong tất bật công việc chuẩn bị đón năm mới, chuẩn bị làm bánh xén luôn được đồng bào Thái ưu tiên hàng đầu.

Bánh xén là loại bánh truyền thống của dân tộc Thái ở thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên; bánh thường được làm mỗi dịp Tết đến Xuân về. Trước đây, vào khoảng 25-26 tháng Chạp, mọi người đi làm ở nơi đâu cũng quây quần về nhà cùng nhau làm bánh xén.

Bánh xén đã và đang góp phần nâng cao thu nhập cho đồng bào TĐC Mường Lay. Bánh xén đã và đang góp phần nâng cao thu nhập cho đồng bào TĐC Mường Lay.

 

Bánh xén được làm từ củ sắn rất kỳ công, khâu đầu tiên phải gọt vỏ, rồi nạo ra trộn với gấc, sau đó đồ thật kỹ rồi xay nhỏ mới đem ra cán mỏng, phơi qua rồi cắt thành từng miếng nhỏ, sau đó mới phơi tiếp cho đến khi bánh thật khô. Người dân nơi đây khẳng định, không phải sắn nào cũng làm được bánh xén, phải là sắn truyền thống của người Thái, trồng từ tháng 2 đến tháng 9 hoặc tháng 10 âm lịch. Mà sắn từ nơi khác đem về làm bánh cũng chẳng đem lại mùi vị đặc trưng như sắn trồng ở thị xã Mường Lay. Người ta nói, chính vùng ngã ba sông nước, kết hợp với rừng núi đã tạo nên khí hậu và chất đất sơn thủy gắn quyện cho củ sắn nơi đây sự tinh khiết và tinh túy của nước sông và đá núi.

Bánh xén có vị ngon riêng; khi chiên lên bánh màu vàng rộm, không phồng hoặc nở to như các loại bánh khác, mùi thơm ngậy, khi thưởng thức có vị bùi lạ, thơm lâu mà không có cảm giác khô nghẹn như bánh đa nướng. Hương vị bánh xén cũng đa dạng và phong phú; vị ngọt cho trẻ con, vị mặn cho phụ nữ và người già, có cả bánh nhạt để chấm gia vị dành cho các đấng mày râu nhâm nhi cùng chén rượu nồng.

Xây dựng thương hiệu, hướng đến xuất khẩu…

Từ một món ăn truyền thống, bánh xén đã và đang trở thành hàng hóa, một đặc sản của mảnh đất Mường Lay được du khách rất ưa chuộng. Hiện nay, trên địa bàn thị xã có hàng trăm hộ dân tham gia sản xuất loại bánh này bán ra thị trường. Mỗi ngày, nhà ít cũng làm được 20kg, hộ làm nhiều cũng được 50kg.

Ông Hoàng Văn Tương, ở bản Bắc I, xã Lay Nưa cho biết: Mỗi héc ta đất nương trồng sắn đạt từ 8 đến 10 tấn sắn tươi, nếu nguồn sắn tươi từ 1ha được chế biến làm bánh thì thu nhập từ cây sắn của người dân đạt trên dưới 50 triệu đồng/ha, gấp nhiều lần trồng lúa, ngô. Hiện tại, mỗi kg bánh xén làm ra bán được từ 55 đến 60 ngàn/kg.

Được biết, mới đây UBND thị xã Mường Lay đã xây dựng đề án phát triển các nghề thủ công tạo công ăn việc làm cho bà con vùng tái định cư thủy điện, trong đó có việc phát triển và mở rộng mô hình sản xuất bánh xén. Theo đó, mục tiêu sẽ phát triển nghề làm bánh xén truyền thống theo mô hình hợp tác xã; trong đó, sẽ đầu tư máy móc kỹ thuật, cải tiến quy trình sản xuất và tập huấn kỹ thuật cho các hộ tham gia dự án, quảng bá và giới thiệu sản phẩm, xây dựng bánh xén thành thương hiệu sản phẩm du lịch của thị xã Mường Lay.

Những người nông dân ở Mường Lay đang hướng đến một sản phẩm bánh xén không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn tham gia xuất khẩu.

TRỌNG BẢO