Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Môi trường sống

Bảo đảm an toàn hồ đập trước tình thế “lũ chồng lũ”

Tùng Nguyên - 11:54, 09/12/2020

Từ đầu tháng 9 đến nay, các tỉnh miền Trung liên tiếp hứng chịu nhiều cơn bão; sau bão là mưa lớn gây ngập lụt lịch sử. Bão số 9 (tên quốc tế là Molave) cũng đang đổ bộ vào khu vực này, dự kiến sẽ gây mưa lớn, kéo dài và trên diện rộng, sau khi suy yếu thành áp thấp. Trước tình thế “lũ chồng lũ” này, nguy cơ mất an toàn hồ đập (thủy lợi, thủy điện) là rất lớn.

Trong và sau bão, nguy cơ lũ quét, lũ ống ở miền núi luôn thường trực.
Trong và sau bão, nguy cơ lũ quét, lũ ống ở miền núi luôn thường trực.

Nguy cơ cao

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy lợi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), cả nước có 6.648 hồ chứa thủy lợi trên địa bàn 45 tỉnh, thành. Trong đó ở 19 tỉnh, thành khu vực miền Trung (từ Thanh Hóa vào đến Bình Thuận) có 3.551 hồ chứa (chiếm 53,4% tổng số hồ đập cả nước); các địa phương có nhiều hồ chứa nhất cả nước đều thuộc khu vực này (Thanh Hóa có 610 hồ, Nghệ An 629 hồ…).

Đặc biệt, đây cũng là khu vực “đóng chân” của các hồ đập có dung tích lớn nhất cả nước. Trong 702 hồ đập lớn của cả nước thì khu vực miền Trung có 388 hồ. Trong 22 hồ có dung tích lớn nhất (trên 100 triệu m3) thì khu vực này chiếm 16 hồ. Liên quan đến an ninh quốc gia có các hồ: Cửa Đạt (Thanh Hóa); Ngàn Trươi - Cẩm Trang, Kẻ Gỗ (Hà Tĩnh); Tả Trạch (Thừa Thiên - Huế)…

Những đợt mưa lớn do ảnh hưởng của các cơn bão (số 5, 6, 7, 8) trong tháng 9 và tháng 10 vừa qua, các hồ đập ở khu vực này cơ bản đã tích đầy nước; nhiều hồ đập đã phải xả tràn. Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai (PCTT), đến ngày 25/10/2020, từ Hà Tĩnh vào đến Phú Yên vẫn có 21 hồ đang xả đón lũ; với lưu lượng xả thấp nhất là 60m3/s (hồ thủy lợi Tả Trạch), cao nhất là 515m3/s (hồ thủy điện sông Ba Hạ - Phú Yên).

Thậm chí, đối với hồ Kẻ Gỗ, tại thời điểm sáng 19/10, khi mực nước hồ dâng cao ở cao trình 33,8m, vượt so với ngưỡng an toàn 32,5m, tỉnh Hà Tĩnh đã tính tới phương án dự phòng là phá tràn hồ Kẻ Gỗ (khi mực nước quá cao thì tràn hồ Kẻ Gỗ dài khoảng 200m sẽ tự vỡ để bảo đảm an toàn cho công trình chứ không phải dùng nhân lực đào phá - Pv). Lần đầu tiên trong 40 năm, cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh phải lên phương án phá tràn hồ Kẻ Gỗ, bảo đảm an toàn cho vùng hạ du.

Nếu phá tràn, hàng trăm nghìn hộ dân vùng hạ du hồ Kẻ Gỗ (thuộc các huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà, TP. Hà Tĩnh…) sẽ ảnh hưởng nặng nề. Rất may, sau đó lượng mưa đã giảm, mực nước ở cao trình 33,7m nên tỉnh Hà Tĩnh đã không phải sử dụng phương án này. Nhưng những quả “bom” nước vẫn treo lơ lửng trên đầu hàng triệu người dân ở vùng hạ du khi bão số 9 đang chuẩn bị cập bờ.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa đi kiểm tra hồ, đập đề phòng sự cố xảy ra khi có lụt bão. Ảnh TL
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa đi kiểm tra hồ, đập đề phòng sự cố xảy ra khi có lụt bão. Ảnh TL

An toàn hồ đập là cấp bách
Theo thông tin của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT tại cuộc họp ngày 26/10, từ chiều 27 đến hết 29/10, vùng biển ven bờ sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp của gió mạnh, dông lốc. Vùng ảnh hưởng của bão sẽ kéo dài từ Nam Nghệ An đến Khánh Hòa, trọng tâm từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên. Gió mạnh không chỉ ở các tỉnh ven biển mà khu vực Tây Nguyên cũng có gió giật.

Sau bão sẽ là mưa lớn, kéo dài trên diện rộng. Điều này cũng đồng nghĩa các hồ đập ở khu vực miền Trung sẽ tiếp tục đón thêm lượng lớn nước tràn về; trong khi đa số các hồ hiện đã tích đủ, thậm chí không ít hồ phải xả tràn để bảo đảm an toàn công trình.

Bảo đảm an toàn hồ chứa, nhất là các đập, hồ thủy điện là mối quan tâm hàng đầu của các cấp ngành, chính quyền các địa phương và cả xã hội. Đáng chú ý, theo thống kê hiện cả nước có khoảng 1.200 hồ chứa bị hư hỏng, xuống cấp, thiếu khả năng xả lũ nhưng chưa có kinh phí sửa chữa, nâng cấp, trong đó, có khoảng 200 hồ chứa hư hỏng nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong khi mùa mưa bão đã tới.

Hồ Kẻ Gỗ từng đứng trước nguy cơ phải phá tràn sau bão số 8.
Hồ Kẻ Gỗ từng đứng trước nguy cơ phải phá tràn sau bão số 8.

Theo đánh giá của Tổng cục Thủy lợi, phần lớn các hồ chứa nằm trong danh sách báo động là các hồ chứa vừa và nhỏ. Tuy nhiên không vì vậy mà chủ quan, xem nhẹ; bởi các hồ, đập đều được xây dựng ở địa bàn vùng cao, nếu xảy ra sự cố, lượng nước trút xuống vùng thấp rất lớn, hậu quả khó lường.

Chính bởi vậy, tại cuộc họp khẩn ngày 26/10 của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT để ứng phó với bão số 9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp dự và chỉ đạo các địa phương. Người đứng đầu Chính phủ lưu ý, ở miền Trung, nước ngâm lâu ngày thì vấn đề sạt lở núi là điều có thể xảy ra. Do đó cần chủ động di dời người dân đến nơi an toàn. Đồng thời triển khai việc chằng chống nhà cửa, bảo đảm an toàn hồ đập vì hiện phần lớn các hồ đã đầy nước, không để như tình trạng hồ Kẻ Gỗ vừa qua./.

Theo Tổng cục Thủy lợi, từ năm 2010 đến nay, cả nước xảy ra 70 sự cố hồ đập. Riêng năm 2017 xảy ra sự cố ở 23 hồ, năm 2018 ở 12 hồ, năm 2019 có 11 hồ xảy ra sự cố. Gần đây nhất, ngày 6/6/2020, đập Bara Đô Lương (Nghệ An) vỡ làm 7.800 hộ dân mất nước sinh hoạt. Trước đó, ngày 28/5/2020, đập hồ Đầm Thìn, huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) bị vỡ khiến nhiều hộ dân phải sơ tán khẩn cấp.



Tin cùng chuyên mục