Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Môi trường sống

Vận hành hồ đập mùa mưa lũ đang gặp nhiều khó khăn

Khánh Thi - 10:15, 07/08/2020

Năm nay, dưới tác động của La Nina (hiện tượng nhiệt độ nước biển tại khu vực Thái Bình Dương lạnh đi một cách bất thường, gây bão tố trên Đại Tây Dương, ảnh hưởng mạnh nhất vào cuối năm cho tới tháng 2 năm sau), nước ta sẽ đón những trận mưa lũ đặc biệt lớn có thể sẽ xảy ra, nhất là ở miền Bắc. Song, việc vận hành hồ đập trong điều kiện mưa lũ lại đang gặp nhiều khó khăn.

Phòng chống thiên tai được triển khai theo phương châm “4 tại chỗ”. (Ảnh minh họa)
Phòng chống thiên tai được triển khai theo phương châm “4 tại chỗ”. (Ảnh minh họa)

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, từ nay đến cuối năm, trên Biển Đông có khoảng 10 - 12 cơn bão hoạt động, trong đó 5 - 6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Đặc biệt, từ tháng 8 trở đi, tần suất xuất hiện áp thấp nhiệt đới, bão sẽ tăng lên và dồn dập nhất là khoảng tháng 9, 10, 11 và nửa đầu tháng 12.

Sau bão sẽ là mưa lớn, kéo theo đó là lũ lụt. Chỉ tính hoàn lưu cơn bão số 2 (suy yếu thành áp thấp nhiệt đới chiều 2/8) đã gây mưa lớn khắp cả nước; trong đó các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị lượng mưa phổ biến 200 - 400mm, khu vực Bắc Bộ đã có lượng mưa phổ biến 50 - 100mm, có nơi trên 200mm. Ngoài ra, ở Bắc Bộ, hoàn lưu sau bão kết hợp với cơn bão Hagupit ở phía Đông đảo Đài Loan nên mưa lớn sẽ kéo dài đến khoảng ngày 8/8.

Đối với Bắc Bộ, khi mưa lũ lớn xảy ra phía thượng nguồn lưu vực sông Hồng. Các hồ đập lớn như: Hòa Bình, Sơn La, Thác Bà, Tuyên Quang có vai trò cốt yếu cho việc cắt lũ ở hạ du. Trong quy trình vận hành liên hồ chứa hiện nay, Ban Chỉ đạo (BCĐ) Trung ương về phòng chống thiên tai (PCTT) là nơi “phát lệnh” có xả lũ hay không khi mưa lớn xảy ra.

Theo ông Trần Quang Hoài, Tổng cục Trưởng Tổng cục PCTT (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - Phó Trưởng BCĐ Trung ương về PCTT, việc xả hay không xả được thực hiện theo trình tự bắt đầu từ dữ liệu của thực tế các trạm đo mưa và số liệu lưu lượng nước về hồ. Từ đó, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia căn cứ các mô hình tính toán, dự báo trong nước và quốc tế để đưa ra những dự báo, cảnh báo gửi tới BCĐ Trung ương về PCTT.

Trạm khí tượng đo lượng mưa là yếu tố đầu vào để có dữ liệu chính xác. (Ảnh minh họa)
Trạm khí tượng đo lượng mưa là yếu tố đầu vào để có dữ liệu chính xác. (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, nguồn dữ liệu đầu vào là các trạm khí tượng đo mưa đang rất thiếu. Tính trên 4 lưu vực hồ lớn của miền Bắc là Sơn La, Hòa Bình, Thác Bà và Tuyên Quang, so với quy chuẩn số trạm khí tượng đo mưa còn thiếu tới 355 trạm. Điều này khiến công tác dự báo và vận hành hồ đập rất khó khăn. Do thiếu số liệu thực tế, nên có thời điểm, BCĐ Trung ương về PCTT phải đưa ra những quyết định chỉ dựa vào kinh nghiệm.

Theo ông Hoài, ngoài thiếu dữ liệu thực tế để có những chỉ đạo kịp thời trong vận hành liên hồ chứa lớn thì, hiện hệ thống đê điều, cống và hồ chứa thủy lợi cũng đã xuống cấp. Thống kê sơ bộ cho thấy, toàn khu vực miền Bắc có khoảng 200 chiếc cống trong tổng số hàng nghìn chiếc cống đã hư hỏng, xuống cấp, có thể bị vỡ bất cứ lúc nào. “Đây là những yết hầu mà khi xảy ra mưa lũ lớn rất dễ dẫn đến sự cố. Và nếu sự cố xảy ra đối với hệ thống đê điều của chúng ta hiện nay thì có thể xem là thảm họa”, ông Hoài khẳng định.

Hiện, để an toàn cho 15 tỉnh, thành Bắc Bộ ở hạ du, tại các điểm xung yếu, các địa phương đã tập kết sẵn vật liệu để “hỏng đâu xử lý đó”. Nhưng có lẽ đây khó có thể là cách làm lâu dài, nhất là khi biến đổi khí hậu đã tạo ra những đợt mưa ngày càng cực đoan, dữ dội.

Tin cùng chuyên mục
Kiên Giang: Cháy hơn 10 ha khu đất mỏ than bùn và Khu bảo tồn loài Sinh cảnh xã Phú Mỹ

Kiên Giang: Cháy hơn 10 ha khu đất mỏ than bùn và Khu bảo tồn loài Sinh cảnh xã Phú Mỹ

Chiều 12/5, ông Nguyễn Thanh Hà - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang cho biết, đám cháy xảy ra tại khu vực đất mỏ than bùn do Nhà nước quản lý, sau đó cháy lan sang Khu bảo tồn Loài sinh cảnh Phú Mỹ làm thiệt hại hơn 10 ha cây rừng tái sinh. Tính đến cuối giờ chiều 12/5, đám cháy đã được khống chế và được các lực lượng chữa cháy tích cực dập tắt phần cháy ngầm, không cho bùng phát trở lại.