Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Bảo tồn ngôn ngữ các DTTS trong xu thế hội nhập

PV - 13:53, 22/05/2018

Khó khăn về tài chính, phương án bảo tồn chưa phù hợp… là những “điểm nghẽn” trong công tác gìn giữ, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc rất ít người. Đặc biệt, đối với tiếng nói, chữ viết của đồng bào các dân tộc rất ít người, việc bảo tồn hiện không theo kịp tốc độ mai một.

Bài 3: Một số dân tộc ít người đánh mất tiếng mẹ đẻ

Từ miền Tây Nghệ An

Bản Văng Môn, huyện Tương Dương (Nghệ An) là nơi tái định cư của 432 nhân khẩu dân tộc Ơ-đu, cộng đồng có dân số ít người nhất trong 53 DTTS của nước ta. Bản được xây dựng khang trang; người dân được hỗ trợ ổn định đời sống.

Tuy nhiên, nếu không phải là người địa phương thì chẳng ai biết Văng Môn là nơi ở của người Ơ-đu mà là một bản làng của dân tộc Thái. Bởi ở đây, nhà cửa được xây dựng na ná nhà sàn của dân tộc Thái; người dân sử dụng tiếng dân tộc Thái để giao tiếp…

Kiến trúc nhà sàn của đồng bào Ơ-đu ở Văng Môn cũng đã bị “Thái hóa”. Kiến trúc nhà sàn của đồng bào Ơ-đu ở Văng Môn cũng đã bị “Thái hóa”.

 

Ông Lo Văn Nghệ là một trong 4 người còn biết nói tiếng Ơ-đu ở bản Văng Môn. Điều làm ông trăn trở là người Ơ-đu hiện không còn giữ được tiếng nói của mình nữa. Vốn từ vựng của người Ơ-đu hầu hết đều vay mượn tiếng dân tộc Thái, hoặc ngôn ngữ phổ thông.

Ngay các danh từ chỉ quan hệ gia đình, gốc rễ sâu nhất của các yếu tố văn hóa của cộng đồng dân tộc thì hiện người Ơ-Đu cũng phải vay mượn tiếng dân tộc Thái. Chẳng hạn như các từ: “ta ka luông dinh” (ông nội), “me ka luông dinh” (bà nội), “ta nai” (ông ngoại), “me gia nai” (bà ngoại), “lung” (bác), “áo” (chú), “ai” (anh), “ơi” (chị)...

Trong nỗ lực bảo tồn, phát triển dân tộc Ơ-đu, từ năm 2007 đến nay, tỉnh Nghệ An đã mở 6 lớp dạy tiếng Ơ-đu cho gần 300 lượt người Ơ-đu. Nhưng kết quả gìn giữ ngôn ngữ cho người Ơ-đu không đi đến đâu.

Chính ông Lô Thanh Nhất, Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương, đã nhìn nhận rằng: Kết thúc mỗi lớp học, chỉ có 30-40% học viên biết nói nhưng không thành thạo, sau một thời gian không sử dụng lại quên hết.

Một kết quả khảo cứu của cố Giáo sư Đặng Nghiêm Vạn (1930-2016), nhà dân tộc học đầu ngành của Việt Nam, cho thấy, ngay cả những bài văn cúng được cho là “cổ” nhất, “Ơ-đu nhất”, cũng đã bị “Thái hóa” trên 70%. Thậm chí, trong bản ghi chép của UBND huyện Tương Dương, được sử dụng làm tài liệu dạy tiếng Ơ-đu cho con em người Ơ-đu trong những năm qua, số lượng từ vay mượn chiếm khá lớn. Khảo sát ngẫu nhiên trong 232 từ được ghi chép lại thì từ vay mượn của tiếng Thái là: 40 từ, tiếng Việt: 28 từ.

Đến miền núi phía Bắc

Cũng như cộng đồng dân tộc Ơ-đu ở Nghệ An, các dân tộc rất ít người khác ở nước ta đã hoặc đang mất tiếng mẹ đẻ của mình. Như người Tu Dí ở Lào Cai (một nhánh địa phương của dân tộc Bố Y), từng có tiếng nói riêng, nhưng theo nghiên cứu của Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh này, người Tu Dí đã đánh mất tiếng mẹ đẻ của mình cách đây 50 năm.

Các dân tộc ở khu vực Tây Bắc như: Kháng, La Ha, Xinh Mun… chủ yếu sử dụng ngôn ngữ Thái. Đáng chú ý, việc không còn dùng tiếng mẹ đẻ không chỉ xảy ra trong giao tiếp mà ngay trong các bài hát dân ca của người Kháng, người Xinh Mun, tiếng Thái cũng chiếm 70-80%.

Việc tiếng mẹ đẻ của các dân tộc rất ít người bị “thất truyền” không phải bây giờ mới được nhắc đến mà đã được các nhà khoa học cảnh báo từ hàng chục năm trước. Với người Ơ-đu ở Nghệ An, trong khoảng thời gian 1986-1987, cố Giáo sư Đặng Nghiêm Vạn đã dành nhiều tháng trời nghiên cứu, sưu tầm. Tại thời điểm đó, kết quả nghiên cứu của ông cho thấy, người Ơ-đu không còn giữ được tiếng nói của dân tộc mình.

Kể từ thời điểm cố Giáo sư Đặng Nghiêm Vạn thực hiện sưu tầm ngôn ngữ người Ơ-đu đến nay đã hơn 30 năm; nhưng việc gìn giữ, bảo tồn tiếng nói cho cộng đồng dân tộc có dân số ít nhất trong 53 DTTS của nước ta chẳng có mấy tiến triển; thậm chí là bảo tồn trong vô vọng bởi tiếng nói của người Ơ-đu gần như đã không còn.

Bảo tồn bằng cách nào?

Không phải các cấp ngành, chính quyền các địa phương liên quan không nỗ lực trong công tác bảo tồn. Xét cho cùng, dù rất nỗ lực, tâm huyết nhưng một phần do nguồn lực dành cho bảo tồn ngôn ngữ chưa thỏa đáng, phần nữa do phương án thực hiện chưa phù hợp nên lâm vào tình cảnh bảo tồn cũng như không.

Ở Nghệ An, từ năm 2007, một kế hoạch bảo tồn, phát triển dân tộc Ơ-đu cũng được gấp rút thực hiện, trong đó có bảo tồn tiếng nói. Nhưng hơn 10 năm, chính quyền địa phương chỉ mở được 6 lớp dạy tiếng Ơ-đu theo hình thức truyền khẩu. Kết quả bảo tồn tiếng nói người Ơ-đu thì không phải bàn thêm.

Vậy chẳng lẽ để đồng bào Ơ-đu mất hẳn tiếng mẹ đẻ của mình? Theo kết quả khảo sát của Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An, hiện vẫn còn một bộ phận khoảng 2 vạn người Ơ-đu sinh sống ở đất bạn Lào; trong đó tập trung chủ yếu ở bản Khạp, huyện Mường Khun, tỉnh Xiêng Khoảng.

Người Ơ-đu ở bản Khạp vẫn còn giữ được trang phục truyền thống của họ, và ngôn ngữ Ơ-đu vẫn được lưu truyền với vốn từ khá phong phú. Đây là một tín hiệu khả quan trong công tác bảo tồn văn hóa truyền thống người Ơ-đu nếu chúng ta tăng cường đưa bà con Ơ-đu ở Nghệ An sang giao lưu, học hỏi; đồng thời các nhà khoa học đẩy mạnh nghiên cứu, sưu tầm các nét văn hóa đặc trưng, trong đó có ngôn ngữ.

Hay với các dân tộc rất ít người khác cũng vậy. Theo khảo sát, trong cộng đồng các dân tộc rất ít người hiện vẫn còn một số người vẫn biết tiếng nói, thậm chí cả chữ viết của dân tộc mình. Tuy nhiên, họ đều đã cao tuổi. Do vậy, các cấp, ngành, địa phương liên quan cần gấp rút bảo tồn.

Để thực hiện điều này chắc chắn cần một chiến lược dài hơi cũng như nguồn kinh phí không hề nhỏ. Nhưng phải xác định, ngôn ngữ, văn hóa dân tộc rất ít người là một tài nguyên, một bảo tàng sống; dù đó chỉ là thiểu số thì cũng đừng để mất.

SỸ HÀO

Tin cùng chuyên mục
Đồng bào Lô lô ở Cốc Xả đã có nước sạch

Đồng bào Lô lô ở Cốc Xả đã có nước sạch

Không còn phải vất vả đi chở từng can nước ở dưới khe, dưới mó cách xa nhà hàng cây số, các hộ đồng bào Lô Lô ở xóm Cốc Xả, xã Hồng Trị, huyện Bảo Lạc (Cao Bằng) mừng vui đón nguồn nước từ công trình nước tập trung được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719) ngay tại xóm.