Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thể thao - Giải trí

Bảo vệ bản quyền tác giả âm nhạc trên môi trường số

PV - 14:44, 12/11/2021

Tình trạng vi phạm bản quyền nghệ thuật nói chung, vi phạm bản quyền âm nhạc nói riêng trên môi trường số đang không ngừng gia tăng đã ảnh hưởng tới uy tín, quyền lợi của nhiều nghệ sĩ, gây bức xúc trong dư luận. Vấn đề này đang đòi hỏi các cơ quan chức năng sớm có biện pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm minh.

Bìa đĩa CD có bản ghi Giấc mơ trưa do Thùy Anh biểu diễn
Bìa đĩa CD có bản ghi Giấc mơ trưa do Thùy Anh biểu diễn

Mới đây, sự việc nhạc sĩ Giáng Son bị khiếu nại vi phạm bản quyền đối với tác phẩm do chính mình sáng tác khiến dư luận hết sức bất ngờ. Trong kiến nghị gửi Trung tâm Bảo vệ bản Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC), nhạc sĩ Giáng Son cho biết: ngày 25/9/2021 chị thành lập kênh YouTube mang tên “Giáng Sol Official” để chia sẻ tác phẩm của mình với khán giả yêu nhạc. Tại đó, nhạc sĩ đưa bản “Giấc mơ trưa” được phối khí riêng với giọng ca Khánh Linh trong album “Giáng Son” sản xuất và phát hành lần đầu năm 2007. Với album này, chị có bản quyền về quyền tác giả, phối khí, thu âm. Tuy nhiên vài ngày sau, chị nhận được thông báo khiếu nại từ BH Media “thay mặt Hồ Gươm Audio Video là chủ sở hữu bản quyền” trong khi chị hoàn toàn không ký bản quyền với đơn vị này.

Vậy có hay không sự “hiểu lầm” của nhạc sĩ Giáng Son như BH Media nêu ra tại cuộc họp báo “Bản quyền âm nhạc trên môi trường số” tổ chức ngày 27/10 ở Hà Nội? Công ty này lý giải: Nhạc sĩ Giáng Son đã hiểu lầm về bản quyền trên YouTube, bởi bản ghi “Giấc mơ trưa” của Giáng Son tải lên giống với bản ghi “Giấc mơ trưa” của nghệ sĩ Dương Thùy Anh tải lên trước đó. Và trong quá trình thực hiện cơ chế quét bản quyền tự động YouTube đã so sánh, đối chiếu, rồi gửi “thông báo xác nhận bản quyền” tới nhạc sĩ Giáng Son. Mục đích của thông báo để giúp chủ sở hữu bản ghi đối soát bản quyền, không ảnh hưởng đến quyền đăng tải bản ghi của nhạc sĩ Giáng Son.

Tuy nhiên giải thích này gây khó hiểu với nhiều người. Vì nhạc sĩ đương nhiên có bản quyền với tác phẩm âm nhạc của mình, có quyền đăng tải tác phẩm do mình thực hiện lên mạng xã hội, trừ khi đã sang nhượng bản quyền cho đối tác. Và các sản phẩm, phiên bản khai thác từ sáng tác của nhạc sĩ nếu đăng tải trên môi trường số cũng như các phương tiện thông tin khác đều phải có sự đồng ý của chính nhạc sĩ. Thế nhưng, qua những gì đang diễn ra thì không như vậy? Sau khi sự việc được báo chí ghi nhận, phản ánh, BH Media đã gỡ bỏ xác nhận chủ sở hữu với sản phẩm âm nhạc này, nhưng có tính chất “chữa cháy”, chưa giúp giải quyết tận gốc vấn đề. Sự ồn ào chưa kịp lắng xuống thì đầu tháng 11 vừa qua, gia đình cố nhạc sĩ Văn Cao tiếp tục lên tiếng về bản quyền của tác phẩm “Tiến quân ca” đang bị hiểu sai, khai thác chưa đúng.

Các sự việc trên đây không phải là cá biệt. Thực tế thời gian qua, nhiều nhạc sĩ rất phẫn nộ khi phát hiện “đứa con tinh thần” của mình bị sử dụng, khai thác trái phép trên môi trường số. Như nhạc sĩ Lã Văn Cường có trên 30 tác phẩm âm nhạc do ông sáng tác, trực tiếp hòa âm, phối khí ghi âm, ghi hình đã bị một số tổ chức, cá nhân tùy tiện đưa lên mạng mà không hề xin phép, dẫn đến một số tác phẩm ghi sai tên tác giả, thậm chí cung cấp thông tin tác giả… đã qua đời! Đến khi chính nhạc sĩ thiết lập kênh riêng và đưa tác phẩm của mình lên mạng thì lập tức bị đánh dấu vi phạm bản quyền!

 Tương tự là nhạc sĩ Ngọc Khuê cũng có tới 37 video trong tổng số 269 video trên trang của ông bị đánh dấu vi phạm bản quyền cũng với lý do tương tự. Bị coi là người vi phạm bản quyền tác phẩm của chính mình, nhạc sĩ Minh Châu cho biết ông cảm thấy bị xúc phạm, đồng thời cho rằng đây là sự lạm dụng kẽ hở luật pháp, dẫn đến tình trạng ai cũng có thể “nhận vơ” tác phẩm của người khác. Nếu các tác giả không lên tiếng, yêu cầu đơn vị vi phạm gỡ cảnh báo, người xem sẽ mặc nhiên coi đó là sản phẩm thuộc quyền của đơn vị đang khai thác trái phép. 

Tuy nhiên không phải nhạc sĩ nào cũng phát hiện được hành vi xâm phạm bản quyền với tác phẩm của mình, nhất là nghệ sĩ lớn tuổi, ít cập nhật mạng xã hội, ít sử dụng các tiện ích trên môi trường số. Ngay cả khi phát hiện sai phạm, không phải ai cũng chọn cách lên tiếng, báo cáo với cơ quan có thẩm quyền, phần vì mất thời gian, phiền hà và mệt mỏi, phần vì không biết tìm địa chỉ tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm để khiếu nại, bởi nhiều địa chỉ được đăng ký trên mạng không có thật, hoặc ở nước ngoài.

Tình trạng cho thấy vấn nạn xâm phạm bản quyền âm nhạc trên môi trường số đang diễn ra theo xu hướng ngày càng gia tăng, dưới nhiều chiêu thức tinh vi, gây bức xúc với người làm nghề, cũng như người yêu âm nhạc. Không ít tổ chức, cá nhân nhập nhèm về bản quyền, đánh tráo khái niệm bản quyền, quyền “bản ghi” đối với tác phẩm âm nhạc. Một số đối tượng còn lợi dụng sự thật thà, cả tin, ít am hiểu công nghệ, thiếu cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật của một số nghệ sĩ để đưa ra điều khoản bất lợi cho nghệ sĩ, chiếm quyền kiểm soát của tác giả trên nền tảng số; chỉ mua hoặc được ủy quyền khai thác hợp pháp một số bản ghi âm, nhưng sau đó lại nhập nhèm về quyền đối với tất cả các bản ghi âm đã đăng ký với YouTube để hưởng lợi bất chính... Điều đó không chỉ trực tiếp làm tổn hại cá nhân nghệ sĩ, mà khiến thị trường âm nhạc trở nên hỗn loạn, bát nháo.

Theo Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi (năm 2019), tại khoản 1, Điều 3 về Đối tượng quyền sở hữu trí tuệ đã xác định: “Đối tượng quyền tác giả bao gồm tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học; đối tượng quyền liên quan đến quyền tác giả bao gồm cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa”. Điều 4 của Luật cũng giải thích rất rõ quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu; quyền liên quan đến quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa. 

Đáng chú ý, Luật cũng xác định tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình đã công bố là tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình đã được phát hành với sự đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan để phổ biến đến công chúng với một số lượng bản sao hợp lý. Như vậy việc một tổ chức, cá nhân thực hiện bản ghi âm, ghi hình đối với một ca khúc nào đó và phát hành rộng rãi đến công chúng cũng cần phải có sự đồng ý của tác giả, trừ những trường hợp có quy định khác.

Mặc dù Luật đã quy định rất chi tiết và cụ thể, song thời gian qua, một số tổ chức, cá nhân đã sử dụng lại các bản ghi âm, ghi hình đã phát sóng, hoặc tổ chức sản xuất các bản ghi không có sự đồng ý của tác giả, rồi đăng ký quyền sở hữu qua hệ thống Content ID - được ví như “vân tay kỹ thuật số” giúp xác định, quản lý nội dung có bản quyền trên YouTube. Đây rõ ràng là hành vi xâm phạm thô bạo quyền tác giả, vi phạm các quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ. Bằng cách làm này, một số đối tượng mặc nhiên khai thác, hưởng lợi trái phép từ tác phẩm âm nhạc trên môi trường số. Được biết có doanh nghiệp không chỉ khai thác sản phẩm âm nhạc trên YouTube mà còn tạo ra một “hệ sinh thái” trên môi trường mạng với các trang fanpage, trang nghe nhạc trực tuyến, thường xuyên đăng tải các video âm nhạc, sân khấu,… từ nhiều nguồn khác nhau, rồi “đóng dấu bản quyền”, đã thu hút hàng triệu người đăng ký, theo dõi. 

Dễ thấy sau đó là các khoản lợi nhuận hấp dẫn từ quảng cáo, chưa kể có trang buộc người xem phải đăng ký thành viên, nộp phí mới có quyền đăng nhập. Như năm 2020, Công ty cổ phần Vie Channel đã nộp đơn khởi kiện Công ty Spotify AB (Spotify AB, trụ sở tại Thụy Điển) đến Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh vì sử dụng nhiều bản ghi âm được cắt ra từ chương trình Rap Việt mà các tài khoản đăng ký miễn phí và tài khoản có thu phí của ứng dụng này đều có thể nghe được. Số tiền Vie Channel yêu cầu Spotify AB phải bồi thường thiệt hại hơn 9,5 tỷ đồng.

Cùng với sự phát triển của các nền tảng mạng xã hội, các sản phẩm âm nhạc có thêm cơ hội thông qua môi trường số đến với công chúng yêu nhạc. Tuy nhiên, để có môi trường số phát triển lành mạnh, quyền tác giả cần được tôn trọng và bảo vệ. Theo đó về phía tác giả cần có cơ chế tự bảo vệ mình bằng việc thường xuyên cập nhật các quy định pháp luật liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, thận trọng, tỉnh táo khi ký kết hợp đồng, chọn và hợp tác với đơn vị có uy tín, khi phát hiện dấu hiệu sai phạm cần kịp thời báo cáo cơ quan chức năng để giải quyết. 

Về phía cơ quan chức năng, cũng như hội nghề nghiệp, cần có thêm nhiều hoạt động tư vấn, hỗ trợ, đào tạo giúp nâng cao nhận thức về quyền tác giả đối với tổ chức, cá nhân hoạt động nghệ thuật, trong đó có âm nhạc, đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát trên môi trường internet, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm mọi vi phạm.

 Về phía cộng đồng, cần phát huy ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm, chỉ sử dụng các dịch vụ âm nhạc có bản quyền, nếu phát hiện hành vi vi phạm cần kịp thời cảnh báo tới cộng đồng cũng như cơ quan chức năng. Đồng thời các dịch vụ cung cấp nền tảng mạng xã hội cần phải xác định rõ ràng về trách nhiệm với bản quyền tác giả, thông qua việc xác lập, đánh giá bản quyền với một sản phẩm âm nhạc đã được đăng tải, tránh nhầm lẫn, sai sót gây bức xúc dư luận.

Chỉ khi có hợp tác thiện chí giữa các tổ chức, cá nhân, ban, ngành liên quan và công chúng yêu nghệ thuật, vấn nạn vi phạm bản quyền tác giả, nhất là bản quyền trên môi trường số mới từng bước được ngăn chặn, đẩy lùi, góp phần tạo môi trường văn minh, lành mạnh cho hoạt động nghệ thuật. Nghiêm túc tổ chức, quản lý vấn đề bản quyền cũng là yếu tố quan trọng góp phần thực hiện thành công Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 8/9/2016, nâng cao uy tín của Việt Nam trong bảo vệ bản quyền theo các hiệp định, điều ước quốc tế đã ký kết.

Tin cùng chuyên mục
Hơn 13 nghìn vận động viên tham gia Giải Marathon Quốc tế Di sản Hạ Long năm 2024

Hơn 13 nghìn vận động viên tham gia Giải Marathon Quốc tế Di sản Hạ Long năm 2024

Chiều ngày 16/11, tại TP. Hạ Long (Quảng Ninh) đã diễn ra Lễ khai mạc Giải Marathon Quốc tế Di Sản Hạ Long 2024. Hơn 13 nghìn vận động viên (VĐV), trong đó có hơn 1 nghìn 3 trăm VĐV quốc tế đến từ 55 quốc gia đã sẵn sàng tham gia giải chạy vào ngày 03/11/2024. Đây là mùa giải thứ 10 kể từ khi Giải Marathon Quốc tế Di Sản Hạ Long được tổ chức tại Việt Nam.