Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thời sự

Bảo vệ chặt chẽ hơn nữa quyền lợi của người sử dụng dịch vụ viễn thông

Hoàng Quý - 20:40, 25/10/2023

Chiều 25/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XV, trong phiên thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi), các Đại biểu Quốc hội đã đưa ra nhiều ý kiến xác đáng để hoàn thiện dự thảo luật, như: Phạm vi điều chỉnh, giải thích từ ngữ, tính thống nhất với hệ thống pháp luật…

Đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc)
Đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc)

Đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc): Quy định một số chính sách có tính nguyên tắc để thu hút đầu tư phát triển hạ tầng vào khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn

Phát biểu tại phiên thảo luận, ĐB cơ bản tán thành với báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý và dự thảo luật. ĐB đề nghị bổ sung thêm giải thích từ ngữ đối với “dịch vụ viễn thông công ích”, "giấy phép viễn thông”…

Cho ý kiến về chính sách của Nhà nước về viễn thông, ĐB Trần Văn Tiến cho rằng nên quy định một số chính sách có tính nguyên tắc để thu hút đầu tư phát triển hạ tầng vào khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, bởi đây là những vùng có địa hình phức tạp, dân cư thưa thớt, đầu tư tốn kém, người sử dụng dịch vụ hạn chế, khó hoàn trả vốn. Do đó, đầu tư cần có chính sách ưu đãi đặc biệt để thu hút đầu tư. Trong khi đó, quy định như dự thảo quá chung không rõ các chính sách ưu đãi của Nhà nước nên rất khó thu hút đầu tư.

Về bảo đảm bí mật thông tin, ĐB Trần Văn Tiến cho rằng Khoản 1 Điều 6 dự thảo Luật quy định “tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động viễn thông có trách nhiệm bảo vệ bí mật nhà nước” là chưa bảo đảm, bởi các thông tin bí mật nhà nước chỉ có chủ sở hữu thông tin mới có mới là người có trách nhiệm bảo vệ bí mật nhà nước. Do vậy, nên quy định trách nhiệm của chủ sở hữu thông tin về bảo vệ bí mật của Nhà nước.

Về quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp viễn thông, ĐB Trần Văn Tiến cho rằng nội hàm của điều luật cần được tách thành 3 khoản về quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ.

ĐB đề nghị làm rõ đối với trường hợp tổ chức khi đủ điều kiện theo quy định có được tham gia đấu giá thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện hay không?

Về thẩm quyền cấp giấy phép viễn thông, ĐB Trần Văn Tiến cho biết nội dung này chưa được quy định trong dự thảo, mà giao cho Chính phủ quy định chi tiết. ĐB đề nghị bổ sung một điều hoặc quy định bổ sung một số khoản và các Điều 33, 39, 40 về thẩm quyền cấp, gia hạn, cấp lại, sửa đổi, bổ sung thu hồi giấy phép viễn thông; đồng thời không cần giao cho Chính phủ nhằm tăng tính minh bạch cho dự thảo Luật.

Ngoài ra, ĐB cũng cho ý kiến về nội dung sử dụng đất cho các công trình viễn thông, về thiết kế, xây dựng, lắp đặt công trình viễn thông, về hợp tác quốc tế, về tính công khai, minh bạch của dự thảo Luật.

Đại biểu Trần Kim Yến (Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh)
Đại biểu Trần Kim Yến (Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh)

Đại biểu Trần Kim Yến (Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh): Bảo vệ chặt chẽ hơn nữa quyền lợi của người sử dụng dịch vụ viễn thông

Đánh giá dự thảo Luật Viễn thông đã được chỉnh lý, sửa đổi, bổ sung tương đối đầy đủ, đại biểu cho rằng, để bảo vệ quyền lợi của người sử dụng dịch vụ viễn thông, dự thảo luật đã nêu quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia giao dịch, tuy nhiên, trong thực tiễn, người sử dụng dịch vụ thường bị thiệt thòi, nhưng các quy định bảo vệ người sử dụng dịch vụ trong dự thảo luật còn chưa rõ ràng, ĐB đề nghị bổ sung Điều 4 của dự thảo luật việc phát hiện, xử lý kịp thời những sai phạm trong lĩnh vực viễn thông để có thể bảo vệ quyền lợi của người sử dụng dịch vụ.

Tại Điều 33 về giấy phép viễn thông có nêu các mốc thời gian cấp phép, ĐB cho biết, đầu tư vào lĩnh vực viễn thông cần có nguồn kinh phí lớn, vì vậy thời hạn giấy phép cần được nghiên cứu hợp lý để doanh nghiệp yên tâm đầu tư trang thiết bị hiện đại, tương thích với thời gian sử dụng của thiết bị.

Ngoài ra, về điều kiện viễn thông khi tham gia đấu giá, thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, ĐB đề nghị xác định tần số vô tuyến điện là tài sản được đấu giá để bảo đảm thống nhất với các quy định của pháp luật về đấu giá, tần số vô tuyến điện.

Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông)
Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông)

Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông): Rà soát các nội dung bảo đảm đồng bộ với hệ thống pháp luật và phù hợp với các điều ước quốc tế

Phát biểu ý kiến về dự thảo Luật Viễn Thông (sửa đổi) tại phiên họp, ĐB Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông đánh giá cao cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, các cơ quan có liên quan đã tích cực phối hợp, tiếp thu, chỉnh lý các ý kiến góp ý của ĐBQH tại Kỳ họp thứ 5 và Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách đối với dự án Luật này…

Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, ĐB Dương Khắc Mai đề nghị cơ quan trình và các cơ quan có liên quan tiếp tục rà soát, nghiên cứu các nội dung của dự án Luật này để đảm bảo tính phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đang là thành viên; đồng thời bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, tránh chồng chéo với các dự án luật liên quan, nhất là các Luật về quản lý, sử dụng tài sản công, đấu giá tài sản… Đặc biệt là các dự án Luật sẽ được thông qua tại Kỳ họp thứ 6 này.

Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy định chuyển tiếp; đồng thời rà soát bảo đảm việc lắp đặt các công trình viễn thông trên trụ sở công phải bảo đảm an toàn, an ninh cho cơ quan, tổ chức quản lý trụ sở, tài sản công. Việc lắp đặt các trạm thu phát sóng phải an toàn và bảo đảm sức khỏe sinh hoạt cho người dân xung quanh, không làm ảnh hưởng đến hoạt động, thiết bị, cơ sở vật chất của các cơ quan nhà nước, đơn vị, người dân…