Cách làm ở một huyện vùng cao
Ông Nông Văn Thản, một trong số những hộ dân có đàn lợn bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi tại thị trấn Na Hang, tỉnh Tuyên Quang cho biết: Gia đình ông có 12 con lợn bị dịch phải tiêu hủy, lúc đầu chỉ có 3 con có biểu hiện mắc bệnh dịch, tôi đã kịp thời thông báo cho lực lượng thú y lấy mẫu xét nghiệm và tiêu hủy. Do được tuyên truyền từ trước về tính chất nguy hiểm của dịch và tường tận chính sách hỗ trợ của chính quyền địa phương nên tôi và nhiều người chăn nuôi ở đây không vứt xác lợn ra môi trường…
Theo ông Chẩu Trung Kiên, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang cho biết: “Ngay từ khi phát hiện ổ dịch đầu tiên trên địa bàn vào tháng 6/2019, UBND huyện đã tiến hành tiêu hủy theo đúng văn bản hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), mọi trường hợp tiêu hủy đều do lực lượng thú y trực tiếp tiến hành. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng tại huyện Na Hang còn tẩm xăng, hoặc dùng củi để đốt, sau đó tiếp tục thực hiện khử trùng lần 2 và tiến hành chôn lấp. Qua đó tỷ lệ kiểm soát nguồn bệnh dịch được tăng cao và đảm bảo tiêu chí về môi trường trong tiêu hủy lợn”.
Hạn chế “bắc cầu” cho dịch tiếp diễn
Theo đánh giá của chính quyền các địa phương đã công bố dịch thì, khó khăn lớn nhất hiện nay là việc tìm kiếm, lựa chọn địa điểm tiêu hủy. Nhiều hộ chăn nuôi lớn đã phải đào hố chôn ngay trong vườn, trang trại của gia đình, dù đảm bảo quy định cách tối thiểu với khu chăn nuôi và nhà ở từ 30m trở lên, nhưng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, đặc biệt là tái đàn về sau. Nếu như chỉ tiêu hủy số lợn đã chết như hiện nay thì nhiều địa phương không có đủ địa điểm và lực lượng để tổ chức tiêu hủy. Đó là chưa tính đến kinh phí để thuê máy đào, múc đất và chôn lấp.
Bên cạnh đó, tại một số tỉnh vẫn tồn tại một bộ phận người dân ý thức kém đã tự ý vận chuyển lợn chết, vứt bừa bãi, không thực hiện tiêu hủy theo quy trình được Bộ TN&MT hướng dẫn. Tại xã Đông Kinh, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, là địa phương có nhiều hộ chăn nuôi lợn quy mô lớn, chiếm khoảng 80% hộ dân trên địa bàn, tổng đàn lợn lên đến 6.700 con và đã có gần 3.000 con mắc bệnh phải tiêu hủy. Mặc dù chính quyền địa phương đã tiến hành tiêu hủy lợn mắc bệnh tại hai bãi rác Kinh Hậu và Hà Khê, nhưng sau khi tiêu hủy, nhiều hộ dân có lợn chết đã cho lợn vào bao tải, tự ý vận chuyển bằng xe máy, vứt lộ thiên ngay tại điểm tập kết tiêu hủy, có khi còn ngay trên tuyến đường liên thôn, xã.
Theo hướng dẫn của Bộ TN&MT về việc tăng cường bảo vệ môi trường trong phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, việc chôn lấp lợn dịch phải được thực hiện tại khu vực có quy hoạch. Khoảng cách từ khu chôn lấp tới nguồn nước (nguồn nước phục vụ cho tưới tiêu nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản) phải từ 30m trở lên; các trạm cung cấp nước theo công suất tối thiểu phải đáp ứng đủ khoảng cách từ 100-500m; đường giao thông liên xã, liên tỉnh từ 500-1.000m; việc vận chuyển xác lợn, lợn dịch phải là xe có sàn kín, không được để rơi vãi chất thải trên đường vận chuyển…
Cho đến nay số lợn bệnh phải tiêu hủy đã lên tới khoảng 3 triệu con, tổng số đàn lợn của cả nước ở thời điểm tháng 6/2019 ước giảm 10,3% so với cùng thời điểm năm 2018. Dịch tả lợn châu Phi vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, nhất là trong thời kỳ cả nước đang bước vào mùa mưa bão. Nhằm kiểm soát tốt vùng dịch, sớm ngăn ngừa và dập tắt dịch trong thời gian tới, người dân cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định hướng dẫn của Bộ TN&MT về tiêu hủy lợn, thông báo cho lực lượng chức năng khi phát hiện ổ dịch để góp phần dập tắt dịch tả lợn châu Phi trên cả nước.
Dịch tả lợn châu Phi vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, nhất là trong thời kỳ cả nước đang bước vào mùa mưa bão. Nhằm kiểm soát tốt vùng dịch, sớm ngăn ngừa và dập tắt dịch trong thời gian tới, người dân cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định hướng dẫn của Bộ TN&MT về tiêu hủy lợn, thông báo cho lực lượng chức năng khi phát hiện ổ dịch để góp phần dập tắt dịch tả lợn châu Phi trên cả nước.
HIỆP PHƯƠNG