Ðể giảm tác động của quá trình tắt sóng 2G tới người dân, Bộ Thông tin và Truyền thông và các doanh nghiệp viễn thông đang thực hiện nhiều giải pháp bảo vệ quyền lợi người dùng như truyền thông tới từng thuê bao hay hỗ trợ thiết bị đầu cuối mới cho người yếu thế, người già, người có thu nhập thấp,…
Bảo đảm tắt sóng 2G từ ngày 16/9
Công nghệ 2G đã 30 năm tuổi, và 3G gần 20 năm tuổi, đã lỗi thời. Với xu hướng trên thế giới cũng như thực tế triển khai dịch vụ viễn thông tại Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông đã lên kế hoạch dừng cả hai công nghệ 2G và 3G. Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Phong Nhã cho biết: Việc dừng công nghệ 2G sẽ theo hai pha: Pha 1 vào tháng 9/2024 sẽ dừng phục vụ thuê bao 2G Only; pha 2 vào tháng 9/2026 sẽ dừng hẳn hệ thống 2G. Việc dừng hoàn toàn công nghệ 3G sẽ được thực hiện vào tháng 9/2028.
Trên thực tế, tắt sóng 2G là chủ trương lớn của Bộ Thông tin và Truyền thông đã được định hướng từ năm 2019. Hưởng ứng chính sách này, các nhà mạng đã và đang triển khai nhiều biện pháp cụ thể để “đẩy” thuê bao 2G lên 4G trước hạn ngày 16/9.
“VinaPhone cũng đã giao nhiệm vụ cho cán bộ ở từng địa bàn phải hỗ trợ quá trình chuyển đổi của người dân, khuyến cáo khách hàng chuẩn bị tâm lý cũng như kinh phí nâng cấp thiết bị đầu cuối. Nhà mạng sẽ hỗ trợ khách hàng các thiết bị giá rẻ, ưu đãi về gói cước, nhưng rất khó lo hết được cho tất cả mọi người. Do đó, rất mong Bộ Thông tin và Truyền thông có thêm nguồn hỗ trợ từ Quỹ Viễn thông công ích để không khách hàng nào bị bỏ lại phía sau”, đại diện VinaPhone nhấn mạnh.
Là nhà mạng có số lượng thuê bao 2G lớn nhất hiện nay, Phó Tổng Giám đốc Viettel Telecom Nguyễn Trọng Tính cho biết: Viettel đang dồn lực để phủ 4G thay thế hoàn toàn vùng phủ 2G cũ từ ngày 16/9 nhằm bảo đảm chất lượng mạng lưới.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn khoảng 5-6 triệu thuê bao của Viettel cần chuyển đổi và rất nhiều trong số này là đối tượng khó khăn, hộ nghèo, không có khả năng chi trả cho thiết bị đầu cuối mới. Mặc dù Viettel đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ mạnh như giảm giá máy từ 30-50%; truyền thông sâu rộng thông qua Tổ công nghệ số cộng đồng, Người có uy tín trong cộng đồng; tổ chức các đợt bán hàng lưu động đến tận cấp xã…, tuy nhiên, qua tiếp xúc, nhiều người dân đã nắm được thông tin, nhưng vẫn chưa ủng hộ việc chuyển đổi.
MobiFone đã triển khai nhiều giải pháp như phối hợp các chuỗi bán lẻ thiết bị hỗ trợ khách hàng chuyển đổi lên smartphone, feature phone 4G cũng như hỗ trợ gói cước. Hiện 100% người dùng MobiFone đều đã chuyển đổi sử dụng SIM 4G, chỉ cần có thiết bị đầu cuối hỗ trợ 3G, 4G là có thể dùng được luôn, không cần đổi SIM.
Dồn lực hỗ trợ người dân
Theo đánh giá của các chuyên gia, khó khăn chính của người dân khi chuyển đổi từ 2G lên 4G chính là chi phí mua điện thoại mới. Do đó, quá trình tắt sóng 2G ngoài nhiệm vụ của các nhà mạng, còn có vai trò rất quan trọng từ các hệ thống bán lẻ điện thoại.
Giám đốc Phát triển kinh doanh dịch vụ của Thế giới di động Trương Hồng Hoàng cho biết: Ðể chuẩn bị cho việc tắt sóng 2G, doanh nghiệp đã chủ động xây dựng lộ trình, bắt đầu từ việc liên hệ với các hãng bổ sung các dòng máy điện thoại feature phone 4G giá rẻ từ 390.000 đồng-1,5 triệu đồng; phối hợp các nhà mạng lớn như Viettel, MobiFone, VinaPhone triển khai các chương trình ưu đãi người dân nâng cấp thiết bị như thay SIM miễn phí, tặng thêm data.
Với các khách hàng muốn chuyển lên sử dụng smartphone, thường dùng máy ở mức giá 1,9-5 triệu đồng, Thế giới di động sẽ hỗ trợ SIM hoặc data miễn phí, cùng chính sách trả góp, thậm chí không cần trả trước.
Ông Hoàng Ngọc Minh, Giám đốc kinh doanh hệ thống Di động Việt chia sẻ: Doanh nghiệp đã triển khai chương trình ưu đãi lên đến một triệu đồng dành cho khách hàng nâng cấp từ điện thoại từ 2G lên 4G; đồng thời phối hợp MobiFone triển khai hỗ trợ người dân đổi điện thoại thông qua trả góp và tặng SIM 4G. Trong thời gian tới, Di động Việt sẽ tiếp tục đồng hành cùng các nhà bán lẻ, các nhà sản xuất để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người dân.
Thực tế, số thuê bao 2G từ nay đến tháng 9 sẽ giảm dần, tuy nhiên, năng lực cung cấp của thị trường thiết bị đầu cuối có thể sẽ không đáp ứng kịp cho hàng triệu thuê bao cần chuyển đổi cùng lúc, nhất là với các loại điện thoại giá rẻ dưới ba triệu đồng. Theo ông Trương Hồng Hoàng, hiện doanh số của loại điện thoại feature phone 4G vẫn chiếm từ 10-15% trên tổng số hơn 500 nghìn máy Thế giới di động bán ra mỗi tháng, tương đương khoảng 70 nghìn chiếc.
Ðiều này cho thấy xu hướng sử dụng máy điện thoại phím bấm 4G của người dân vẫn còn rất lớn. Trong khi đó, hiện trong nước chỉ còn một số hãng như Nokia, Masstel, iTell và Mobell còn sản xuất feature phone 4G; các hãng như Oppo, Xiaomi đều đã chuyển dịch lên smartphone. Ngoại trừ Nokia, các nhà cung cấp còn lại rất khó có thể đáp ứng được số lượng feature phone 4G lớn trong thời gian ngắn.
Về phần Thế giới di động, hệ thống hằng tháng cũng chỉ cung cấp khoảng 70.000 máy feature phone 4G, nếu yêu cầu số lượng lớn hơn trong khoảng thời gian ngắn thì nhà bán lẻ cũng không thể đáp ứng, do đó, cần lộ trình cụ thể để bảo đảm quá trình chuyển dịch của người dân.
Phó Cục trưởng Nguyễn Phong Nhã nhấn mạnh: Khi người dân còn e ngại việc chuyển đổi lên 4G, nghĩa là truyền thông còn chưa đầy đủ, nhất là với nhóm người yếu thế như người cao tuổi, người sống ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo,… ít có cơ hội tiếp cận thông tin thông suốt. Vì vậy, công tác truyền thông của nhà mạng, cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông cần được tăng cường.
Ông Nhã đề nghị các nhà mạng từ nay đến tháng 9 tiếp tục thực hiện công tác truyền thông mạnh mẽ hơn dưới hình thức đơn giản, dễ hiểu, chú trọng tăng số lượng kênh truyền thông để hỗ trợ, chia sẻ, trao đổi, hướng dẫn người dùng.
Bên cạnh đó, các nhà mạng cần triển khai hạ tầng mạng 4G bảo đảm có vùng phủ thay thế các trạm thu phát vô tuyến 2G đã tắt tại tất cả khu vực thực hiện tắt sóng; duy trì toàn bộ các dịch vụ thường xuyên, không có bất kỳ sự thay đổi nào; chú trọng phát triển hạ tầng tại các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, bảo đảm đến năm 2025 đạt 100% thôn bản đang lõm sóng và đã có điện lưới quốc gia được phủ sóng băng rộng di động 4G.
Các nhà mạng đã có giải pháp, nhưng cũng chưa thể hỗ trợ 100% máy cho người dùng. Vì vậy, với những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, Bộ Thông tin và Truyền thông đã làm việc với các địa phương, đề nghị sử dụng nguồn vốn, nguồn tài trợ hợp pháp trên địa bàn để phối hợp các nhà mạng hỗ trợ người dân.
Việc chuyển sang sử dụng 4G hay smartphone sẽ tạo điều kiện để người dân có được trải nghiệm mới như sử dụng các dịch vụ hành chính công trực tuyến. Ðây là cơ hội để người dân tiếp cận các dịch vụ số, từ đó dần hình thành xã hội số.