Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Môi trường sống

Bếp đa năng của ông Tung

PV - 15:20, 29/10/2018

“Trong những chuyến công tác về miền núi, nhìn thấy những đứa trẻ phải đeo trên vai chiếc gùi chất đầy củi, tôi rất thương và mong muốn sẽ làm được điều gì đó giúp đỡ các em…”. Đó là lời tâm sự của ông Bùi Thế Tung (sinh năm 1954), dân tộc Mường, nguyên là cán bộ công tác tại Ủy ban Dân tộc. Trăn trở đó đã thôi thúc ông sáng chế ra chiếc bếp đun đa năng có thể sử dụng được nhiều chất đốt có sẵn, góp phần cải thiện môi trường, tiết kiệm nhiên liệu đốt cho người dân. Sản phẩm rất tiện ích trong đời sống của đồng bào DTTS và miền núi.

Bếp đa năng của ông Tung Ông Bùi Thế Tung giới thiệu những chiếc bếp đa năng do bản thân ông sáng chế.

Suốt những năm tháng làm việc, những chuyến công tác tại các địa phương vùng DTTS và miền núi như: Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên… đã để lại trong ông Bùi Thế Tung nhiều trăn trở, suy tư. Qua những chuyến đi, ông nhận ra, trong đời sống thường ngày của đồng bào, những phế phẩm nông nghiệp từ lõi ngô, vỏ trấu, mùn cưa, củi vụn... vứt bỏ rất nhiều. Trong khi đó, chúng hoàn toàn có thể dùng làm chất đốt, thay vì việc vào rừng chặt cây, bẻ cành lấy củi.

“Với suy nghĩ, trăn trở đó, khiến tôi đặt ra câu hỏi cần phải có một giải pháp để thay đổi thói quen đun nấu cho đồng bào”, ông Tung chia sẻ.

Năm 2013, trước khi nghỉ chế độ hưu trí một năm, ông Tung bắt đầu nảy ra ý tưởng thiết kế một chiếc bếp đun đa năng có thể sử dụng được nhiều loại chất đốt có sẵn. Sau một thời gian nghiên cứu, năm 2014, ông Tung đã cho ra đời chiếc bếp đun đa năng đầu tiên.

Để đưa vào sử dụng, ban đầu, ông đã tặng 30 chiếc bếp cho 30 hộ gia đình ở xã Tiến Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình dùng thử. Chỉ sau 1 tuần, ông Tung nhận được rất nhiều phản hồi tích cực từ phía bà con, có những ý kiến rất hữu ích giúp ông cải tiến chiếc bếp tiện lợi, hữu ích hơn.

Ban đầu, chiếc bếp đa năng của ông Tung nặng gần 20kg giờ chỉ còn 8kg, đồng thời có thể dùng củi để đun như bếp kiềng 3 chân truyền thống của bà con. Ông Tung cho biết, một trong những ưu điểm lớn nhất của bếp đa năng do ông sáng chế, đó là tiết kiệm được nhiên liệu. Nếu sử dụng lõi ngô, mùn cưa… thì sẽ giúp bà con thuận tiện về nguồn nguyên liệu. Còn nếu dùng than để nấu thì sẽ tiết kiệm được một nửa so với những bếp than khác. (Ví dụ: với 0,6kg than, đun liên tục được 90 phút, xong một bữa cơm thông thường cho 6-8 người và đun sôi 5 lít nước; so với bếp thông thường phải hết 1 đến 1,2kg than).

Chiếc bếp đa năng do ông Bùi Thế Tung sáng chế, có cấu tạo rất đơn giản gồm: vỏ bếp bằng tôn; lớp giữ nhiệt đồng thời tạo buồng đốt; cửa nạp nhiên liệu; cửa hút khí tự nhiên cung cấp ô xi duy trì sự cháy ở buồng đốt, đồng thời là cửa tháo tro. Mỗi chiếc bếp có giá 160 nghìn đồng, phù hợp với điều kiện kinh tế của đồng bào vùng DTTS và miền núi.

Từ những hữu ích của chiếc bếp, hiện nay trên địa bàn xã Lương Sơn đã có hơn 200 gia đình sử dụng bếp đun nấu hàng ngày. Anh Nguyễn Văn Tràng, một trong những gia đình dùng bếp đa năng đầu tiên của ông Tung ở xã Lương Sơn cho biết: “Dùng bếp đun này giúp tiết kiệm nguyên liệu và an toàn, không lo cháy ra ngoài. Từ ngày dùng bếp, lõi ngô, vỏ trấu, củi vụn... không còn bỏ đi, bà con thì đỡ vất vả khi phải lên rừng tìm củi… Bây giờ, hầu như nhà nào cũng đun nấu bằng bếp đa năng, có nhà còn dùng 2 bếp liền”.

Không chỉ phù hợp với điều kiện vùng núi, bếp đa năng của ông Tung còn được nhiều hộ gia đình ở Hà Nội sử dụng hàng ngày thay vì dùng bếp than tổ ong như trước kia. Trong thời gian tới, ông Tung sẽ tiếp tục xây dựng mô hình điểm sử dụng bếp đa năng tại một số hộ dân xã Kim Linh, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang.

HỒNG MINH

Tin cùng chuyên mục