Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bạn của nhà nông

Bí quyết thoát nghèo của anh Thuyên

PV - 11:09, 12/03/2018

Không chấp nhận sống trong cảnh nghèo đói, anh Cao An Thuyên, ở thôn Sảo Phong, xã Phong Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) đã nỗ lực vươn lên. Chịu khó học hỏi, lao động sản xuất nên từ một hộ nghèo của thôn, đến nay gia đình anh đã thoát nghèo vươn lên làm giàu với thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng.

Nhiều hộ gia đình học theo mô hình nuôi thỏ của anh Thuyên cho thu nhập cao. Nhiều hộ gia đình học theo mô hình nuôi thỏ của anh Thuyên cho thu nhập cao.

Sinh ra, lớn lên trong gia đình nghèo ở một địa phương còn nhiều khó khăn, anh Thuyên rất muốn, làm thế nào đó để cuộc sống khá hơn. Sau nhiều ngày trăn trở, anh quyết định vay vốn ngân hàng 100 triệu đồng để đầu tư phát triển chăn nuôi. Tận dụng lợi thế địa hình đồi núi nơi sinh sống, bước đầu, gia đình anh phát triển chăn nuôi thỏ và gà.

“Thời gian đầu, gia đình nuôi thử nghiệm 5 thỏ mẹ được lấy từ Đà Nẵng về để theo dõi quá trình phát triển, xem cách chúng thích ứng với môi trường và thức ăn. Tuy nhiên, do chưa nắm vững kiến thức, kỹ thuật nuôi thỏ nên lứa thỏ đầu bị chết hết”, anh Thuyên chia sẻ.

Thất bại nhưng không nản, anh quyết chí học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình thực tế ở các tỉnh như Huế, Đà Nẵng, tìm hiểu kỹ thuật qua sách báo, qua mạng…; Dần dần, anh đã làm chủ được những kỹ thuật chăn nuôi thỏ.

Theo anh Thuyên, giống thỏ lai rất dễ nuôi, ít dịch bệnh, thức ăn đơn giản chủ yếu là lá cây, bột và lúa; thị trường tiêu thụ sản phẩm của gia đình là các nhà hàng ở thành phố, thị xã... Nhờ tìm kiếm được thị trường tiêu thụ sản phẩm thỏ nên gia đình đã từng bước nhân rộng đàn thỏ từ vài chục lên đến hàng trăm con/lứa nuôi.

Nói về bí quyết làm ăn, anh Thuyên cho rằng, điều quan trọng nhất là ý chí, thất bại không nản mà phải biết đứng dậy để rút kinh nghiệm cho những lần sau. Nuôi thỏ, phải có đam mê và sự tỉ mỉ; có sự đầu tư lớn về chuồng trại và thức ăn. Bởi con thỏ cần không gian thoáng mát, sạch sẽ, thức ăn và nước uống phải đều đặn.

Thỏ lai thường ăn lá. Ngoài ra, chúng còn ăn các thức ăn, như: lúa, bột. Thỏ lai thường bị các bệnh, như: nấm, ghẻ... nên mỗi ngày phải vệ sinh một lần. Thỏ cũng rất dễ bị bệnh bại huyết nên phải thường xuyên khử trùng, cứ 3 tháng lại tiêm vắc-xin một lần. Nếu thực hiện đúng quy trình, kỹ thuật thì tỷ lệ thất bại là rất ít...

Bà Hồ Thị Bích Hà, Chủ tịch UBND xã Phong Hóa cho biết: Anh Cao An Thuyên là một trong những điển hình của địa phương về nghị lực vượt khó vươn lên, xứng đáng để nhiều người học tập và noi theo. Không chỉ chú trọng làm giàu cho bản thân, những năm qua, anh Thuyên luôn tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho bà con địa phương, góp phần làm thay đổi diện mạo làng quê nghèo Sảo Phong và quá trình xây dựng NTM ở Phong Hoá.

MINH THỨ

Tin cùng chuyên mục
Quy trình kỹ thuật trồng hoa dạ yến thảo bền, đẹp đón Tết

Quy trình kỹ thuật trồng hoa dạ yến thảo bền, đẹp đón Tết

Hoa dạ yến thảo còn có tên gọi khác là dạ yến thảo hay yên thảo hoa, dạ yến thảo rũ. Đây là một trong những loại hoa phổ biến và được người tiêu dùng ưa chuộng. Màu sắc của hoa đa dạng, phong phú phù hợp với việc trang trí không gian trong nhà, ban công và sân vườn, đặc biệt trang trí dịp Tết Nguyên đán. Trồng hoa dạ yến thảo cho hiệu quả kinh tế cao nhưng để đạt được năng suất tốt, thì phải biết áp dụng kỹ thuật và cách chăm sóc phù hợp. Sau đây là quy trình kỹ thuật trồng hoa dạ yến thảo mời các bạn tham khảo.