Chùa Tông Kim Quang- Ngôi chùa Khmer duy nhất ở tỉnh Bình DươngTP. Tân Uyên, tỉnh Bình Dương vừa kết hợp khai mạc nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, Liên hoan Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn TP. Tân Uyên lần thứ II, năm 2025. Cùng thời gian này, chùa Tông Kim Quang – Ngôi chùa Khmer duy nhất tại Bình Dương cũng diễn ra nhiều hoạt động ý nghĩa mừng Tết của đồng bào Khmer.
Là tỉnh phát triển năng động, đứng TOP đầu cả nước, Bình Dương thu hút lao động từ khắp các tỉnh, thành cả nước về làm việc, ổn định cuộc sống. Hiện tại Bình Dương có 28 dân tộc thiểu số (DTTS) đang sinh sống làm việc ổn định với 7.600 hộ gia đình, với 24.000 nhân khẩu. 3 nhóm DTTS sống lâu đời và chiếm số đông trong cộng đồng các DTTS tại Bình Dương là người Hoa sống tập trung tại Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An; người Chăm sống tập trung tại ấp Hoà Lộc, xã Minh Hoà, huyện Dầu Tiếng và người Khmer sống tập trung tại xã An Bình, huyện Phú Giáo.
Tuy chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong cơ cấu dân số chung của tỉnh (dân số tỉnh Bình Dương đứng hàng thứ 6 cả nước với 2,7 triệu người), nhưng đồng bào các DTTS luôn được chính quyền, đoàn thể các cấp quan tâm chăm lo bằng các chính sách hiện hành và điều kiện của địa phương.
Tân Uyên là 1 trong 5 thành phố của tỉnh Bình Dương đang trên đà phát triển công nghiệp - dịch vụ - đô thị, có đông người ngoài tỉnh đến sinh sống, làm việc. Riêng đồng bào dân tộc Khmer có khoảng 27.000 người. Trong đó, 13.000 là công nhân lao động làm việc trong các doanh nghiệp có công đoàn cơ sở. Người lao động đồng bào dân tộc Khmer đã tích cực tham gia sản xuất trong các công ty trên địa bàn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
Đồng bào Khmer đón Tết Chôl Chnăm Thmây ở Bình DươngNhân dịp Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây UBND TP. Tân Uyên đã kết hợp khai mạc các hoạt động văn hóa, thể thao chào mừng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam 21/4; Ngày sách và bản quyền thế giới 23/4 và Liên hoan Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn TP. Tân Uyên lần thứ II, năm 2025.
Tại Liên hoan Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây, nhiều hoạt động sôi nổi đã diễn ra như: Hội thi nấu ăn, trưng bày mâm lễ vật, múa dân tộc, biểu diễn trang phục truyền thống và thi các trò chơi dân gian (kéo co, đi cà kheo)... Đây là năm thứ 2 TP. Tân Uyên tổ chức Liên hoan Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của đồng bào dân tộc Khmer.
Thông qua các hoạt động nhằm duy trì nét đẹp văn hóa truyền thống, tạo sân chơi lành mạnh, vui tươi, thiết thực và ý nghĩa cho đồng bào dân tộc Khmer đang sinh sống và làm việc tại Thành phố.
Nhiều hoạt động mừng Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của đồng bào dân tộc Khmer được tổ chức tại chùa Tông Kim QuangCòn tại chùa Tông Kim Quang, xã An Bình, huyện Phú Giáo là ngôi chùa Khmer duy nhất ở Bình Dương, được thành lập năm 2019 cũng diễn ra các nghi lễ quan trọng trong dịp này.
Đại đức Châu Hoài Thái, Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trụ trì chùa Kim Quang cho biết: Ngôi chùa không chỉ đóng vai trò một cơ sở tôn giáo mà còn là “mái nhà chung” - nơi góp phần vun đắp đời sống văn hóa dân tộc, kết nối cộng đồng Khmer xa quê; giúp những bà con Khmer xa xứ có cơ hội tìm về cội nguồn, giữ gìn nét đẹp truyền thống của dân tộc mình.
“Khi rời xa quê hương, trong hành trang của mỗi người Khmer luôn mang theo nỗi nhớ da diết về văn hóa cội nguồn, đặc biệt là hình ảnh thân quen của ngôi chùa - nơi gắn bó mật thiết với đời sống tín ngưỡng và tinh thần suốt bao đời".
Vì vậy Tết Chôl Chnăm Thmây - ngày Tết cổ truyền của đồng bào Khmer, từ lâu đã trở thành một nét văn hóa thiêng liêng, một dịp trọng đại để mỗi người con Khmer hướng về cội nguồn, tri ân tổ tiên và nuôi dưỡng tâm hồn trong sáng, thiện lành giữa nhịp sống hiện đại.
Đón Tết, người dân được tham gia những nghi lễ như tụng kinh, dâng hương, tắm Phật, đắp núi cát…, ẩn chứa triết lý sống sâu sắc: biết ơn quá khứ, sống thiện trong hiện tại và gieo nhân lành cho tương lai.
“Ngày Tết đối với người Khmer không chỉ dừng lại ở những hoạt động văn hóa, mà còn là dịp để nuôi dưỡng tâm hồn, một tâm hồn biết tri ân, biết yêu thương, biết sẻ chia và biết sống tử tế. Đó chính là ánh sáng soi đường cho mỗi người trong cuộc sống hiện đại, giúp giữ vững bản sắc giữa muôn vàn đổi thay”, Sư trụ trì, Đại đức Châu Hoài Thái nói.