Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Bình Liêu (Quảng Ninh): Nỗ lực xóa bỏ các tập quán lạc hậu của người dân

Nghĩa Hiệp - 10:43, 13/12/2019

Bằng sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, thời gian qua, huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) đã thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, cũng như vận động đồng bào dân tộc Dao sinh sống trên địa bàn thay đổi các phong tục tập quán lạc hậu. Đến nay, nhiều hủ tục lạc hậu dần được xóa bỏ, bà con người Dao có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, vươn lên xóa đói giảm nghèo.

Đồng bào dân tộc Dao, huyện Bình Liêu đang đưa giống lúa mới, năng suất cao vào sản xuất
Đồng bào dân tộc Dao, huyện Bình Liêu đang đưa giống lúa mới, năng suất cao vào sản xuất

Dân tộc Dao trên địa bàn huyện Bình Liêu có trên 1.800 hộ (hơn 9.200 khẩu), sinh sống chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện tự nhiên khó khăn. Ông Triệu Đình Sinh, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Bình Liêu, cho biết: “Trước đây, đồng bào dân tộc Dao có nhiều phong tục, hủ tục lạc hậu, như: Kết hôn cận huyết thống, con cái từ khi sinh ra đã do cha mẹ lựa chọn cho lấy nhau; tình trạng tảo hôn; lấy vợ, lấy chồng chỉ trên địa bàn mình sinh sống; trẻ em sinh ra ít được đến trường học; ốm đau mời thầy mo đến cúng chứ không đến trung tâm y tế… Đây là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng kém phát triển trong đồng bào dân tộc Dao”. 

Với mong muốn giúp đồng bào Dao trên địa bàn phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, UBND huyện Bình Liêu đã triển khai đồng loạt các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới, Chương trình 135, giảm nghèo, các chính sách của Nhà nước hỗ trợ tới vùng DTTS. 

Cùng với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhằm xóa bỏ các hủ tục đã ăn sâu bám rễ trong tiềm thức của đồng bào dân tộc Dao, các cấp ủy đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã tích cực tuyên truyền người dân xóa bỏ các tập quán lạc hậu, thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa mới”. UBND huyện cử cán bộ trực tiếp xuống cơ sở nắm địa bàn, cầm tay chỉ việc, từng bước thay đổi nhận thức để bà con tiếp cận với nếp sống mới, xóa dần các tệ nạn và hủ tục lạc hậu.

Ông Hoàng Huy Trọng, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện cho biết: “UBND huyện đã chỉ đạo các bộ phận chuyên môn và các đơn vị liên quan phối hợp trong việc bình xét gia đình văn hóa trong vùng đồng bào dân tộc Dao. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tăng cường phối hợp với các xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nhất là các chương trình đưa thông tin về cơ sở, lồng ghép vào các hương ước, quy ước của các thôn, bản có người Dao sinh sống. Đồng thời, chỉ đạo cán bộ văn hóa các xã phải thường xuyên trực tiếp xuống các thôn, bản để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân và nắm bắt việc thực hiện nếp sống văn hóa mới tại các thôn, bản”. 

Đến nay hệ thống điện, đường, trường, trạm được đầu tư đồng bộ, đồng bào được tiếp cận với thông tin, văn hóa hiện đại, được khám chữa bệnh, con em được đến trường, mọi hủ tục theo đó cũng dần được xóa bỏ. Ông Choỏng Quay Sinh, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Khe O, xã Lục Hồn chia sẻ: “Trước đây, thôn Khe O có 23/36 hộ nghèo, 7 hộ cận nghèo. Đến nay, người dân trong thôn đã loại bỏ các hủ tục, tập trung làm ăn kinh tế, cùng nhau thi đua, học tập theo mô hình văn hóa kiểu mới và từng bước vươn lên thoát nghèo”. 

Tin cùng chuyên mục
Cần tăng thuế thuốc lá để giảm lượng tiêu thụ tại Việt Nam

Cần tăng thuế thuốc lá để giảm lượng tiêu thụ tại Việt Nam

Ngày 21/11, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng chống tác hại thuốc lá cho phóng viên, biên tập viên báo, đài; các cán bộ, công chức, viên chức của Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố.