Dồn nguồn lực để thúc đẩy phát triển
Trao đổi với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, ông Hoàng Ngọc Ngò, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu cho biết, với những khó khăn mang tính đặc thù của một địa phương có đông đồng bào DTTS sinh sống, những năm qua, Bình Liêu luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của tỉnh Quảng Ninh và sự hỗ trợ từ các chương trình, dự án chính sách dân tộc dành cho đồng bào DTTS của Đảng, Nhà nước. Tất cả chính sách dân tộc, đều được huyện xây dựng chương trình hành động và kế hoạch triển khai thực hiện tích cực.
Cùng với đó, Huyện ủy Bình Liêu còn ban hành Nghị quyết chuyên đề về công tác dân tộc. Tỉnh Quảng Ninh và huyện cũng đã dành nguồn lực thỏa đáng cho thực hiện công tác dân tộc và thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về Giảm nghèo bền vững; Chương trình xây dựng NTM- ông Dương Mạnh Cường, Bí thư huyện ủy Bình Liêu cho biết thêm.
Trong đó, 2 Chương trình Mục tiêu quốc gia về Giảm nghèo bền vững và Chương trình xây dựng NTM được huyện dồn nguồn lực, nhằm thực hiện các mục tiêu của 2 chương trình. Đối với công tác xóa nghèo bền vững, huyện ưu tiên dành nguồn lực (cả về vốn và nhân lực) để hoàn thành chương trình 135 trước năm 2020 nhằm đưa các xã, thôn ra khỏi diện ĐBKK.
Từ nguồn lực theo Đề án 196 của tỉnh Quảng Ninh, huyện Bình Liêu đã tập trung cho việc thực hiện Chương trình 135, ưu tiên trước hết hỗ trợ phát triển sản xuất bảo đảm sinh kế của người dân; thứ đến là hỗ trợ đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng các xã, thôn trong diện ĐBKK.
Cụ thể, từ đầu năm 2016 đến nay, Bình Liêu hỗ trợ đầu tư các dự án, với tổng kinh phí là 350.437,79 triệu đồng, bao gồm: hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng với 202 công trình thuộc 6 xã ĐBKK và 1 xã khu vực II-xã biên giới. Huyện cũng ưu tiên nguồn lực hỗ trợ đầu tư 92 dự án phát triển sản xuất và hỗ trợ đào tạo, tập huấn bồi dưỡng nâng cao năng lực cộng đồng, cán bộ các xã ĐBKK, xã biên giới.
Đổi thay rõ nét
Bên cạnh tập trung nguồn lực, Bình Liêu còn thực hiện đồng bộ các giải pháp trong thực hiện chính sách dân tộc phù hợp với từng địa bàn, từng đối tượng.
Theo ông Triệu Đình Sinh, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Bình Liêu, Phòng Dân tộc huyện đã phối hợp với các phòng ban khác tham mưu các giải pháp rất cụ thể. Ví dụ để giảm nghèo, Phòng đã thực hiện rà soát rất kỹ các hộ nghèo và cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều, xem xét kỹ từng hộ thiếu nội dung gì, thiếu hụt về nhà ở, hay phương tiện nghe nhìn, hay thiếu hụt vốn phát triển sản xuất, mua sắm phương tiện..., sau đó phân công nhiệm vụ cho các phòng ban theo chức năng nhiệm vụ để hỗ trợ người dân thực hiện các chương trình thoát nghèo bền vững.
Huyện cũng thành lập các tổ công tác giúp lãnh đạo huyện. Hằng tuần, hằng tháng tổ công tác làm việc với các xã, xem xét tiến độ triển khai của các xã việc thực hiện tiêu chí Chương trình 135, tiêu chí xây dựng NTM, từng tiêu chí thực hiện đến đâu, những tiêu chí nào khó khăn, cần hỗ trợ nguồn lực nào, hỗ trợ đầu tư vào đâu, khâu nào, để hoàn thành Chương trình 135 và đạt yêu cầu của NTM.
Có thể nói việc thực hiện đồng bộ và có hiệu quả chính sách dân tộc đã đem lại thay đổi về mọi mặt kinh tế- xã hội, trong đó rõ nét nhất là công tác giảm nghèo. Cụ thể, tỷ lệ hộ nghèo đầu năm 2016 chiếm 44,31% đã giảm xuống còn 11,35% cuối năm 2018, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đảng bộ huyện đặt ra. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo DTTS là 2.249/3089 hộ.
Đến thời điểm này, toàn bộ hệ thống trục đường từ huyện đến xã, từ xã đến thôn, các đường trục thôn đã được đầu tư thông suốt, các nhà văn hóa cũng đang được đầu tư xây dựng hoàn thiện. Hệ thống trường học, cơ sở y tế đã cơ bản được đầu tư đồng bộ.
Tạo sự lan tỏaChia sẻ về công tác chuẩn bị cũng như những vấn đề trọng tâm của huyện Bình Liêu trong Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ III năm 2019, ông Hoàng Ngọc Ngò, Phó Chủ tịch huyện cho biết: Bình Liêu được tỉnh chọn tổ chức Đại hội điểm. Theo đó, địa phương cũng đã chọn thời gian diễn ra Đại hội vào ngày 21/5, đúng dịp Kỷ niệm 129 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Huyện xác định đây là một sự kiện rất quan trọng trong năm 2019 của Bình Liêu. Đại hội có nhiệm vụ đánh giá lại toàn bộ hoạt động của Đảng bộ, chính quyền, hệ thống chính trị của huyện trong việc thực hiện các chính sách dân tộc trên địa bàn huyện. Ngoài việc đánh giá đúng thực trạng, ghi nhận những thành tựu, Đại hội cũng rút ra những bài học kinh nghiệm triển khai thực hiện mục tiêu nhiệm vụ công tác dân tộc trong giai đoạn tiếp theo.
Đáng chú ý, Bình Liêu là huyện dân tộc miền núi biên giới, nên nhiệm vụ đầu tiên huyện xác định, phải đảm bảo giữ vững an ninh biên giới và trật tự an ninh nội địa. Nhiệm vụ này đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là người dân ý thức làm sao vươn lên làm chủ trên vùng đất quê hương mình đang sống, tham gia tích cực vào chương trình bảo vệ biên giới, trật tự an toàn xã hội. Do đó, huyện tiếp tục tập trung nâng cao nhận thức của đồng bào dân tộc về vị trí, vai trò, trách nhiệm của mình, tạo phên dậu vững chắc cho Tổ quốc.
Năm 2019, Bình Liêu cũng quyết tâm đưa các xã hoàn thành Chương trình 135, ra khỏi diện ĐBKK, nhưng đời sống của người dân trong huyện so với mặt bằng chung vẫn thấp. Do đó, phải quyết liệt tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, nhất là vùng vừa thoát khỏi diện ĐBKK.
“Đại hội Đại biểu DTTS lần III sẽ tập trung thảo luận xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết thống nhất trong đồng bào dân tộc của Bình Liêu. Đại hội cũng là dịp để khẳng định và ghi nhận công lao đóng góp to lớn của đồng bào các DTTS trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, xây dựng NTM, thực hiện chính sách dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc; tôn vinh và biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong đồng bào các DTTS huyện Bình Liêu”, Bí thư Huyện ủy Dương Mạnh Cường nhấn mạnh.
XUÂN PHÚ