Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tin tức

Bộ trưởng Bộ Y tế: Mục tiêu bảo đảm Tết an lành cho người dân

PV - 11:08, 06/01/2021

"Bảo vệ cho nhân dân được hưởng một cái Tết bình an", "Để cuộc sống trở lại cuộc sống bình thường, bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người dân" là mục đích trước mắt và lâu dài, cấp bách và trường kỳ trong năm 2021 của ngành y tế.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long báo cáo kết quả hoạt động của ngành năm 2020.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long báo cáo kết quả hoạt động của ngành năm 2020.

Đây là quyết tâm của ngành y tế được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh tại Hội nghị Y tế toàn quốc do Bộ Y tế tổ chức ngày 6/1.

Việt Nam là điểm sáng trong phòng, chống Covid-19

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, với những thành quả trong công tác phòng, chống dịch gần một năm qua, Việt Nam là điểm sáng phòng chống Covid-19 thành công. Thành quả này là sự nỗ lực cố gắng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân và được sự chỉ đạo quyết liệt của Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước. Tinh thần “Chống dịch như chống giặc” của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là tư tưởng, chỉ đạo xuyên suốt thời gian phòng chống dịch.

Ngành y tế đã tham mưu cho Đảng, Chính phủ triển khai thực hiện chủ động, hiệu quả, linh hoạt, kịp thời các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 ở mức cao hơn và sớm hơn so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới ở giai đoạn đầu, với phương châm “bốn tại chỗ”, phù hợp với thực tiễn và thực lực của đất nước.

Theo Bộ trưởng, chưa bao giờ Việt Nam phải đối mặt với đại dịch truyền nhiễm, có sự tham gia của tất cả người dân như thời gian qua. Các lực lượng tiền phương như đội ngũ y, bác sĩ, lực lượng quân đội, công an đã không quản ngại nguy hiểm, khó khăn, hy sinh quên mình trên tuyến đầu phòng, chống dịch.

Ngành y tế thể hiện bản lĩnh trí tuệ, sự thống nhất cao và nhiều cán bộ y tế không ngại ngần lao vào điểm nóng với tinh thần: “Ngày hôm nay có thể trở về vinh quang, có thể không trở về”. Chưa bao giờ, ngành y tế có được vị trí, vai trò và niềm tin như ngày hôm nay. Nhưng đây cũng là thách thức để ngành phải giữ vững, bảo đảm thành quả đó.

Việt Nam cũng đã làm tốt công tác truyền thông, thông tin công khai, minh bạch, kịp thời, góp phần tạo đồng thuận xã hội, nâng cao nhận thức và sự chủ động của nhân dân trong phòng chống dịch./.

Nước ta đã cơ bản ngăn chặn và kiểm soát được dịch Covid-19, điều trị có hiệu quả các ca bệnh nặng, hiểm nghèo, được các tổ chức quốc tế và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bộ, ban ngành dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia: Lực lượng quân đội đã tham gia ngay từ phút đầu tiên trong ngăn chặn, cách ly từ Tết Canh Tý đến nay; Lực lượng công an trong truy vết, cách ly, phong tỏa… và nhiều lực lượng các bộ ngành đã làm lên chiến thắng trong cuộc chiến này. Công tác phòng, chống dịch Covid-19 được thông tin minh bạch, chính xác, kịp thời góp phần tạo niềm tin của nhân dân dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng.

Chúng ta cũng đạt được nhiều thành tựu trong khoa học công nghệ: Việt Nam là một trong bốn quốc gia đầu tiên giải trình tự gien virus; là một trong năm quốc gia sản xuất được sinh phẩm chẩn đoán kháng thể; Chủ động được sinh phẩm chẩn đoán, sản xuất thành công máy thở. Đặc biệt, chúng ta là một trong ít quốc gia trong ASEAN thử nghiệm vaccine trên người….

Năm 2020, ngành y tế cũng thực hiện đạt các chỉ tiêu chủ yếu được Quốc hội, Chính phủ giao là đạt số giường bệnh trên vạn dân (28); Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 90,85% (giao 90,7%); Đạt 6/7 chỉ tiêu cụ thể ngành, lĩnh vực được Chính phủ giao tại Nghị quyết 01/NQ-CP năm 2020.

Bộ Y tế là một trong hai bộ đầu tiên đưa dịch vụ công trực tuyến lên cấp 4 trong vòng sáu tháng. Trong 45 ngày, ngành y tế đã kết nối một nghìn điểm khám, chữa bệnh từ xa, và đến nay đã kết nối được khoảng 1.500 cơ sở y tế trên cả nước, phát huy hiệu quả, cứu sống nhiều bệnh nhân ở tuyến cơ sở.

Bên cạnh phòng, chống dịch Covid-19, ngành y tế chủ động phòng, chống các bệnh truyền nhiễm khác, đặc biệt là dịch bệnh bạch hầu ở khu vực Tây Nguyên, bệnh Whitmore ở miền trung, bệnh sốt mò ở một số tỉnh miền bắc, không để xảy ra "dịch chồng dịch".

Việt Nam cùng với Anh, Đức, Thụy Sỹ là bốn quốc gia có chất lượng điều trị HIV/AIDS tốt nhất thế giới. Tầm vóc người dân được cải thiện, chiều cao trung bình của thanh niên: nam đạt 168,1cm, tăng 3,7cm so với năm 2009; nữ đạt 156,2cm, tăng 2,6cm so với năm 2009. Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thấp còi dưới 5 tuổi của Việt Nam là 19,6%, được coi là mức thấp theo phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới.

Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016-2020 đã đạt được 56/75 (74,67%) mục tiêu, chỉ tiêu đề ra, đóng góp quan trọng vào thực hiện thành công các mục tiêu y tế, dân số quốc gia.

Ngành y tế được đánh giá là điểm sáng của Chính phủ trong chuyển đổi số. Trong thời gian ngắn, ngành y tế ra đời một loạt các nền tảng ứng dụng như Mạng Y tế Việt Nam kết nối với cán bộ y tế trên toàn quốc và sẽ hoàn thành trong tháng 6/2021. Trong thời gian 5 tháng, đưa 98 triệu bản ghi, hồ sơ, phối hợp với BHXH Việt Nam thành hồ sơ sức khỏe cá nhân, từ đó tạo ra nền tảng cho ứng dụng công nghệ về sau này.

Mục tiêu bảo đảm cái Tết an lành cho người dân

Bảo vệ cho Nhân dân được hưởng một cái Tết bình an, để cuộc sống trở lại cuộc sống bình thường, bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người dân - là mục đích trước mắt và lâu dài, là cấp bách và cũng là trường kỳ trong năm 2021.

"Tôi đề nghị ngành y tế các tỉnh, thành phố vẫn coi công tác phòng, chống dịch Covid-19 là trọng tâm ưu tiên. Hiện nay, chúng ta vẫn chưa có màu sắc sáng sủa trong phòng, chống dịch. Sự biến đổi của virus đòi hỏi phải có sự quyết tâm cao hơn nữa trong đại chiến cam go này", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Phấn đấu đạt chỉ tiêu chủ yếu năm 2021 được Quốc hội và Chính phủ giao: Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế khoảng 91% và đạt các chỉ tiêu cụ thể của ngành y tế được Chính phủ giao; đạt các chỉ tiêu y tế, dân số được giao tại Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

Ngành y tế cũng đang xây dựng đề án quy hoạch tổng thể ngành y tế đến năm 2045. Bộ trưởng cho biết, quy hoạch này sẽ mở rộng hơn về quy hoạch hoạt động của ngành, đào tạo nguồn nhân lực cho công tác y tế, cắt giảm mạnh mẽ thủ tục hành chính. “Chúng tôi cam kết cắt giảm 30% thủ tục hành chính trong năm 2021”, Bộ trưởng cho hay.

Tháng 1/2021, Bộ Y tế xin trình Chính phủ đề án đào tạo nguồn nhân lực cho vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. 28 tỉnh, thành phố này phải có chế độ chính sách đào tạo đặc biệt và thu hút nguồn nhân lực mới đáp ứng nhân lực y tế.

Đến tháng 3/2021, ngành y tế sẽ chính thức đưa trí tuệ nhân tạo vào cấp phép với ngành dược, thực phẩm. Tháng 7/2021 thực thi khám chữa bệnh ngoại trú không dùng giấy. Đây là mục tiêu tham vọng, nhưng phải thực hiện để có bước chuyển đổi số mạnh mẽ, hướng tới nền y tế số trong tương lai. Tiến tới sẽ sử dụng bệnh án dùng chung - một bước cao hơn cho các tuyến, nhằm tiết kiệm chi phí thực hiện cận lâm sàng cho bệnh nhân.

Về đổi mới tài chính y tế, Bộ Y tế đang áp dụng thí điểm phương thức thanh toán bảo hiểm y tế DRG và dự kiến đến tháng 7/2021 triển khai toàn quốc; áp dụng chi trả theo định xuất, thực hiện phân cấp mạnh thẩm quyền quyết định mua sắm; Xây dựng Nghị định xã hội hóa, liên doanh liên kết.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh ưu tiên, tăng đầu tư cho y tế trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, tập trung đầu tư cho y tế dự phòng, y tế cơ sở, bệnh viện ở vùng khó khăn, biên giới, hải đảo…

Tăng huy động xã hội, vốn ngoài ngân sách theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương 20. Trong đó có nhiều điểm mới là đầu tư tư, quản lý công thu hút nguồn vốn xã hội. “Chúng tôi mong thời gian của cán bộ y tế dành cho chuyên môn nhiều hơn chứ không phải dành cho hoạt động về hành chính”, Bộ trưởng nói.

Về đổi mới về tài chính, Bộ Y tế đã đề nghị các địa phương không tiến hành giao dự toán quỹ BHYT trong năm 2021 mà chuyển đổi sang hình thức khác, thí dụ như DRG.

Bộ Y tế cũng đề nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định quy định cơ chế tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập thay thế Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 25/4/2015 của Chính phủ, trong đó quy định rõ nguồn ngân sách nhà nước bảo đảm và cơ chế tự chủ của các đơn vị làm nhiệm vụ dự phòng, dân số, an toàn thực phẩm, các trung tâm y tế huyện đa chức năng, trực tiếp quản lý trạm y tế xã.

Đề nghị Bộ Tài chính phối hợp Bộ Y tế trong việc điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo lộ trình (bao gồm cả chi phí quản lý, khấu hao) khi điều kiện cho phép; thống nhất để Bộ Y tế ban hành mức giá tối đa của các dịch vụ theo yêu cầu theo nguyên tắc tính đầy đủ chi phí để khuyến khích các cơ sở vay vốn, huy động vốn để đầu tư./.

Tin cùng chuyên mục
Đoàn cơ sở Công ty Điện lực Kon Tum đạt thành tích xuất sắc trong chiến dịch thanh niên tình nguyện hè giai đoạn 2000-2024

Đoàn cơ sở Công ty Điện lực Kon Tum đạt thành tích xuất sắc trong chiến dịch thanh niên tình nguyện hè giai đoạn 2000-2024

Ghi nhận những nỗ lực của tuổi trẻ ngành điện trong thời gian qua, tại chương trình Tổng kết chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè gắn với lễ kỷ niệm 10 năm “Thanh niên tình nguyện” và kỷ niệm 25 năm Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè, Tỉnh đoàn Kon Tum đã khen thưởng 01 tập thể và 01 cá nhân thuộc Đoàn cơ sở Công ty Điện lực Kon Tum về thành tích xuất sắc trong chiến dịch thanh niên tình nguyện hè giai đoạn 2000-2024.