Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sức khỏe

Bộc lộ “lỗ hổng” y tế cơ sở sau đại dịch Covid 19

Thuý Hồng - 09:50, 08/07/2022

Sau đại dịch Covid-19, hệ thống y tế cơ sở bộc lộ nhiều bất cập. Ngoài vấn đề về nhân lực y tế mỏng, thiếu về số lượng, và còn hạn chế về năng lực chuyên môn, thì ở nhiều địa phương tình trạng thiếu trang thiết bị vật tư y tế do đầu tư nhỏ giọt, chế độ đãi ngộ thấp và hàng loạt nhân viên y tế xin nghỉ việc... đang khiến hoạt động y tế cơ sở đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.

Hàng loạt nhân viên y tế nghỉ việc do áp lực và chế đỗ đãi ngộ thấp
Hệ thống y tế cơ sở giữ một vai trò quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân

Nhân viên y tế nghỉ việc hàng loạt

Nhìn từ thực tế, trong cao điểm dịch bệnh Covid-19 vừa qua, hệ thống y tế cơ sở, đã đóng góp lớn vào thành công của công tác phòng, chống dịch bệnh khi đảm đương một khối lượng công việc “khổng lồ”, quá tải so với nguồn lực (con người, cơ sở vật chất, năng lực chuyên môn, trang thiết bị y tế) hiện có. Tuy nhiên, ngay sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, tình trạng bác sĩ ở hệ thống y tế công lập, nhất là tuyến y tế cơ sở xin nghỉ việc hàng loạt.

Đơn cử như tại Gia Lai, trong năm 2021, toàn ngành có 110 trường hợp là bác sĩ, nhân viên y tế nghỉ việc. Còn trong 6 tháng đầu năm 2022, tiếp tục có 23 trường hợp nghỉ việc. Đây là thực trạng đáng lo ngại, trong khi Gia Lai đang rất thiếu nhân lực ngành y (thiếu khoảng 500 người).

Nguyên nhân bác sĩ, cán bộ y tế xin nghỉ việc, chủ yếu là do áp lực công việc cao, trong khi đó chế độ đãi ngộ thấp. Từ khi bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, số lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh giảm mạnh, đã tác động đến nguồn thu và kinh phí hoạt động khiến cho nhiều đơn vị không đủ kinh phí chi trả lương và các khoản phụ cấp cho cán bộ, viên chức. Đặc biệt, là không có cơ chế thu hút, giữ chân các bác sĩ giỏi.

Theo ông Nguyễn Đình Tuấn, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế tỉnh Gia Lai, mức lương thấp, chế độ đãi ngộ chưa tương xứng với mồ hôi, công sức bỏ ra nên dẫn đến việc nhân viên y tế bỏ bệnh viện công sang làm cho tư nhân.

Không riêng gì Gia Lai, mà tình trạng  đội ngũ nhân viên y tế bỏ việc, chuyển từ bệnh viện công sang bệnh viện tư đã âm ỉ nhiều năm nay. Nhưng từ khi dịch Covid-19 ập đến như “chất xúc tác” khiến “làn sóng” nghỉ việc tăng cao đến mức báo động. 

Theo số liệu thống kê, cả nước có hơn 4.800 viên chức y tế và 420 viên chức công tác tại các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế xin thôi việc hoặc bỏ việc.

Theo ông Nguyễn Đại Phong, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên thì, để giữ chân đội ngũ y tế, cần có cơ chế trả lương riêng, cũng như chính sách thu hút các y, bác sĩ; cũng như cần có chế tài xử lý những trường hợp phá vỡ cam kết khi được cử đi đào tạo chuyên sâu.

Thông tin về vấn đề này, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn chia sẻ rằng, đại dịch Covid-19 đã cho thấy những lỗ hổng, sự kém hiệu quả trong hệ thống y tế cơ sở của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Đó là khi ca bệnh gia tăng, nguồn lực chăm sóc, điều trị bị thiếu.

Theo ông Tuấn, để giải quyết vấn đề này đòi hỏi phải tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực, phát triển bác sĩ gia đình, tăng chế độ phụ cấp và cải cách tiền lương cho nhân viên y tế cơ sở. Áp dụng khám, chữa bệnh từ xa; tăng sức hấp dẫn cho y tế cơ sở bằng việc mở rộng số lượng, nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh và danh mục thuốc. Trong đó, theo ông Tuấn, cần thay đổi vị trí của y tế cơ sở từ “tuyến dưới” trở thành “trung tâm” với vai trò “gác cổng”.

Thiếu trang thiết bị, vật tư y tế

Ngoài những hạn chế, vướng mắc nêu trên, thì ở nhiều địa phương, cơ sở vật chất không đảm bảo, trang thiết bị thiếu thốn, chất lượng khám, điều trị chưa cao… là những lực cản, khiến y tế cơ sở phát triển ì ạch suốt nhiều năm và cũng là nguyên nhân làm cho niềm tin của người dân vào tuyến y tế này giảm sút, thường vượt tuyến.

Bệnh viện Thường Xuân, Thanh Hoá chỉ có một thiết bị siêu âm duy nhất đã có niên hạn sử dụng 20 năm
Bệnh viện Thường Xuân, Thanh Hoá hiện nay chỉ có một thiết bị siêu âm duy nhất mà thiết bị này đã có niên hạn sử dụng 20 năm

Trong chuyến công tác tại huyện miền núi Thường Xuân của tỉnh Thanh Hoá, chúng tôi đã được chứng kiến trang thiết bị y tế nghèo nàn của địa phương này. Cả bệnh viện tuyến huyện này chỉ có một thiết bị siêu âm duy nhất. Thiết bị này đã có niên hạn sử dụng 20 năm nay nên màn hình đã hoen ố, cũ kỹ nhưng hằng ngày được các y bác sĩ dùng để phục vụ người dân tới khám bệnh, siêu âm, từ tuyến giáp, tuyến vú, siêu âm ổ bụng, siêu âm thai…

“Chiếc máy siêu âm do đã quá cũ nên chất lượng hình ảnh kém hơn, không được rõ nét. Phần đầu dò do máy móc đã cũ kỹ nên tiếp xúc không tốt, bắt màu không nhạy”, Bác sỹ Lê Thị Cẩm Tú, Phòng Siêu âm, Bệnh viện Đa khoa huyện Thường Xuân cho biết.

Thiếu thốn trang thiết bị, cơ sở vật chất nghèo nàn, nguồn nhân lực là thực trạng tại nhiều cơ sở y tế tại nhiều địa phương, nhất là các tỉnh miền núi. Lãnh đạo Bộ Y tế thừa nhận, hiện nay chưa có cơ chế tài chính hữu hiệu để tạo động lực cho y tế cơ sở phát triển. Nguồn lực đầu tư cho mạng lưới y tế cơ sở vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Hiện nay, có 3.553 trạm y tế xã cần đầu tư xây mới, nâng cấp, cải tạo sửa chữa, mua sắm trang thiết bị…

Đặc biệt, thời gian qua, ngành y tế đang đứng trước tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế ở một số cơ sở càng khiến cho ngành y lao đao. Theo thống kê của Bộ Y tế, có 28/34 Sở Y tế và 12/21 Bệnh viện tuyến Trung ương thiếu thuốc. Tình trạng thiếu vật tư y tế cũng diễn ra tương tự tại nhiều cơ sở y tế.

Để lấp "lỗ hổng” y tế cơ sở sau đại dịch, bên cạnh những vấn đề cấp bách cần giải quyết như trang thiết bị y tế vật tư, thì phải nhanh chóng “sốc” lại tuyến y tế này bằng những giải pháp mang tính đồng bộ, hiệu quả hơn nữa. Cần quan tâm đặc biệt đến chế độ hỗ trợ cho cán bộ, nhân viên y tế và chính sách giữ chân cán bộ, nhân viên y tế đang làm việc tại đơn vị. Bởi đây là lực lượng nòng cốt, trong hoạt động chăm sóc sức khỏe Nhân dân.

Phó giáo sư Phan Lê Thu Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài Chính kiêm Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng và Phát triển hệ thống y tế tuyến cơ sở (Bộ Y tế) cho rằng: Mạng lưới y tế cơ sở, có hai vấn đề có tính chất quan trọng sống còn. Đó là cần một chương trình đổi mới toàn diện mạng lưới y tế cơ sở, bao gồm hạ tầng kỹ thuật, phát triển nhân lực chất lượng cao, tổ chức bộ máy, mô hình cung ứng dịch vụ…Và đặc biệt, phải đảm bảo đầy đủ nguồn lực tài chính và kỹ thuật để triển khai chương trình đổi mới một cách hiệu quả nhất.

Tin cùng chuyên mục