Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sức khỏe

Cao Bằng: Khó khăn trong phát triển nguồn nhân lực y tế

Thúy Hồng - 10:01, 16/04/2021

“Trong 3 năm nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng không tuyển dụng được bác sĩ nào về làm việc. Hiện nay, Bệnh viên đang treo khoảng 60-70 biên chế vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh, nhưng không tuyển dụng được ai về làm việc". Thông tin này được ông Nông Tuấn Phong, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Cao Bằng chia sẻ trong buổi làm việc với Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) về công tác đào tạo nguồn nhân lực y tế tỉnh Cao Bằng. Điều này cho thấy, nguồn nhân lực y tế tại Cao Bằng đang thiếu trầm trọng.

Tỉnh Cao Bằng cần tập trung nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng đội ngũ nguồn nhân lực y tế cơ sở
Tỉnh Cao Bằng cần có giải pháp phù hợp để thu hút, nâng cao nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực y tế

Thiếu nhân lực y tế chất lượng cao

Cao Bằng có dân số trên 530,3 nghìn người, với 8 dân tộc chính, trong đó dân tộc Kinh chỉ chiếm khoảng 5,76%, còn chủ yếu là dân tộc Tày chiếm 40,97%, lần lượt là dân tộc Nùng 31,08%, dân tộc Dao 10,08%... Với đặc điểm dân số đa phần là đồng bào DTTS, địa hình đồi núi hiểm trở, khiến ngành y tế của địa phương gặp không ít khó khăn trong công tác chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân.

Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Cao Bằng , để bảo đảm nhân lực cho việc phát triển mạng lưới y tế, tỉnh Cao Bằng đã liên kết với các Trường Đại học Y, Dược để đào tạo cán bộ y tế có trình độ đại học và sau đại học, đặc biệt là đào tạo bác sĩ với nhiều hình thức như: liên thông, cử tuyển, theo địa chỉ hoặc theo nguồn nhân lực của tỉnh.

Theo đó, toàn ngành hiện có 3.226 công chức, viên chức. Trong đó, trình độ bác sĩ chuyên khoa II, thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa I chiếm tỷ lệ 12,3%, Đại học chiếm tỷ lệ 28,2 %, Cao đẳng: 21,8%, Trung cấp chiếm tỷ lệ 29,1%. Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tế, nguồn nhân lực y tế của Cao Bằng không chỉ  thiếu về số lượng, mà còn yếu cả về chuyên môn.

Đơn cử như, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng, do thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, nên Bệnh viện mới chỉ thực hiện được 50% phân tuyến chuyên môn kỹ thuật. Bà Lý Thị Bạch Như, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng cho biết: Do thếu nhân lực nên bệnh viện không có nguồn để cử đi đào tạo, bồi dưỡng theo các danh mục kỹ thuật phân công theo tuyến.

Hay như tại huyện Bảo Lạc, cũng đang thiếu đội ngũ y bác sĩ tay nghề cao ở lĩnh vực nhi khoa và sản khoa. Theo ông Lý Văn Thì, Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm Y tế huyện Bảo Lạc, hiện tại cơ sở hạ tầng Trung tâm đã được đầu tư 2 phòng mổ, cơ bản đủ điều kiện để tiến hành phẫu thuật. Tuy nhiên, đơn vị đang thiếu bác sĩ sản khoa để thực hiện. 

 "Ngay cả Bệnh viện đa khoa tỉnh, trong 3 năm nay, Bệnh viện cũng không tuyển dụng được bác sĩ nào về làm việc. Hiện nay, Bệnh viện đang treo khoảng 60-70 biên chế, nhưng chưa tuyển dụng được ai” , ông Nông Tuấn Phong, Giám đốc Sở Y tế Cao Bằng thông tin.

Dự án 585 sẽ là một trong những giải pháp hỗ trợ đào tạo, nâng cao tay nghề cho đội ngũ nhân lực y tế ở cơ sở.
Dự án 585 là một trong những giải pháp hỗ trợ đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế ở cơ sở.

Nỗ lực tháo gỡ khó khăn

Chia sẻ giải pháp với địa phương, theo các chuyên gia y tế, để bảo đảm nhân lực cho việc phát triển mạng lưới y tế, Cao Bằng cần liên kết với các Trường Đại học Y, Dược để đào tạo cán bộ y tế có trình độ đại học và sau đại học. Đặc biệt là, đào tạo bác sĩ với nhiều hình thức như: Đào tạo liên thông, đào tạo bác sĩ cử tuyển, theo địa chỉ hoặc theo nguồn nhân lực của địa phương.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Thái Nguyên cho rằng,: ngoài những giải pháp như trên thì, ngành Y tế Cao Bằng cần có giải pháp đào tạo theo cơ chế đặt hàng mới có thể giải quyết được tình trạng thiếu nguồn nhân lực như hiện nay.

Ngoài ra, như PGS.TS. Lê Minh Giang, Trưởng phòng Quản lý đào tạo sau Đại học, Trường Đại học Y Hà Nội gợi mở, dự án 585 là một trong những Dự án tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở y tế triển khai thực hiện đào tạo, nâng cao tay nghề cho đội ngũ bác sĩ trẻ ở cơ sở. Đây là sẽ là cơ hội giúp các bác sĩ trẻ ở cơ sở được đào tạo để nâng cao trình độ chuyên môn.

“Đến nay, Trường Đại học Y Hà Nội đã đào tạo được 10 khóa, với 11 chuyên ngành khác nhau. Đối với chương trình đào tạo cho Dự án 585, trường luôn ưu tiên hơn với các đối tượng khác và đào tạo với hình thức cầm tay chỉ việc. Nhà trường cam kết sẽ tạo điều kiện chỗ nghỉ nội trú cho các bác sĩ trẻ thuộc Dự án. Đối với các bác sĩ đã tốt nghiệp, nhà trường cũng cam kết đồng hành và hỗ trợ trong suốt quá trình công tác”, ông Giang cho biết.

Theo Tiến sĩ Phạm Văn Tác, Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia, Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ (Bộ Y tế), để giải quyết những khó khăn này, Cao Bằng cần có những thay đổi lớn trong công tác đào tạo nhân lực, không chỉ ở tuyến y tế cơ sở mà còn đặc biệt quan tâm thay đổi ở tuyến tỉnh. Bởi hiện nay, Bệnh viện đa khoa tỉnh mới chỉ ở hạng 2 - trong khi bệnh viện tuyến tỉnh của hầu hết các tỉnh đều đang ở hạng 1.

 " Bộ Y tế sẽ phối hợp với các Trường Đại học Y Hà Nội, Đại học Y Thái Nguyên hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho Cao Bằng", Tiến sĩ Tác chia sẻ.

Hy vọng với những giải pháp được đưa ra, sẽ góp phần giúp ngành Y tế của Cao Bằng từng bước giải quyết tình trạng thiếu nguồn nhân lực y tế chất lượng cao như hiện nay.

Tin cùng chuyên mục