Hè năm 2024, Phòng Dân tộc các huyện và TP.Cà Mau đã tổ chức được 23 điểm dạy chữ Khmer, với 30 giáo viên tham gia giảng dạy ở 34 lớp (23 lớp 1 và 9 lớp 2, 2 lớp 3) và 595 học sinh theo học; 01 điểm dạy chữ Hoa với 7 giáo viên, 9 lớp học và 94 học sinh tham gia học tập trên địa bàn các huyện Trần Văn Thời, Đầm Dơi, U Minh, Thới Bình và TP. Cà Mau.
Riêng đối với việc dạy và học chữ Hoa tại Trung tâm Dục Tài, Phường 2, TP. Cà Mau, các lớp vẫn được duy trì dạy thường xuyên trong suốt 9 tháng. Cơ sở vật chất luôn đảm bảo đủ điều kiện dạy và học theo giáo trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định.
Bà Quách Kiều Mai, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh, cho biết: “Công tác dạy và học chữ Khmer, chữ Hoa trong dịp hè luôn được sự quan tâm chỉ đạo của chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể, Người có uy tín trong việc tuyên truyền, vận động phụ huynh, tạo điều kiện tốt nhất cho con em tham gia. Các lớp dạy và học chữ Khmer, chữ Hoa hè đã trang bị cho các em học sinh những kỹ năng đọc và viết câu từ thông dụng, có thể giao tiếp với nhau bằng ngôn ngữ và chữ viết của dân tộc mình. Qua đó, giúp các em học sinh nâng cao kiến thức, hiểu biết về phong tục tập quán, giữ gìn ngôn ngữ, chữ viết truyền thống của dân tộc”.
Theo đó, Ban Dân tộc hỗ trợ kinh phí cho giáo viên và các điểm dạy chữ Khmer, chữ Hoa theo quy định, hỗ trợ sách giáo khoa, viết, tập học sinh cho các em, tổng kinh phí trên 400 triệu đồng.
Để nâng cao trình độ chuyên môn, Ban Dân tộc tỉnh cũng phối hợp với Trường Đại học Trà Vinh tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng sư phạm cho giáo viên dạy chữ Khmer đạt mục tiêu theo nội dung kế hoạch đề ra.
Bên cạnh những thuận lợi, công tác dạy chữ Khmer hè còn gặp nhiều khó khăn trong việc vận động các em học sinh tham gia lớp học; thời gian học tương đối ngắn, việc giảng dạy theo giáo trình, sách giáo khoa khá nhiều; các lớp dạy và học chữ Khmer hè rơi vào mùa mưa nên điều kiện đi lại của các em học sinh rất vất vả, khó khăn, dẫn đến việc các em đi học không đều.
"Cùng với đó, đội ngũ giáo viên dạy chữ Khmer phân bổ không đều ở các địa phương, từ đó phát sinh việc 1 giáo viên phải dạy 2 lớp ở 2 điểm cách xa nhau, làm ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học", bà Mai chia sẻ thêm.
Tại Hội nghị tổng kết, nhiều thầy cô giáo, các sư, học viên và các em học sinh có thành tích trong giảng dạy và học tập được nhận giấy khen của Ban Dân tộc và Sở Giáo dục-Đào tạo.