Với vai trò cơ quan tham mưu, Ban Dân tộc, đã chủ trì phối hợp với các Sở, ban ngành có liên quan, tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành một số Nghị quyết có liên quan để triển khai kịp thời Chương trình MTQG 1719.
Ngay sau khi Nghị quyết số 05/2022/NQ-HĐND ngày 13/7/2022 “Quy định nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn NSNN thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 (giai đoạn I đến năm 2025) trên địa bàn tỉnh Cà Mau” được ban hành, tỉnh đã nhanh chóng chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện, với phương châm gặp khó khăn tới đâu báo cáo kịp thời về cơ quan chủ trì để được tháo gỡ.
Ngoài ra, đối với các văn bản của Trung ương liên quan đến cơ chế chính sách và hướng dẫn thực hiện Chương trình, đã được UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương vùng DTTS tiếp thu, quán triệt và triển khai kịp thời, qua đó góp phần tháo gỡ được những khó khăn vướng mắc trong quá trình chỉ đạo tổ chức thực hiện tại cơ sở.
Bà Quách Kiều Mai, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết, việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án trên địa bàn tỉnh Cà Mau được các cấp, các ngành quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên, qua đó tạo sự thống nhất, xuyên suốt trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện từ cấp tỉnh, cấp huyện, đến cấp xã. Kịp thời ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản triển khai thực hiện các Chương trình theo quy định, và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Cũng theo Bà Mai, trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn tỉnh Cà Mau thời gian qua, nguồn vốn dành cho các đối tượng thụ hưởng thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia có những khó khăn nhất định. Tuy nhiên, trên cơ sở kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao, HĐND tỉnh Cà Mau thông qua các Nghị quyết, UBND tỉnh Cà Mau đã quyết định giao kế hoạch vốn chi tiết cho các đối tượng thụ hưởng của Chương trình MTQG 1719, từ đó, tạo điều kiện cho các đơn vị được giao kế hoạch vốn chủ động triển khai thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn.
Theo bà Mai, một số khó khăn trong việc giải ngân các nguồn vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Chương trình MTQG 1719, đó là: Kế hoạch vốn ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh giao về cho cấp huyện, cấp xã phải chờ HĐND cùng cấp thông qua danh mục đầu tư công trung hạn, tính theo hàng năm nên dẫn đến việc thực hiện các công trình, dự án bị chậm tiến độ, làm ảnh hưởng đến kết quả giải ngân các nguồn vốn của các Chương trình mục tiêu quốc gia,
Công tác lập kế hoạch thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia của một số đơn vị còn chậm, các địa phương bị động trong việc triển khai thực hiện các bước trình tự, thủ tục đầu tư, gây ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân nguồn vốn.
“Đối với nguồn vốn sự nghiệp, ngân sách trung ương không giao kế hoạch vốn cho giai đoạn 2021 - 2025, chỉ giao vốn hàng năm và giao chi tiết đến từng tiểu dự án, nội dung thành phần thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình MTQG 1719, chưa phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế mỗi địa phương, có những nội dung cần ít vốn, nhưng được trung ương giao nhiều vốn và ngược lại, đây cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến việc giải ngân nguồn vốn”, bà Mai phân tích.
Đặc biệt là, việc triển khai và tổ chức thực hiện Chương trình MTQG 1719 do cơ chế chưa hoàn thiện; hệ thống văn bản hướng dẫn vẫn còn thiếu rất nhiều. Tuy nhiên, với sự nỗ lực cố gắng và quyết tâm cao của các sở, ngành và địa phương trong tỉnh; kết quả qua gần 04 năm thực hiện, tỉnh Cà Mau đã cơ bản hoàn thành mục tiêu và một số chỉ tiêu chủ yếu của Chương trình theo tiến độ đã đề ra theo kế hoạch giai đoạn 05 năm. Trong đó, trọng tâm là đã hoàn thành được chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS toàn tỉnh.
Ông Nguyễn Minh Luân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, tỉnh đã đặt ra mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS 2%/năm. Cụ thể theo kết quả rà soát được công bố, hộ nghèo DTTS của tỉnh trong năm 2023 đã giảm được 329 hộ, tương ứng tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS đã giảm 2,57% so với năm 2022. Đồng thời, đến cuối năm 2025, giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS đầu tư xây dựng bổ sung 4 nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng (Salatel) cho vùng đồng bào DTTS...
Mục tiêu này thể hiện sự quyết tâm của Đảng bộ và chính quyền, Nhân dân trong tỉnh. Có nhiều yêu cầu quan trọng để hướng tới việc thực hiện thắng lợi Chương trình MTQG 1719, nhưng trên hết, là tăng cường sự đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu, chung sức, đồng lòng trong cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của Nhân dân.
"Với vai trò là cơ quan tham mưu lĩnh vực công tác dân tộc, những năm qua Ban Dân tộc tỉnh cũng đã chủ trì phối hợp với các sở, ngành có liên quan tham mưu cho UBND kịp thời triển khai các văn bản của Trung ương liên quan đến cơ chế chính sách; và hướng dẫn thực hiện Chương trình MTQG 1719, qua đó góp phần tháo gỡ được những khó khăn vướng mắc trong quá trình chỉ đạo tổ chức thực hiện tại cơ sở", ông Luân thông cho biết thêm.
Thực hiện Chương trình MTQG 1719, toàn tỉnh có 1.659 hộ được hỗ trợ về đất ở, nhà ở, chuyển đổi nghề thay cho đất sản xuất và hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán; hỗ trợ đầu tư xây dựng mới 113 công trình, duy tu bảo dưỡng 76 công trình hạ tầng, giao thông tại địa bàn xã, ấp đặc biệt khó khăn; hỗ trợ 88 dự án phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cộng đồng cho hơn 1.000 hộ tham gia. Ngoài ra, tỉnh cũng đã tôn tạo, nâng cấp một số hạng mục của 04 điểm chùa; đầu tư hỗ trợ trang thiết bị văn hóa cho 10 Salatel và nhà sinh hoạt văn hóa của 65 ấp, khóm đặc biệt khó khăn; đang xây dựng mới thêm 02 Salatel; trang bị thêm 02 chiếc ghe Ngo.