Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Các địa phương bị ảnh hưởng mưa lũ nỗ lực khôi phục hạ tầng giao thông sau bão lũ

Minh Nhật - 06:51, 19/09/2024

Quyết tâm bằng mọi giá phải thông đường sớm nhất là nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu trong công tác khắc phục hậu quả mưa lũ ở các tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Cao Bằng...

Các tỉnh miền bắc nỗ lực khôi phục hạ tầng giao thông sau bão lũ

Nhiều nơi sạt lở, ách tắc giao thông nghiêm trọng

Trong trận mưa lũ, sạt lở đất lịch sử đầu tháng 9, trên các tuyến quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường giao thông nông thôn ở tỉnh Cao Bằng đã xảy ra 2.621 điểm sạt lở, ách tắc, ngập lụt. Ách tắc, sạt lở nghiêm trọng nhất là tuyến Quốc lộ 34, từ thành phố Cao Bằng đi qua 3 huyện là Nguyên Bình, Bảo Lạc, Bảo Lâm sang tỉnh Hà Giang.

Tuyến đường này đi qua nhiều địa hình núi cao, đồi cao, vực sâu, uốn lượn men theo sông suối, nên khi mưa lớn kéo dài, đất “ngậm” nước bão hòa, phía ta-luy dương sạt lở đồng loạt với khối lượng lớn. Chỉ trên một số đoạn đường khoảng 100m đã có hàng chục điểm sạt lở, với khối lượng lớn đất đá, cây cối. Khó khăn hơn, sạt lở chồng sạt lở, có đoạn đường vừa khắc phục, thông đường xong, chỉ vài giờ sau lại xảy ra sạt lở, gây tắc đường...

Tại huyện Bảo Lạc, địa bàn trọng điểm về sạt lở đường giao thông, trên các tuyến đường có hơn 1.584 điểm sạt lở. Trong đó, tại Quốc lộ 195, tỉnh lộ, đường huyện, đường xã có 1.389 điểm sạt lở, giao thông nhiều tuyến bị tắc nghẽn, các xã, xóm bị cô lập; có bốn cây cầu bị thiệt hại do mưa lũ, sạt lở đất. Đến sáng 13/9, Quốc lộ 34 trên địa bàn huyện Bảo Lạc mới thông đường ô-tô gần đến huyện Nguyên Bình...

Bí thư Huyện ủy Lã Hoài Nam chia sẻ: Trước tình hình đường giao thông bị sạt lở, giao thông bị chia cắt, huyện đã kết nối, vận động, tổng động viên máy xúc, phương tiện của các doanh nghiệp và hợp tác xã trên địa bàn tham gia múc đất, mở đường, thông đường giao thông. Cùng với đó, huyện sẽ hỗ trợ tiền dầu, tiền công lái máy xúc; doanh nghiệp hỗ trợ máy móc.

Với cách làm đó, đến nay, trong số 15 xã trên địa bàn huyện, đường ô-tô đã được thông đến 13 xã, hiện còn hai xã Kim Cúc và Hưng Thịnh, do có hai cây cầu ngầm (cầu đập tràn) qua suối bị nước lũ cuốn trôi mặt cầu, hư hỏng cống thoát nước nên ô-tô chưa thể đến trung tâm hai xã này.

Tuy vậy, do sửa chữa hai cây cầu ngầm cần kinh phí khá lớn và thời gian khắc phục lâu, lãnh đạo huyện đang tính toán phương án, trước mắt dựng tạm cầu treo để bảo đảm cho người dân lưu thông bằng xe máy. Hiện tuyến Quốc lộ 34 huyết mạch giữa 3 huyện Nguyên Bình, Bảo Lạc, Bảo Lâm và sang tỉnh Hà Giang đã thông đường, nhưng mới chỉ là thông tạm thời.

Đến thời điểm này, giao thông qua ba huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm và Nguyên Bình đã được bảo đảm, phục vụ cho lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ đi lại, nhất là các xe ô-tô chở hàng hóa cứu trợ người dân vùng lũ và đi lại của người dân
Đến thời điểm này, giao thông qua 3 huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm và Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng đã được khắc phục, đảm bảo thông suốt

Trên tuyến vẫn còn nhiều điểm nguy cơ sạt lở; có tuyến đường đã xuất hiện nhiều điểm sạt lở, đất đá mới chỉ được “vét” tạm ra để thông đường, cạnh đường vẫn còn khá ngổn ngang đất đá. Nếu có cơn mưa lớn, nguy cơ đường lại bị tắc khá cao...

Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Cao Bằng Lê Văn Định cho biết: Đến thời điểm này, giao thông qua 3 huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm và Nguyên Bình đã được bảo đảm, phục vụ cho lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ đi lại, nhất là các xe ô-tô chở hàng hóa cứu trợ người dân vùng lũ và đi lại của người dân.

Sở cũng đã đề nghị, báo cáo Cục Đường bộ Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải về tình hình thiệt hại trên các tuyến đường, và nhu cầu kinh phí khắc phục, bảo đảm giao thông trên tuyến quốc lộ sau mưa lũ.

Với sự quyết tâm của ngành Giao thông và cả hệ thống chính quyền, vừa qua tỉnh Yên Bái đã huy động phương tiện của Công ty Quản lý đường bộ và các doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn với 129 máy xúc, 14 máy ủi; 322 ô-tô; 63 xuồng máy; 24 thuyền máy; 11 thuyền nan; 38 máy phát điện; 168 máy cưa xăng... tập trung hót đất, đá sạt lở, cưa cây đổ, khơi thông dòng chảy để bảo đảm thông các tuyến đường đến với người dân.

Tại tuyến Đường tỉnh 163, nối thành phố Yên Bái đi thị trấn Cổ Phúc (huyện Trấn Yên), do chạy song song với sông Hồng nên khi lũ về, nước dâng cao khiến lượng bùn đất vùi lấp hàng chục nghìn khối, có nơi bùn cao hơn 1m.

Anh Trần Đình Quân, công nhân lái máy xúc lật của Công ty cổ phần Xây dựng Giao thông Yên Bái chia sẻ: Sau hơn bốn ngày bám công trường, dọn bùn trên tuyến, tôi thấy hậu quả mưa lũ để lại quá khủng khiếp, bùn đất quyện với rác thải vẫn còn ngổn ngang...

Ngành Giao thông Yên Bái nỗ lực thông tuyến tại các điểm sạt lở
Ngành Giao thông Yên Bái nỗ lực thông tuyến tại các điểm sạt lở

Để sớm thông đường, đơn vị đã huy động tổng lực các máy xúc lật ở các điểm dự phòng, cùng tham gia dọn bùn tại khu vực được phân công trên tuyến chủ yếu của thành phố Yên Bái, nhằm sớm giải phóng đường, giúp các xe cứu trợ đi qua an toàn.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Trạm Tấu Vũ Lê Chung Anh cho biết: Phát huy phương châm “4 tại chỗ”, địa phương đã nhanh chóng tạm ứng tiền xăng, dầu cho các phương tiện xúc gạt tại các xã, phối hợp cùng nhân công là dân quân, Công an xã tham gia xử lý các điểm sạt lở. Đến ngày 16/9 đã thông các tuyến giao thông chính ô-tô đi lại, riêng chỉ còn tuyến đi Bản Mù, Phình Hồ, Tà Xi Láng mới thông tạm cho xe máy lưu thông giúp dân đi lại.

Theo thống kê nhanh, tính đến ngày 16/9, bốn tuyến quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh Yên Bái đã cơ bản thông tuyến. Riêng Quốc lộ 70 (thành phố đi huyện Lục Yên, Bảo Yên) vẫn còn hai điểm sạt núi khối lượng hàng chục nghìn mét khối đất.

Địa phương đã điều thêm máy xúc hỗ trợ, lực lượng thanh tra giao thông cùng cảnh sát giao thông ứng trực, điều tiết lưu thông chỉ đạo các đơn vị thi công tiếp tục hót đất, đá sụt, khơi thông rãnh, bảo đảm thoát nước và an toàn cho các phương tiện tham gia giao thông trên tuyến.

Huy động mọi nguồn lực

Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Yên Bái Trần Việt Dũng cho biết: Nếu thời tiết thuận lợi, các đơn vị thực hiện phấn đấu đến ngày 21/9 sẽ giải quyết cơ bản việc ách tắc giao thông, thông đường cho các phương tiện đi lại. Riêng đối với những vị trí sụt ta-luy âm đã cắm cọc, căng dây cảnh báo, thực hiện các thủ tục để khắc phục theo phương án xếp kè rọ đá để bảo đảm ổn định nền đường.

Trong khi đó, Lào Cai được thống kê bị thiệt hại nặng nề do mưa lũ gây ra. Nhiều địa phương bị cô lập hoàn toàn, đường đến trung tâm các xã bị đứt, gãy khối lượng đất đá sạt lở rất lớn...

Để khắc phục, bảo đảm thông xe lên các huyện, xã vùng cao, Sở Giao thông vận tải đã huy động hàng trăm cán bộ, công nhân hót dọn đất, bùn tràn mặt đường, tràn rãnh, phá đá, vận chuyển đúng nơi quy định; sửa chữa mặt đường hư hỏng nhỏ, sửa chữa hư hỏng rãnh dọc, gia cố mái ta-luy âm bằng kè rọ thép, làm đường tránh tạm, thay thế biển báo, hộ lan bị hư hỏng...

Nhờ đó, đến chiều 17/9 đã cơ bản bảo đảm thông tuyến giao thông, hiện còn một số tuyến đường còn ách tắc giao thông, dự kiến sẽ thông xe một làn đường trong một vài ngày tới...

Ông Đoàn Văn Long, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng tổng hợp Minh Đức - đơn vị đang trực tiếp xử lý nhiều điểm nóng về sạt lở gây ách tắc giao thông, đặc biệt đường vào thôn Làng Nủ, cho biết: Ngay khi nhận được thông tin thôn Làng Nủ bị sạt lở, đơn vị đã huy động lực lượng cùng toàn bộ phương tiện máy móc thiết bị khẩn trương hót dọn đất đá từ trên ta-luy dương sạt xuống tuyến đường để bảo đảm giao thông đi vào được khu vực sạt lở.

Sau khi các tuyến đường bảo đảm lưu thông từ UBND xã Lương Sơn và Làng Nủ và một tuyến từ Quốc lộ 70 khu vực cầu 75 vào Làng Nủ, Công ty Minh Đức đã huy động các thiết bị tham gia trực tiếp tìm kiếm người mất tích, đồng thời hỗ trợ các cơ quan chức năng vớt thi thể, hỗ trợ các đoàn từ thiện vào khu vực, thực hiện san gạt mặt bằng khu tái định cư cho các hộ dân...

Theo Sở Giao thông vận tải Lào Cai, hiện công tác chỉ đạo khắc phục đang được thực hiện quyết liệt, Sở cũng đã chỉ đạo, đôn đốc Ban Quản lý bảo trì, các đơn vị bảo trì tập trung nhân lực, phương tiện xe máy xử lý ngay các vị trí sụt lở, ách tắc bảo đảm thông tuyến trong thời gian nhanh nhất. Giám đốc Sở Giao thông vận tải Nguyễn Quốc Huy cho biết: Đến nay, ngành Giao thông vận tải Lào Cai, các doanh nghiệp và chính quyền, Nhân dân các địa phương đang chạy đua với thời gian để khắc phục thiên tai nặng nề, khôi phục huyết mạch giao thông quan trọng để sớm ổn định lại đời sống Nhân dân và phục hồi kinh tế.

Các địa phương khẩn trương khôi phục hạ tầng đường bộ phục vụ tìm kiếm cứu nạn; vận chuyển hàng hóa thiết yếu, hàng cứu trợ nhằm phục vụ nhân dân
Các địa phương khẩn trương khôi phục hạ tầng đường bộ phục vụ tìm kiếm cứu nạn; vận chuyển hàng hóa thiết yếu, hàng cứu trợ nhằm phục vụ Nhân dân

Trong những ngày qua, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo và trực tiếp tổ chức kiểm tra, hướng dẫn các đơn vị triển khai khắc phục hậu quả thiên tai do bão số 3 gây ra. Bộ Giao thông vận tải ban hành các công điện đôn đốc, chỉ đạo và trực tiếp tổ chức kiểm tra, hướng dẫn các đơn vị triển khai khắc phục hậu quả thiên tai nhằm sớm khôi phục giao thông ở các vị trí, đoạn đường bị tắc, phân luồng, phân tuyến giao thông qua khu vực bị tắc hoặc không bảo đảm an toàn giao thông.

Đồng thời phối hợp Sở Giao thông vận tải các tỉnh phía Bắc và Khu Quản lý đường bộ I và II, các nhà đầu tư BOT và các đơn vị liên quan của ngành đường bộ tích cực phối hợp với chính quyền các địa phương khẩn trương khôi phục hạ tầng đường bộ phục vụ tìm kiếm cứu nạn; thông tuyến bảo đảm giao thông để phục vụ cứu nạn, cứu hộ, tìm kiếm người mất tích; vận chuyển hàng hóa thiết yếu, hàng cứu trợ nhằm phục vụ Nhân dân, bảo đảm giao thông cho các tuyến đường cao tốc, quốc lộ trở lại lưu thông bình thường...

Tin cùng chuyên mục
Thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW: Tạo bước ngoặt lớn về công tác dân số

Thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW: Tạo bước ngoặt lớn về công tác dân số

Thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII (Nghị quyết 21- NQ/TW) ban hành ngày 25/10/2017 về công tác dân số trong tình hình mới đã giải quyết đúng và trúng những vấn đề dân số nổi bật của Việt Nam, tạo ra bước ngoặt lớn trong chính sách về lĩnh dân số.