Diễn đàn Du lịch Toàn cầu 2021- Indonesia được tổ chức vào 2 ngày từ 15-16/9 với sự tham dự của 2.000 đại biểu trực tuyến và 100 đại biểu trực tiếp. Phó Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Phó Tổng thống Indonesia, Bộ trưởng, Thứ trưởng phụ trách du lịch một số quốc gia ASEAN, Tổng thư ký ASEAN, chuyên gia du lịch, các tổ chức, doanh nghiệp và nhà đầu tư du lịch quốc tế đã tham dự Diễn đàn này.
Tham dự phiên thảo luận còn có Bộ trưởng Bộ Thương mại, công nghiệp và Bộ Văn hoá, cộng đồng và thanh niên Singapore Alvin Tan, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và du lịch Brunei Darussalam, Bộ trưởng Bộ Du lịch và thể thao Vương quốc Thái Lan Phiphat Ratchakitprakam.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn đang hoành hành trên thế giới, Indonesia được chọn là nơi tổ chức Hội nghị thường niên Diễn đàn Du lịch Toàn cầu (GTF) năm 2021 cho thấy cộng đồng quốc tế tin tưởng đất nước này là một điểm đến du lịch an toàn. Diễn đàn Du lịch Toàn cầu là thương hiệu của Diễn đàn Du lịch Thế giới, là một nền tảng hợp tác nhằm đáp ứng những thách thức của ngành Du lịch.
Phát biểu tại phiên thảo luận, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt đánh giá cao việc chuẩn bị và tổ chức Diễn đàn Du lịch Toàn cầu 2021 của nước chủ nhà Indonesia. Trong bối cảnh ngành du lịch ASEAN đang chuẩn bị mở cửa cho du lịch quốc tế, Diễn đàn này là một cơ hội tốt để khối nhà nước và tư nhân của ASEAN cùng nhau chia sẻ các ý kiến, kinh nghiệm, có cái nhìn tổng thể về bối cảnh du lịch trong khu vực sau gần hai năm ứng phó với đại dịch Covid-19.
Thứ trưởng Đoàn Văn Việt cho biết: “Cũng như các nước trong khu vực Đông Nam Á, tuy được ghi nhận là một trong các quốc gia kiểm soát đại dịch hiệu quả trong năm 2020 nhưng gần 1 năm qua, ngành Du lịch Việt Nam đã phải chịu những tác động tiêu cực từ các biến chủng mới của Covid-19, ảnh hưởng đến việc thí điểm mở cửa lại cho khách du lịch quốc tế cũng như làm gián đoạn các hoạt động du lịch nội địa”.
Sau khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, Việt Nam đã tạm ngừng nhập cảnh đối với khách du lịch quốc tế từ cuối tháng 3.2020, tuy nhiên các hoạt động du lịch nội địa vẫn tiếp tục được thực hiện cùng nhiều biện pháp đảm bảo an toàn cho du khách. Trong 8 tháng đầu năm 2021, du lịch Việt Nam phục vụ hơn 31 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu từ du lịch đạt 6 tỷ USD.
Để chuẩn bị cho việc khôi phục kinh tế song song với phòng chống đại dịch, Việt Nam đã bắt đầu tiêm phòng vắc xin Covid-19 từ tháng 3/2021. Đến nay, có khoảng 21% dân số Việt Nam, tương đương với gần 21 triệu người được tiêm vắc xin, trong đó 4,3% dân số đã hoàn thành tiêm đủ hai liều. Lực lượng lao động trong ngành Du lịch cũng được xếp trong nhóm cung cấp dịch vụ thiết yếu và được ưu tiên tiêm vắc xin.
Cùng với các điều kiện tiêm chủng ngày càng thuận lợi, sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của Chính phủ Việt Nam cũng là động lực để các ngành Du lịch, Giao thông, Y tế cùng phối hợp nghiên cứu mở cửa lại các đường bay quốc tế và xem xét áp dụng “hộ chiếu vắc xin”.
Theo Bộ trưởng Bộ Du lịch và Kinh tế Sáng tạo Sandiaga Salahuddin Uno: “Ở Indonesia, du lịch là ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Tính đến hết năm 2020, số lượng khách du lịch nước ngoài của Indonesia đã sụt giảm 88,95%. Sự suy yếu khủng khiếp này đã thúc đẩy GTF 2021 khám phá ra mô hình kinh doanh du lịch phù hợp để phục hồi du lịch trong bối cảnh đại dịch toàn cầu. Tại phiên thảo luận, chúng tôi rất mong được nghe những chia sẻ, kinh nghiệm của các nước về sự sẵn sàng mở cửa du lịch quốc tế, các biện pháp du lịch an toàn đang được áp dụng, chiến lược hiệu quả để thu hút khách quốc tế, quy trình đi lại an toàn giữa các nước nên được tạo điều kiện thế nào…”
“Trong quá trình hồi phục, các nước ASEAN phải thống nhất và cùng nhau hành động thì mới có thể thành công”, Bộ trưởng Sandiaga Salahuddin Uno nói.
“Tháng 9/2021, Thủ tướng Việt Nam đã chỉ đạo việc nghiên cứu thí điểm đón khách quốc tế đến đảo Phú Quốc (Kiên Giang) trong năm 2021, hướng tới mục tiêu đón từ 2 đến 3 triệu lượt khách du lịch. Vì vậy, hiện nay, Bộ VHTT&DL của Việt Nam đang tích cực phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, hoàn thiện Kế hoạch thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc, mở cửa lại du lịch quốc tế. Trong đó, lựa chọn các thị trường khách quốc tế phù hợp thực hiện thí điểm từ tháng 10/2021, đồng thời phối hợp với cơ quan địa phương thúc đẩy việc hoàn thành tiêm chủng cho người dân và người lao động tại Phú Quốc trước thời gian thí điểm”, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt nói.
Thứ trưởng Đoàn Văn Việt tin rằng, sau một thời gian dài ứng phó với đại dịch Covid-19, ngành Du lịch các nước ASEAN đã chuẩn bị sẵn sàng cho các hoạt động mở cửa trở lại và kích cầu du lịch quốc tế. “Trong thời gian qua, chúng ta đã ghi nhận nhiều nỗ lực chung của ASEAN trong việc thúc đẩy sự phục hồi của ngành Du lịch khu vực như xây dựng Báo cáo nghiên cứu về Kế hoạch phục hồi du lịch ASEAN sau Covid-19 và hiện nay là dự thảo Hướng dẫn về vệ sinh và an toàn cho người lao động, cộng đồng trong ngành Du lịch ASEAN. Tôi mong đợi Diễn đàn ngày hôm nay sẽ là dịp để các Bộ trưởng tiếp tục trao đổi ý kiến và đưa ra nhiều sáng kiến cho du lịch ASEAN, đồng thời khuyến khích sự tham gia của khối tư nhân đóng góp ý kiến tại các Phiên sau của Diễn đàn”, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt nhấn mạnh.
Thứ trưởng Đoàn Văn Việt kiến nghị Bộ trưởng các nước ASEAN cùng phối hợp trong các hành động qua việc hợp tác chặt chẽ để xây dựng và thực hiện các kế hoạch phục hồi, tiêu chuẩn và quy trình về an toàn trong du lịch ASEAN sau Covid-19, triển khai các hành động cụ thể, có tính thực tiễn cao và có khả năng lan toả trong toàn khu vực.
Chia sẻ cởi mở các kinh nghiệm, chiến lược, kế hoạch phục hồi ngành du lịch và mở cửa lại du lịch nhằm tạo điều kiện cho ngành du lịch các nước ASEAN cùng phục hồi và phát triển.
Xây dựng và triển khai các chương trình quảng bá, xúc tiến trực tuyến và trực quan cho điểm đến chung ASEAN.
Tăng cường ứng dụng và chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng công nghệ số và đổi mới sáng tạo trong ngành du lịch, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của điểm đến và thúc đẩy các hoạt động du lịch “không tiếp xúc”.
Thứ trưởng Đoàn Văn Việt cho rằng, để vượt qua đại dịch và thành công phục hồi ngành Du lịch ASEAN mạnh mẽ và tự cường, chúng ta cần cùng nhau hành động, hướng tới mục tiêu chung và cả mục tiêu riêng của mỗi nước.