Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Môi trường sống

Các tỉnh miền núi phía Bắc: Tăng cường phòng cháy, chữa cháy rừng

PV - 10:42, 04/05/2019

Những ngày vừa qua, nắng nóng gay gắt và hanh khô diễn ra trên diện rộng, nguy cơ cháy rừng cao tại nhiều địa phương miền núi phía Bắc. Tại các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu… đã xảy ra cháy rừng. Để chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) các địa phương, ngành chức năng đang tích cực triển khai nhiều biện pháp cấp bách.

Báo động nguy cơ cháy rừng

Những ngày cuối tháng 4 vừa qua, khi mùa khô đang bước vào giai đoạn cao điểm. Nắng nóng gay gắt và thời tiết hanh khô đang đẩy các cánh rừng trên cả nước vào nguy cơ cháy cao.

Tại Sơn La, vào ngày 20/4 do thời tiết nắng nóng trên 400C, kèm theo gió Lào thổi mạnh, khu vực bản Hua Ty, xã Co Mạ, huyện Thuận Châu đã xảy ra cháy rừng. Để dập tắt đám cháy, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sơn La đã nhanh chóng phối hợp cùng chính quyền huyện Thuận Châu và xã Co Mạ huy động trên 300 người tiến hành chữa cháy. Tuy nhiên, do trời nắng nóng, kèm theo gió to nên khoảng 60ha rừng trồng từ năm 2016 đã bị ngọn lửa thiêu rụi, không có khả năng phục hồi.

Người dân Yên Bái dọn dẹp thực bì, phòng chống nguy cơ xảy ra cháy rừng. Người dân Yên Bái dọn dẹp thực bì, phòng chống nguy cơ xảy ra cháy rừng.

Theo thông tin từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sơn La, từ ngày 16-21/4, trên địa bàn toàn tỉnh Sơn La đã xảy ra 7 vụ cháy rừng, gây thiệt hại gần 250ha rừng. Thiệt hại nặng nhất là tại xã Chiềng Bôm, Long Hẹ, Co Mạ, huyện Thuận Châu có 200ha rừng thông trồng năm 2009 và năm 2016 bị thiêu rụi. Tại xã Chiềng Khay, huyện Quỳnh Nhai thiệt hại 3ha rừng phòng hộ. Tại xã Nặm Lạnh, huyện Sốp Cộp thiệt hại 3ha rừng phòng hộ.

Hay như tại Yên Bái, mưa ít, nắng nóng kéo dài trên diện rộng đã làm các thảm thực bì tại các cánh rừng trở nên hanh khô, dễ phát cháy khi gặp lửa. Đáng lo ngại, tại các huyện, thị phía Tây của tỉnh Yên Bái như: Văn Chấn, Nghĩa Lộ, Trạm Tấu, Mù Cang Chải trong nhiều tháng qua đều không có mưa, thêm vào đó gió Lào thổi mạnh khiến thời tiết ngày càng nóng gay gắt, hàng trăm ha rừng có thể cháy bất cứ lúc nào nếu không chủ động có những biện pháp tích cực.

Ông Trần Bá Thăng, Trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng và Bảo tồn thiên nhiên (Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái) cho biết, hiện đang là thời kỳ cao điểm của mùa khô. Qua rà soát, diện tích nằm trong vùng trọng điểm cháy rừng gồm toàn bộ diện tích rừng ở các huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải và 9 xã vùng thượng huyện Văn Chấn. Từ đầu tháng 4 đến nay, trên địa bàn huyện Trạm Tấu liên tiếp xảy ra 6 vụ cháy lau lách và diện tích rừng tại các xã: Xà Hồ, Túc Đán, Bản Mù, Bản Công. Nguyên nhân do thời tiết nắng nóng kéo dài, gió Lào thổi mạnh cùng với việc đốt nương rẫy của người dân để lửa cháy lan vào rừng.

Điển hình, vụ cháy rừng chiều ngày 19/4 tại Tiểu khu 586, khoảnh 2 thuộc thôn Mù Thấp, xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu do Giàng Thị Vang, cư trú tại xã Bản Mù đốt nương để cháy lan vào rừng. Huyện Trạm Tấu đã huy động hơn 200 người dân tham gia chữa cháy. Đến 2 giờ đêm ngày 20/4, đám cháy mới được dập tắt hoàn toàn.

Tăng cường giải pháp phòng , chống

Trước tình tình thời tiết nắng nóng kéo dài, nguy cơ cháy rừng rất cao, Cục Kiểm lâm đã chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền PCCCR, hướng dẫn Nhân dân phát đốt nương rẫy đúng quy định. Tổ chức trực 24/24 giờ theo dõi cảnh báo cháy rừng của Cục Kiểm lâm; sẵn sàng huy động lực lượng chữa cháy theo phương châm “4 tại chỗ” khi có tình huống xấu xảy ra. Các chủ rừng, các đơn vị quản lý rừng cần cắm biển cấm ra vào rừng, biển báo động cấp cháy ở khu vực có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao, đồng thời bố trí đầy đủ lực lượng thay phiên túc trực quan sát, canh lửa trên toàn lâm phần để kịp thời xử lý khi xảy ra cháy rừng.

Trong đó, tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn kiểm soát việc đốt nương làm rẫy của người dân. Quy định cụ thể khu vực nghiêm cấm đốt nương làm rẫy và những hành vi dùng lửa khác trong thời kỳ khô hạn.

Theo ông Lê Đình Thơm, Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết, theo quy luật những năm trước, thường mùa cháy rừng diễn ra từ tháng 11 năm trước đến tháng 3 năm sau là kết thúc. Tuy nhiên năm nay, nguy cơ cháy rừng vẫn rất cao dù đã gần hết tháng 4 và còn có khả năng kéo dài tiếp đến tháng 5. “Vấn đề then chốt về công tác PCCCR là kiểm soát được nguồn lửa. Nếu kiểm soát tốt được nguồn lửa thì sẽ giảm thiểu được thiệt hại và khống chế cháy rừng xảy ra”, ông Lê Đình Thơm khẳng định.

HOÀNG QUÝ

Tin cùng chuyên mục