Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Pháp luật

Cần hiểu đúng về việc cho phép sử dụng pháo hoa

Thiên Đức - 09:36, 08/02/2021

Ngày 27/11/2020 Chính phủ ban hành Nghị định số 137/2020/NĐ-CP (NĐ 137) về quản lý, sử dụng pháo có hiệu lực từ ngày 11/01/2021 (thay thế Nghị định số 36/2009/NĐ-CP). Theo Nghị định này, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân được sử dụng pháo hoa dịp lễ, tết. Tuy nhiên, không phải loại pháo nào cũng được sử dụng một cách hợp pháp. Do đó, người dân cần phải tìm hiểu kỹ tránh vi phạm pháp luật.

Người dân chỉ được sử dụng 1 số loại pháo hoa an toàn
Người dân chỉ được sử dụng một số loại pháo hoa an toàn

Pháo hoa không phải là pháo hoa nổ

Đại tá Vũ Minh Hùng, Trưởng phòng Hướng dẫn quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo - Cục Cảnh sát quản lí hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) cho biết, Nghị định 137 có quy định mới cho phép tổ chức cá nhân sử dụng pháo hoa . Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều người vẫn nhầm khái niệm “pháo hoa” khi cho rằng, pháo hoa cũng là pháo hoa nổ ngày trước, hoặc pháo hoa do Bộ Quốc phòng bắn (vào dịp lễ, Tết) hoặc loại pháo người dân đang đốt trái phép trong các dịp lễ, tết. Đây đều là cách hiểu không đúng.

Loại pháo hoa hợp pháp, là sản phẩm được sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, màu sắc, ánh sáng trong không gian, không gây ra tiếng nổ. Đây là loại pháo không có thuốc nổ, không gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của con người.

Còn loại pháo nổ, là sản phẩm khi có tác động của xung kích thích cơ, điện, nhiệt, hóa tạo ra tiếng rít, tiếng nổ và tạo hiệu ứng, áng sáng màu sắc trong không gian. Pháo này còn được gọi là pháo hoa nổ và cấm tuyệt đối người dân sử dụng. Như vậy, người dân chỉ được sử dụng loại pháo hoa không có thuốc nổ, không gây ra tiếng nổ. Còn loại pháo hoa nổ, người dân tuyệt đối không được sử dụng.

Ngoài ra, người dân cũng cần lưu ý, Nghị định 137 quy định đối tượng sử dụng pháo hoa là người có “năng lực hành vi dân sự đầy đủ”. Nghĩa là người đó phải từ đủ 18 tuổi trở lên, không bị bệnh tâm thần, không bị tòa án tuyên mất năng lực hành vi dân sự hoặc tuyên bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

Siết chặt quản lý

Song hành với việc cho phép người dân sử dụng pháo hoa trong dịp lễ, tết, Nghị định 137 cũng đã tạo hành lang pháp lý để quản lý chặt chẽ vấn đề này. Luật gia Nguyễn Gia Hải, Hội Luật gia Việt Nam cho biết, việc kinh doanh pháo hoa, là loại hình kinh doanh có điều kiện nên để có thể sử dụng pháo hoa một cách an toàn, hợp pháp người dân chỉ được mua tại cơ sở mà nhà nước cho phép.

Nhiều đối tượng buôn lậu pháo bị bắt trước dịp tết Nguyên Đán Tân Sửu 2021
Nhiều đối tượng buôn lậu pháo bị bắt trước dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021

Cụ thể, theo Nghị định 137, chỉ có các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng mới được kinh doanh pháo hoa. Như vậy, người dân chỉ được mua pháo hoa do các tổ chức doanh nghiệp của Bộ Quốc phòng bán ra.

Bên cạnh đó, Nghị định 137 bổ sung nhiều hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng pháo so với trước đây. Cụ thể, nghiêm cấm các hành vi nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc chiếm đoạt pháo nổ (trừ trường hợp tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, cung cấp, vận chuyển, sử dụng pháo hoa nổ theo quy định); cấm nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép hoặc chiếm đoạt pháo hoa, thuốc pháo; mang pháo, thuốc pháo trái phép vào, ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam hoặc vào nơi cấm, khu vực cấm, khu vực bảo vệ và mục tiêu bảo vệ; cấm trao đổi, tặng, cho, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố pháo hoa nổ hoặc thuốc pháo để sản xuất pháo trái phép; vận chuyển, bảo quản, tiêu hủy pháo không bảo đảm an toàn, hoặc làm ảnh hưởng đến môi trường; hướng dẫn, huấn luyện, tổ chức huấn luyện cách thức chế tạo, sản xuất, sử dụng trái phép pháo dưới mọi hình thức...

Có thể nói Nghị định 137 có hiệu lực khi Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 cận kề, đây cũng là thời điểm các đối tượng sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn để tàng trữ, vận chuyển, sử dụng pháo nổ trái phép. Trước thực tế này, lực lượng chức năng các địa phương, bên cạnh việc tuyên truyền phổ biến hướng dẫn người dân sử dụng pháo hoa đúng cách, cơ quan chức năng đã tăng cường thực hiện công tác quản lý và phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm về buôn bán, vận chuyển, sử dụng pháo nổ bất hợp pháp.

Tin cùng chuyên mục
Công ty Cổ phần Tấn Phát chậm chi tiền tài trợ, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Ngọc Hồi bỗng dưng “mang nợ”

Công ty Cổ phần Tấn Phát chậm chi tiền tài trợ, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Ngọc Hồi bỗng dưng “mang nợ”

Trong quá trình thi công Thủy điện Plei Kần, Công ty Cổ phần Tấn Phát cam kết tài trợ huyện Ngọc Hồi (Kon Tum) 3 tỷ đồng để làm cầu treo qua sông Pô Kô phục vụ Nhân dân đi lại sản xuất. Tuy nhiên, cầu treo hoàn thành và đưa vào sử dụng đã gần 3 năm mà Công ty vẫn chưa chi đủ số tiền tài trợ. Việc này khiến cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam huyện Ngọc Hồi - đơn vị được UBND huyện giao làm chủ đầu tư, bỗng dưng “mang nợ”. Bởi chủ đầu tư không có tiền để thanh toán cho đơn vị thi công.