Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tin tức

Cần “liều thuốc” đủ mạnh để giảm nghèo vùng DTTS và miền núi

PV - 20:12, 13/08/2018

Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn ngày 13/8, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Đỗ Văn Chiến đã giải trình, làm rõ nhiều vấn đề về việc thực hiện chính sách đối với đồng bào DTTS được các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và cử tri quan tâm.

Tỷ lệ hộ nghèo còn cao

Phiên chất vấn bắt đầu với câu hỏi của Đại biểu Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội. Ông Lợi nêu, hiện tỷ lệ nghèo của vùng DTTS rất cao, cứ 3 hộ nghèo thì có 1 hộ DTTS. Thu nhập bình quân đầu người của vùng DTTS rất thấp, chỉ đạt 1/3 so với mức thu nhập trung bình cả nước. Đây cũng chính là băn khoăn của một số ĐBQH khác (Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân-Đoàn Cần Thơ; Đại biểu Bế Minh Đức-Cao Bằng). Trách nhiệm của UBDT trong vấn đề này như thế nào? Giải pháp nào để khắc phục tình trạng trên?

Đánh giá rất cao câu hỏi của các ĐBQH, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến khẳng định, đây đang là vấn đề day dứt, trăn trở của nhiều cấp lãnh đạo; cũng chính là day dứt trăn trở của bản thân ông cũng như những đồng chí được Đảng, Nhà nước phân công, theo dõi về lĩnh vực công tác dân tộc. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến cho biết, việc hỗ trợ đồng bào DTTS là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành; nhưng với trách nhiệm là cơ quan tham mưu chính, UBDT sẽ tiếp tục tham mưu và tháo gỡ.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT trả lời chất vấn  Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội.

Liên quan đến nội dung của Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (Đoàn Cần Thơ), Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT cho rằng, hiện nay tiêu chí đo lường tình trạng nghèo đã áp sát chuẩn đo lường của thế giới, đó là nghèo đa chiều. Tuy nhiên, kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo của chúng ta hiện nay vẫn bị chi phối nhiều bởi tiêu chí thu nhập. Do đó, để giảm nghèo hiệu quả, bền vững thì vẫn phải chú trọng tạo sinh kế, giảm nghèo về thu nhập. Đối với những hộ nghèo không thể thoát nghèo (do đơn thân, già cả,…) thì cần tiến hành điều tra riêng, không nên gộp chung vào các nhóm nghèo như hiện nay...

Chính sách giống nhau nhưng không trùng lặp

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng, qua giám sát và khảo sát, các chương trình, chính sách, dự án đầu tư cho vùng DTTS và miền núi có nhiều chồng chéo, phân tán nguồn lực, hiệu quả thực hiện chưa cao…

“Ví dụ, hỗ trợ phát triển sản xuất có 4 chính sách, nước sinh hoạt có 3 chương trình, một số chính sách không phù hợp vùng, khu vực. Những tồn tại nêu trên chậm được khắc phục. Đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm và giải pháp khắc phục?”-ông Nhưỡng nêu câu hỏi.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến cho biết: Theo Nghị định 05 của Chính phủ về công tác dân tộc, chúng ta có 13 nhóm chính sách và phân công 14 Bộ chủ trì. Đồng bào DTTS sinh sống ở 51 tỉnh, thành, sống phân tán trên một địa bàn rộng lớn, đời sống cũng đầy đủ mọi mặt nên không có một Bộ, ngành nào có thể có đủ nhân lực, khả năng quản lý tất cả các mặt như vậy.

“Chính phủ phân công các Bộ, ngành như vậy, nhưng các Bộ chủ yếu xây dựng chính sách, đôn đốc, kiểm tra và theo dõi việc thực hiện. Còn việc triển khai thực hiện chính sách dân tộc chủ yếu ở các địa phương. Do đó, kết quả việc thực hiện chính sách có vai trò của các Bộ, ngành, có trách nhiệm của chúng tôi, nhưng vai trò chính ở các địa phương”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến cho biết.

Theo ông, đúng là có chính sách nhiều Bộ đề xuất. Chẳng hạn như nước sạch, Uỷ ban Dân tộc và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng đề xuất, nhưng không hề chồng chéo, trùng lặp.

“Mỗi một xã có 15-20 thôn thì chương trình này đầu tư thôn này, chương trình khác không đầu tư vào thôn ấy nữa mà đầu tư thôn khác. Do vậy, sự hưởng lợi khác nhau chứ không trùng nhau. Nhưng tôi thừa nhận là cũng không tốt”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến phân tích.

Cần tiếp tục thực hiện chính sách cử tuyển

Trong phiên chất vấn, vấn đề giáo dục dân tộc, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động DTTS và tình trạng di cư tự do được các ĐBQH đặt vấn đề với Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT và các thành viên Chính phủ có liên quan.

Về lĩnh vực giáo dục, các ĐBQH đặc biệt quan tâm đến việc thực hiện chính sách phát triển giáo dục vùng DTTS và miền núi; tình trạng tái mù chữ ngày càng gia tăng, cùng với đó là những hạn chế trong việc dồn các điểm trường ở một số địa phương khiến tỷ lệ học sinh bỏ học có nguy cơ tăng. Đặc biệt, liên quan đến những hạn chế trong chính sách cử tuyển, có đại biểu đặt thẳng câu hỏi: Có nên tiếp tục thực hiện chính sách này nữa hay không?

Trả lời một số câu hỏi liên quan, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, chính sách giáo dục miền núi được Đảng, Nhà nước rất quan tâm: ưu tiên xây dựng trường lớp, giáo viên, chính sách liên quan về chế độ giáo viên, học sinh... Tuy nhiên, đến nay cơ sở vật chất trang thiết bị nhiều địa phương chưa được 50% kiên cố, còn nhiều thiết bị hỏng; trẻ xa trường lớp nên có hiện tượng bỏ học, tình trạng tái mù chữ là có thực...

Về chính sách cử tuyển, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, giai đoạn trước phát huy cao, cử tuyển được người rất tốt nhưng gần đây xem ra không hiệu quả. Khi học xong về không bố trí được việc làm. “Cử đi chưa trúng, chất lượng học của cán bộ này chưa phải cao, khi cử đi và sử dụng không khớp với nhau nên về không có việc. Do đó, cần cử người thực sự gắn với đầu ra”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho hay.

Liên quan đến chính sách cử tuyển, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến cho biết thêm, nhờ có chính sách mà nhiều con em đồng bào DTTS đã được học hành, góp phần vào sự phát triển của vùng DTTS và miền núi. Những hạn chế, bất cập của chính sách đã được chỉ ra; tuy nhiên, chính sách này cần được điều chỉnh để tiếp tục triển khai bởi hiện vẫn còn 32 DTTS có tỷ lệ sinh viên đại học dưới 1%, 3 DTTS chưa có sinh viên đại học nào. Tiếp tục triển khai chính sách nhưng phải theo hướng có chọn lọc, cử tuyển phải qua dự bị đại học, không châm chước về trình độ.

Đối với lĩnh vực đào tạo nghề, giải quyết việc làm, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cũng đã trả lời chất vấn Đại biểu Trần Văn Chiến (Đoàn Vĩnh Phúc) chất vấn về trách nhiệm sau khi con em đồng bào DTTS đào tạo về không có việc làm.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, theo kết quả điều tra vừa qua, cả nước hiện có hơn 313.000 thanh niên nông thôn thiếu việc làm, trong đó tỷ lệ ở khu vực đồng bào DTTS cao cấp 3,3 lần mức chung của cả nước.

Giải pháp mà Bộ trưởng đề cập là kết nối doanh nghiệp với các khu vực này, đào tạo theo đặt hàng, ví dụ như mô hình của Samsung ở Bắc Ninh. Ngoài ra, cần chú trọng việc xuất khẩu lao động cho khu vực khó khăn...

Cần “liều thuốc” đủ mạnh

Trong những nội dung trả lời chất vấn của các ĐBQH, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến đã đưa ra rất nhiều giải pháp để thực hiện có hiệu quả hơn nữa chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi. Trong suốt phiên trả lời chất vấn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh đến việc tích hợp các chính sách lại để làm thành một chương trình mục tiêu quốc gia về thúc đẩy giảm nghèo bền vững. Việc này giống như người bệnh cần uống kháng sinh, uống lẻ một vài viên thì không đủ liều, cần tổng lực hơn.

“Tại sao tôi cứ tha thiết đề nghị một chương trình mục tiêu quốc gia vì Hiến pháp đã quy định rõ Quốc hội quyết định chính sách dân tộc thì nếu không ra được luật thì cũng cần có 1 văn bản thống nhất ở tầm quốc gia, như vậy thì mới đủ sức mạnh thực hiện”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến phân tích.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến, nếu tích hợp được các chương trình đầu tư cho vùng DTTS và miền núi, có ban điều hành, theo dõi, đôn đốc thực hiện tổng thể thì sẽ hiệu quả hơn rất nhiều. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến cũng trăn trở, Uỷ ban Dân tộc là cơ quan ngang Bộ, tức không phải là Bộ nhưng thực hiện chức năng quản lý nhà nước, giống như một Bộ. Do đó, nếu không thành lập được Bộ thì đề nghị cấp có thẩm quyền để cho Uỷ ban Dân tộc hoạt động trở lại đúng như mô hình Uỷ ban, có các bộ ngành tham gia để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Sỹ Hào