Tham dự và đồng chủ trì Hội thảo có Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Tuyên Quang Chẩu Văn Lâm; Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành.
Chương trình Hội thảo chiều 11/4 tập trung thảo luận và nghe trình bày báo cáo về việc xây dựng, ban hành và thực hiện chính sách pháp luật về giáo dục liên quan đến vùng DTTS và miền núi theo phân định đối tượng được quy định tại khoản 3, Điều 61 Hiến pháp 2013 - Thực trạng và khuyến nghị; việc xây dựng, ban hành và thực hiện chính sách pháp luật về y tế liên quan đến DTTS và miền núi theo phân định đối tượng tại khoản 1, Điều 58 Hiến pháp 2013 - Thực trạng và khuyến nghị; việc áp dụng các đối tượng vùng trong văn bản quy phạm pháp luật về dân tộc hiện nay - những khuyến nghị, đề xuất; việc triển khai chính sách, pháp luật liên quan đến quy định đối tượng vùng, DTTS trên địa bàn một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương - thực trạng và khuyến nghị, đề xuất; hỏi đáp, thảo luận và đề xuất của đại diện các địa phương...
Ông Lê Như Xuyên - Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục dân tộc, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, việc sử dụng các thuật ngữ liên quan đến vùng DTTS và miền núi như đã liệt kê trên trong xây dựng và thực hiện các chính sách bảo đảm giáo dục tối thiểu có độ phủ rộng đến các đối tượng “yếu thế” và có tính liên thông của chính sách, như: Các chính sách về thực hiện phổ cập giáo dục cho trẻ mầm non 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học, THCS; chính sách hỗ trợ học sinh bán trú, trường PTDT bán trú và học sinh THPT ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội (KT-XH) đặc biệt khó khăn; chính sách hỗ trợ chi phí học tập đối với sinh viên là người DTTS học tại các cơ sở giáo dục đại học... Qua đó, các chính sách tập trung quan tâm tới các đối tượng người nghèo, cận nghèo, người DTTS ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Ông Lê Như Xuyên nhấn mạnh, việc phân định vùng DTTS và miền núi là cần thiết và quan trọng, là căn cứ để hoạch định, xây dựng và ban hành chính sách phát triển KT-XH vùng này nhằm thực hiện hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về công tác dân tộc và chính sách dân tộc. Do đó, việc phân định định vùng DTTS và miền núi cần được luật hóa để bảo đảm hiệu lực pháp lý, tính thống nhất, nhất quán trong xây dựng và thực hiện chính sách. Cần ban hành tiêu chí để xác định, phân định các vùng DTTS, vùng miền núi, vùng cao... (hoặc các khái niệm về công tác dân tộc) có tính ổn định và thống nhất, để tạo điều kiện thuận lợi trong xây dựng và thực thi chính sách…
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Quàng Văn Hương cũng cho biết, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có nhiều loại, nhiều tầng nấc, liên quan đến tất cả mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của cả nước nói chung và đồng bào DTTS nói riêng; vùng DTTS (về tự nhiên) và đồng bào DTTS (về con người) vừa là phạm vi, vừa là đối tượng điều chỉnh của các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực dân tộc.
Đối với đồng bào DTTS, xuất phát từ tính đặc thù về điều kiện tự nhiên, KT-XH, chính sách trong các văn bản quy phạm pháp luật phải được xác định cụ thể, rõ ràng, thống nhất về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng.
Ông Quàng Văn Hương cho rằng, trên cơ sở quy định của Hiến pháp về các vùng (miền núi; hải đảo; vùng đồng bào DTTS; vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn), rà soát các hình thức phân định hiện nay và xây dựng Bộ Tiêu chí phân định quốc gia để phục vụ cho công tác quản lý nhà nước bảo đảm đồng bộ, thống nhất làm cơ sở cho việc phân định theo từng lĩnh vực chính sách, tránh chồng lấn, bỏ sót (như phân định vùng DTTS và miền núi hiện nay).
Trao đổi về việc xây dựng và ban hành quy định bộ tiêu chí để làm cơ sở đánh giá, phân định vùng DTTS và miền núi, xã đặc biệt khó khăn, ông Đỗ Quang Vịnh - Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Yên Bái cũng cho rằng, cần phân định theo một số vùng DTTS trọng điểm về an ninh quốc phòng, kinh tế, vùng cần bảo tồn đặc biệt về văn hóa, tín ngưỡng... để thuận tiện cho việc đầu tư các chương trình, chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
“Cụ thể là vùng DTTS của tỉnh nên được phân theo đơn vị hành chính từ cấp xã, huyện trở lên. Tại đó, đồng bào DTTS chiếm tỷ lệ bao nhiêu %, tỷ lệ hộ nghèo, cơ sở hạ tầng, trình độ cán bộ xã, thôn bản... Đối với các tiêu chí quy định, cần hướng tới các nội dung đầu tư hỗ trợ để bảo đảm các nguồn đầu tư hỗ trợ được đúng đối tượng và hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thực sự cần thiết của người dân địa phương”, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Yên Bái Đỗ Quang Vịnh nhấn mạnh.
Phát biểu kết luận tại Hội thảo, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, Hội thảo này đã có 19 lượt ý kiến tham luận, thảo luận của các đại biểu, tập trung vào nhiều vấn đề liên quan đến chủ đề của Hội thảo. Các ý kiến tham gia cơ bản đều rất xác đáng, giá trị, đúng trọng tâm, trọng điểm. Các ý kiến của đại biểu là nguồn tư liệu tham khảo quan trọng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ xây dựng pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật, quản lý nhà nước trong lĩnh vực dân tộc của các cơ quan hữu quan.
Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm, có thể thấy trong thực tiễn xây dựng pháp luật, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về dân tộc, nhiều thuật ngữ, khái niệm được sử dụng rộng rãi, phổ biến nhưng chưa được xác định cụ thể về nội hàm, hoặc chỉ được quy định chung chung, chưa rõ ràng; sự phân định giữa các khái niệm cũng chưa tách bạch, còn chồng chéo về phạm vi, đối tượng. Theo đó, đã gây những khó khăn, vướng mắc nhất định trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của một số cơ quan hữu quan, cả ở cấp Trung ương và địa phương, làm giảm hiệu quả, hiệu lực của các chính sách dân tộc.
“Có thể thấy việc giải thích thuật ngữ, khái niệm liên quan đến vấn đề dân tộc và phân định vùng DTTS, miền núi là nhiệm vụ phức tạp, lâu dài, cần được nghiên cứu kỹ lưỡng và có cơ sở khoa học vững chắc. Trên cơ sở kết quả, giá trị của những hoạt động khoa học như Hội thảo của chúng ta ngày hôm nay, các cơ quan có thẩm quyền trong quá trình hoạch định chính sách sẽ có cơ sở để xác định một cách đúng đắn nội hàm của các khái niệm”, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm nhấn mạnh.