Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thời sự

Cần nhiều sáng kiến, đề xuất để tiếp tục đổi mới các hoạt động của Quốc hội

PV - 18:45, 01/08/2024

Trong cuộc họp chiều 1/8, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các Ủy ban và đơn vị chức năng cần có thêm sáng kiến, đề xuất để tiếp tục đổi mới các hoạt động của Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh Duy Linh)
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh Duy Linh)

Chiều 1/8 tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì cuộc làm việc với Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Tư pháp, Ủy ban Đối ngoại, Văn phòng Quốc hội và Viện Nghiên cứu lập pháp về kết quả hoạt động của các cơ quan từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến nay và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối nhiệm kỳ.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát huy tinh thần trách nhiệm, có những sáng kiến, đề xuất để tiếp tục đổi mới các hoạt động của Quốc hội, nâng cao chất lượng công tác lập pháp, giám sát tối cao, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước...

Cùng dự và chủ trì cuộc làm việc có Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Duy Linh)
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Duy Linh)

Phát biểu mở đầu cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, Quốc hội khóa XV đã đi được hơn nửa nhiệm kỳ với 7 kỳ họp thường lệ và 7 kỳ họp bất thường. Quốc hội đã hoàn thành khối lượng công việc khá lớn trên tất cả các lĩnh vực lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, đối ngoại.

Đây là dịp để Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội cùng ngồi lại với các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trước hết để lắng nghe, chia sẻ, đồng thời, đánh giá về chất lượng, tiến độ công việc trên cơ sở các kế hoạch đã ban hành và những việc đột xuất, phát sinh, xem những việc nào đã làm được, việc nào chưa làm được; những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ; những định hướng lớn của các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội từ nay đến cuối nhiệm kỳ.

Chủ tịch Quốc hội ghi nhận, trong hơn nửa nhiệm kỳ qua, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động các cơ quan của Quốc hội đã vào cuộc hết sức quyết liệt.

Tiếp đó, các đại biểu đã nghe Thường trực và Lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày báo cáo về các hoạt động của các cơ quan từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến nay.

Quang cảnh buổi làm việc tại Nhà Quốc hội. (Ảnh: Duy Linh)
Quang cảnh buổi làm việc tại Nhà Quốc hội. (Ảnh: Duy Linh)

Báo cáo tại cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến nay, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Quốc hội, Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tư pháp đã thực hiện hiệu quả, đạt chất lượng tốt các nhiệm vụ được giao trên các mặt công tác.

Về công tác xây dựng pháp luật, Ủy ban Tư pháp đã chủ trì thẩm tra và tham mưu, giúp Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉnh lý, hoàn thiện trình thông qua 3 dự án luật, 3 dự án pháp lệnh, 4 nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tại Kỳ họp thứ 7 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) với tỷ lệ tán thành cao (94,25%), đây là dự án Luật lớn, có nhiều chính sách, quy định mới về tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân.

Theo báo cáo, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, cùng với việc đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, triển khai Nghị quyết 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới, Ủy ban Tư pháp tham gia nhiều đoàn kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương…

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp là thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương được giao thực hiện nhiều nhiệm vụ, trong đó có 2 nhiệm vụ rất quan trọng là tham mưu xây dựng Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật và Chỉ thị của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc thể chế hóa các quy định của Đảng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thành pháp luật của Nhà nước.

Thường trực các Ủy ban tham dự buổi làm việc. (Ảnh: Duy Linh)
Thường trực các Ủy ban tham dự buổi làm việc. (Ảnh: Duy Linh)

Báo cáo tại cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ: Ngoài các nhiệm vụ thường xuyên thuộc lĩnh vực phụ trách, Ủy ban Pháp luật còn được giao thực hiện nhiều công việc quan trọng, đột xuất khác.

Một trong những kết quả công tác nổi bật của Ủy ban Pháp luật là tham mưu xây dựng Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, trình Bộ Chính trị thông qua và ban hành Kết luận số 19-KL/TW, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội đôn đốc thực hiện; tổ chức thành công 24 phiên họp toàn thể của Ủy ban; tham mưu xây dựng và triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình xây dựng pháp luật hằng năm; đã chủ trì, trình thông qua 6 luật, 1 pháp lệnh, nhiều nghị quyết quy phạm và hiện đang chủ trì 2 dự án luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8…

Tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Chủ tịch Quốc hội và các Phó Chủ tịch Quốc hội hết sức chia sẻ với những khó khăn, vất vả của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động các cơ quan của Quốc hội, cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội./.

Tin cùng chuyên mục
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh dự Đại hội đại biểu các DTTS lần thứ IV tỉnh Đồng Nai

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh dự Đại hội đại biểu các DTTS lần thứ IV tỉnh Đồng Nai

Sáng nay, ngày 22/11/2024, Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Đồng Nai lần thứ IV-năm 2024 đã chính thức diễn ra long trọng tại Trung tâm Hội nghị và tổ chức sự kiện tỉnh Đồng Nai. Đại hội vinh dự được đón ông Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tham dự và chỉ đạo Đại hội.