Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sự kiện - Bình luận

Cần sự cẩn trọng khi "bắt hot trend” sử dụng hình ảnh của đồng bào DTTS

Thúy Hồng - 11:09, 07/09/2023

Gần đây ca khúc “À Lôi” của rapper Double2T, được lấy cảm hứng từ ngôn ngữ của dân tộc Tày, đã thu hút được đông đảo giới trẻ. Sau khi bài hát “À Lôi” ra đời, rất đông giới trẻ “bắt hot trend” (trào lưu, xu hướng thịnh hành giới trẻ) theo bài hát À Lôi. Tuy nhiên, điều đáng nói là, giới trẻ lại dùng hình ảnh trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số khác để “biến hình” trên các nền tảng mạng xã hội.

Việc giới trẻ “bắt hot trend” theo bài hát À Lôi sử dụng hình ảnh về trang phục dân tộc khác có thể gây hiểu lầm cho cộng đồng về trang phục của đồng bào các DTTS
Việc giới trẻ “bắt hot trend” theo bài hát À Lôi sử dụng hình ảnh về trang phục dân tộc khác có thể gây hiểu lầm cho cộng đồng về trang phục của đồng bào các DTTS

Ca khúc “À Lôi” của rapper Double2T lấy cảm hứng từ ngôn ngữ của dân tộc Tày. Sau khi ca khúc ra đời đã thu hút hơn 10 triệu lượt xem trên YouTube. Còn ở DSP (các nền tảng nghe nhạc trực tuyến), thậm chí còn khiến cộng đồng mạng đổ xô “đu trend” (chạy theo xu hướng).

Theo đó, giới trẻ đã có xu hướng trên nền nhạc bài hát “biến hình” trên các nền tảng mạng xã hội bằng nhiều bộ trang phục truyền thống của các dân tộc khác nhau.

Lướt một vòng trên các trang mạng từ Yuotube, Tiktok… không khó để bắt gặp các trend biến hình theo ca khúc À Lôi đã thu hút hàng chục nghìn lượt xem, chia sẻ, thậm chí có cả một số người nổi tiếng cũng “bắt trend” bài hát để biến hình bằng nhiều trang phục dân tộc khác nhau.

Bài hát À Lôi là ca khúc độc đáo về cả lời rap và chất liệu âm nhạc. Đây thực chất là câu cảm thán của đồng bào dân tộc Tày, thể hiện sự bất ngờ hoặc hoảng hốt. Việc đưa từ ngữ thể hiện nét đặc trưng trong văn hóa Tày vào ca khúc, đã tạo sự hấp dẫn, đốn tim khán, thính giả. 

 Tuy nhiên, đáng nói là, một bộ phận giới trẻ “bắt trend” đã sử dụng ca khúc này để biến hình qua nhiều trang phục DTTS khác nhau, vô tình làm lẫn lộn, gây hiểu nhầm về trang phục của mỗi dân tộc thiểu số.

Chị Nguyễn Thị Điềm, dân tộc Tày ở Thái Nguyên chia sẻ, chị cũng đã xem trên mạng xã hội, thấy nhiều bạn trẻ dùng ca khúc À Lôi, nhưng lại biến hình thành trang phục dân tộc Mông, dân tộc Thái…Việc này có thể sẽ gây ra hiểu nhầm về trang phục của người Tày, bởi ca khúc À Lôi dựa theo nét văn hóa đặc trưng của người Tày.

Băn khoăn về xu thế chạy theo trào lưu của một bộ phận giới trẻ hiện nay, chị Vi Thị Đỉnh, dân tộc Thái ở Điện Biên nhắn nhủ, trước khi các bạn trẻ muốn trình diễn trang phục dân tộc hoặc mượn trang phục của dân tộc nào đó, phải tìm hiểu rằng trang phục đó mặc vào thời điểm nào thì phù hợp.

Cần có cái nhìn cẩn trọng để tránh hiểu sai lệch về bản sắc văn hóa của đồng bào các DTTS (Trong ảnh: Trang phục truyền thống dân tộc Tày ở Lạng Sơn)
Cần có cái nhìn cẩn trọng để tránh hiểu sai lệch về bản sắc văn hóa của đồng bào các DTTS (Trong ảnh: Trang phục truyền thống dân tộc Tày ở Lạng Sơn)

Cách đây không lâu, cộng đồng mạng xã hội cũng phản ánh việc các cửa hàng ở một số điểm du lịch của Hà Giang bỗng ngập tràn bóng dáng của những bộ cổ phục từ... các vùng lãnh thổ khác. Một bộ phận giới trẻ khi tới các điểm du lịch này đã diện các trang phục của người Tây Tạng, Mông Cổ…để chụp hình, rồi đưa lên mạng xã hội, điều này đã khiến cho nhiều người và đồng bào DTTS đã có phản ứng gay gắt.

Theo đó, ngay sau khi có phản ánh của báo chí, truyền thông và mạng xã hội về việc nhiều du khách khi đi du lịch, trải nghiệm sông Nho Quế, tỉnh Hà Giang mặc trang phục Tây Tạng, Mông Cổ... gây hiểu nhầm về định danh địa điểm du lịch với khách nước ngoài, Sở VHTT&DL tỉnh Hà Giang đã vào cuộc kiểm tra, chấn chỉnh.

Thực tế, trong không gian giao thoa văn hoá mạnh mẽ và ảnh hưởng của mạng xã hội như hiện nay, việc vay mượn, sử dụng các tư liệu văn hoá của các cộng đồng dân tộc thiểu số là xu hướng không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, khi giới trẻ sử dụng trang phục dân tộc hoặc sử dụng hình ảnh của đồng bào DTTS trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, cần có cái nhìn cẩn trọng để tránh hiểu sai lệch về bản sắc văn hóa của đồng bào các DTTS.