Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Can thiệp điều trị trẻ tự kỷ: Cần chính sách cụ thể

PV - 13:52, 16/04/2018

Theo các chuyên gia, tự kỷ không phải là bệnh, mà là một dạng khuyết tật phát triển và tồn tại suốt đời, để lại nhiều hệ lụy.

Giáo viên điều trị cho trẻ tự kỷ hiện chưa có chế độ đãi ngộ phù hợp. Giáo viên điều trị cho trẻ tự kỷ hiện chưa có chế độ đãi ngộ phù hợp.

 

Do đó, việc các văn bản pháp luật công nhận tự kỷ là một dạng khuyết tật là việc làm cấp thiết hiện nay.

Báo cáo y học của thế giới tại Hội thảo “Tự kỷ trong Asean-Xây dựng pháp luật và các chính sách về phát hiện, can thiệp và chăm sóc người tự kỷ tại cộng đồng” (được tổ chức ngày 31/3/2018 tại Hà Nội) cho thấy, năm 2010, tỷ lệ trẻ bị tự kỷ là 1/150, sau đó là 1/110, 1/88 và đến thời điểm này là 1/68. Số lượng trẻ bị tự kỷ trong 5-7 năm qua đã tăng gấp đôi. Tại khoa Tâm bệnh-Bệnh viện Nhi Trung ương với 1.500-1.600 trẻ đến khám trong 1 tháng thì có khoảng 300 trẻ cần can thiệp.

Theo bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Giám đốc Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam, trẻ bị tự kỷ nếu không được can thiệp sớm sẽ dẫn đến phát triển chậm, kèm những rối loạn giác quan ngày càng nghiêm trọng. Một bộ phận không nhỏ gây ra các vấn đề khó khăn cho sự phát triển xã hội sau này, là gánh nặng cho cả gia đình và xã hội.

Còn theo PGS.TS Nguyễn Xuân Hải (Đại học Sư phạm Hà Nội), một đặc điểm trong giáo dục người tự kỷ là can thiệp và giáo dục cả đời. Nếu can thiệp không đúng hoặc buông lơi của gia đình và cộng đồng, thì họ sẽ có thêm những hành vi không thể lường hết được. Can thiệp giúp người tự kỷ là cả một quá trình và đòi hỏi nhiều cấp, nhiều ngành và cộng đồng cùng tham gia.

Những hệ lụy cũng như gánh nặng điều trị cho trẻ tự kỷ là rất lớn, nhưng hiện nay, nước ta vẫn chưa có một cơ chế, chính sách nào để hỗ trợ điều trị cho trẻ tự kỷ. Khi xây dựng Luật Người khuyết tật năm 2010, rất nhiều chuyên gia cũng như gia đình có thành viên tự kỷ đều khấp khởi kỳ vọng, tự kỷ sẽ được xếp vào một dạng khuyết tật để được thụ hưởng chính sách hỗ trợ điều trị. Tuy nhiên, khi Luật được ban hành, tự kỷ không được xếp cụ thể là dạng khuyết tật nào. Mặt khác, hiện cũng chưa có văn bản pháp lý nào cho thấy, người tự kỷ là người khuyết tật để được hưởng BHYT, trợ cấp, đào tạo nghề…

Tự kỷ nếu không được can thiệp sớm sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy cho trẻ và gia đình, xã hội. ( Ảnh minh họa) Tự kỷ nếu không được can thiệp sớmsẽ dẫn đến nhiều hệ lụy cho trẻ và gia đình, xã hội.( Ảnh minh họa)

 

Thậm chí, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng có quy định về giáo dục hòa nhập cho người tàn tật, khuyết tật. Nhưng trên thực tế, nhiều trường mẫu giáo và tiểu học từ chối không nhận trẻ tự kỷ, thậm chí chối bỏ cả những em bị tự kỷ nhẹ khiến các trẻ tự kỷ mất cơ hội được hòa nhập, còn cha mẹ có trẻ tự kỷ lại thêm nỗi nhọc nhằn và lo lắng khi con đến tuổi đi học.

Đặc biệt, ở nước ta chưa có một trường chuyên biệt hay một trung tâm can thiệp dành riêng cho nhóm trẻ tự kỷ để nhóm người này nhận được sự quan tâm của hệ thống an sinh xã hội rối loạn phổ tự kỷ. Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ pháp lý cho giáo dục trẻ tự kỷ cũng rất khó khăn.

Trước thực tế này, thiết nghĩ các nhà hoạch định chính sách cần đưa tự kỷ vào danh mục xác định khuyết tật của các văn bản pháp luật Nhà nước và các bộ, ngành có liên quan; xây dựng tiêu chí chuẩn về chuyên môn nghề nghiệp cho đội ngũ giáo viên, chăm sóc viên trong lĩnh vực can thiệp và giáo dục trẻ em có rối loạn phổ tự kỷ.

Ngành Giáo dục cũng nên mở mã ngành đào tạo giáo viên và chăm sóc viên về tự kỷ; hình thành và thống nhất quản lý hệ thống dịch vụ chăm sóc giáo dục trẻ tự kỷ.

KHÁNH THƯ